- Nằm tách biệt với thế giới bên ngoài bởi con sông Mường Mìn, khi có việc cần ra xã thì người dân phải “liều lĩnh” vượt sông, trong đó học sinh, thầy cô giáo là những người gần như ngày nào cũng phải vượt sông bằng phương tiện thô sơ này.
Ở đây, trong mùa mưa cả làng bị cô lập, học sinh cả tuần lễ không đến lớp là chuyện không hiếm. Đã có nhiều đoàn công tác về kèm theo lời hứa “sẽ có cầu”.
Nhưng người dân ở đây mong mãi mà chẳng thấy lời hứa được thực hiện, muốn qua sông họ tiếp tục dùng bè mảng. Đó là thực tế ở bản Bơn, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
“Liều lĩnh” vượt sông
Sau một đêm mưa lớn, nước sông Mường Mìn một màu đỏ quạnh và dữ dằn, thế nhưng vẫn có hàng trăm người dân ở bản Bơn đổ ra bến để sang sông trên chiếc bè mảng đơn sơ.
Ngày 11/11 đến “phiên” của bác Vi Văn Sơn, 60 tuổi, trực “đò” chở khách qua sông. Ông tâm sự: “Nước thế này có nguy hiểm thật nhưng vẫn phải cho bè hoạt động vì có cả mấy chục học sinh đi học và nhiều người qua sông lên xã có việc. Từ sáng đến giờ tôi cũng đã cho hơn 50 lượt người qua sông đấy chú”.
Nước lớn và hung dữ nhưng người dân vẫn liều lĩnh qua sông bằng cách phương tiện thô sơ, tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm |
Theo quan sát của chúng tôi, cách qua sông này khá đơn giản, một sợi dây cáp được cố định với hai gốc cây lớn hai bên bờ sông. Ở đó sẽ có một ròng rọc động và một sợi dây cáp khác kết nối với bè mảng, phía dưới sẽ có một sợi dây thừng nối đôi bờ, người lái bè sẽ bám sợi dây này để kéo bè cho ròng rọc chuyển động chở khách qua sông.
Bản Bơn, xã Mường Mìn có 98 hộ với hơn 600 nhân khẩu nằm bên kia sông và hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.
Ông Vi Văn Hóa, Trưởng bản Bơn cho biết: “Khổ lắm, cả chục năm nay rồi dân tui phải liều lĩnh vượt sông mỗi khi có việc. Khổ nhất là các cháu học sinh và thầy cô giáo ngày nào cũng phải qua sông 2 đến 3 lần. Nhưng những ngày mưa to nước sông lớn thì bản hoàn toàn bị cô lập, các cháu học sinh không thể đến trường trong cả tuần lễ là chuyện bình thường”.
Tại bến, thầy giáo Nguyễn Xuân Hậu, giáo viên trường Tiểu học xã Mường Mìn đang chờ để được lên bè sang sông dạy học cũng bức xúc bày tỏ: “Nhiều hôm mưa lớn chúng tôi không thể sang sông đứng lớp ở điểm bản này. Học sinh cấp 2 thì không thể lên trường tại trung tâm xã để học. Cũng đã có những cái chết oan uổng ở khúc sông này, còn tai nạn rơi sông là chuyện bình thường”.
Anh Vi Văn Nguyên, y tá bản Bơn cười chua xót khi nói đến chuyện qua sông ở đây: “Nhiều lúc nhân dân trong bản bị ốm đau, bè mảng không thể hoạt động tui phải buộc 2 cái can bơi qua sông để đi lấy thuốc cứu nhân dân. Năm ngoái tui suýt chết trong một lần qua sông như thế”.
“Hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều”
Theo nhân dân ở đây tính toán thì mỗi ngày chiếc bè mảng của họ phải vận chuyển trên 200 lượt người và phương tiện qua sông. Để đảm bảo cho bến đó luôn hoạt động thì các gia đình trong bản phải thay nhau làm nhiệm vụ “trực” bè mỗi ngày.
Cứ như thế, không có chuyện trả tiền bạc khi qua sông nhưng bè vẫn luôn hoạt động làm nhiệm vụ vận chuyển dân bản qua sông và khách ghé bản quanh năm, trừ những ngày nước lớn.
Bác Vi Văn Sơn, “chủ đò” ngày 11/11 cho biết: “Bè và dây cáp được nhân dân chung sức đóng góp, khi có hỏng hóc nhân dân cũng cùng nhau sửa chữa”.
Khi được hỏi về một cây cầu qua sông, ông Vi Văn Hóa, Trưởng bản Bơn cho biết: “Đã có rất nhiều đoàn về thăm, nhiều vị lãnh đạo huyện, tỉnh đã hứa sẽ cho xây cầu, nhưng mãi vẫn chưa thấy”.
Trong lúc đang chờ một cây cầu để thuận tiện khi qua sông thì không còn cách nào khác hàng trăm người dân bản Bơn vẫn liều lĩnh qua sông trên bè mảng mà không có một manh áo phao. Không biết điều gì sẽ xảy ra nếu chẳng may bè có sự cố nhất là trong mùa mưa lũ?
Em Vị Thị Hằng, học sinh lớp 8, trường THCS Mường Mìn tâm sự: “Mỗi lần qua sông cháu sợ lắm, nhất là những ngày mưa lớn, nhưng không qua sông bằng bè thì cháu không thể đến trường. Cháu và các bạn ở đây vẫn luôn mong có một cây cầu để thuận lợi hơn trong việc đi học”.
Vậy là đã có rất nhiều lời hứa về việc xây cầu qua sông ở bản Bơn, nhưng đến nay nó vẫn chỉ là một lời hứa suông. Nhân dân bản Bơn vẫn luôn trăn trở một câu hỏi: “Bao giờ mới có cầu?”.
Khi sắp chia tay bản Bơn, chúng tôi được một cán bộ xã Mường Mìn cho biết: “Trải dài trên con sông này còn có cả hàng chục điểm vượt sông bằng bè mảng nguy hiểm như thế này”.
- Đất Nghệ