– Trong lúc nóng giận, chị Phạm Thị Lâm đã tát một cháu bé 15 tuổi. Hậu quả khó tin mà chị phải gánh là các cơ quan pháp luật ở Hòa Bình đã "nghĩ" ra là cháu bé bị tổn hại... 21% sức khỏe. Chưa hết, chị Lâm đã mất gần 100 triệu đồng cùng mấy năm oan trái, lận đận vì cái tát này...
Cái tát tổn hại… 21% sức khỏe!
Vụ việc hy hữu xảy ra tại Thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) vào giữa tháng 6/2008. Chị Phạm Thị Lâm (SN 1974, thường trú tại tổ 17, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) đã tát cháu Phạm Băng Tâm (15 tuổi) khi không kiềm chế được cơn nóng giận. Cũng vì cái tát này mà chị đã phải khốn khổ gần 3 năm trời, mất một cục tiền oan và suýt phải vào tù.
Người phụ nữ có cái tát "mạnh nhất Việt Nam" khiến người bị tát tổn hại... 21% sức khỏe và chủ nhân của cái tát này phải trả giá gần 100 triệu đồng. |
Thời điểm đầu tháng 6/2008, gia đình chị Lâm có tiến hành sửa chữa lại nhà. Chiều 8/6/2008, người thợ xây than phiền với chị Lâm về việc dụng cụ xây nhà bị mất một cách kỳ quặc. Trong lúc chị Lâm đi tìm mua dụng cụ khác, người thợ xây này phát hiện thấy cháu Trần Minh Tiến (học lớp 7) ở gần nhà chị Lâm có mang theo một túi ni-long trong giỏ xe.
Nghi ngờ, anh này bèn gọi cháu Tiến dừng lại và phát hiện ra các dụng cụ của mình đang được Tiến cầm đi. Sau đó, anh này đã kể lại cho chị Lâm hay.
Chị Lâm đã gặp riêng cháu Tiến yêu cầu cháu viết bản kiểm điểm có chữ ký của mẹ gửi chị Lâm với mục đích: “Cháu phải viết bản kiểm điểm để không được tái phạm. Nếu cháu tái phạm, cô sẽ đưa ra nhà trường về việc làm không tốt của cháu!”.
Sau đó, cháu Tiến đã nhờ em con dì là cháu Phạm Băng Tâm (SN 1993, lúc đó đang học lớp 10) viết bản kiểm điểm thay, và ký tên mẹ của Tiến dưới bản kiểm điểm đó.
Phiếu điện não được cung cấp cho công an phường Tân Thịnh và là căn cứ để Viện KHKTHS đưa ra kết quả giám định 21%. Bác sỹ Đinh Xuân Bến là chủ một phòng khám tư dưới Hà Nội. Còn mẫu phiếu điện não này, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cũng chưa từng cung cấp cho ai cả! |
Nhận ra bản kiểm điểm này không do Tiến viết, chị Lâm sang nhà gặp cháu Tiến yêu cầu viết lại. Lúc này, cháu Phạm Băng Tâm cũng đang ở đó chơi.
Nghe câu chuyện của chị Lâm với cháu Tiến, cháu Tâm đã có thái độ hỗn xược với chị Lâm. Sau khi đã nhắc nhở nhưng cháu Tâm không thay đổi thái độ, chị Lâm đã tát cháu Tâm một cái.
Sự việc phức tạp sau cái tát đó. Tâm đã khóc lóc gọi bố mẹ mình ở xã Trung Sơn (Kỳ Sơn – Hòa Bình) cách đó vài cây số đến. Bố mẹ cháu Tâm cho rằng chị Lâm đã "xâm hại đến con gái mình" và tố cáo hành vi của chị Lâm ra công an phường Tân Thịnh.
Một ngày sau, gia đình cháu Tâm đưa con đến "điều trị" tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình và yêu cầu giám định pháp y. Ngày 16/6/2008, Công an TP Hòa Bình đã ra quyết định trưng cầu giám định pháp ý đối với cháu Phạm Băng Tâm. Anh Nguyễn Ngọc Khánh (công an phường Tân Thịnh) đã đưa cháu Tâm đi giám định.
Ngày 18/7/2008, Viện Khoa học Kỹ thuật hình sự có kết luận giám định số 1445/C21/P7: cháu Phạm Băng Tâm bị tổn hại… 21% sức khỏe!
Ngày 16/8/2008, Công an TP Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án. Chị Lâm được cơ quan điều tra triệu tập. Chị bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm đình chỉ công tác để phục vụ công tác điều tra về tội “cố ý gây thương tích”.
Thời điểm này, chồng chị Lâm đang điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện K (Hà Nội). Một chuỗi ngày tháng lận đận bắt đầu đến với chị Lâm.
Vừa lo chăm sóc bệnh tình của chồng, vừa phải ra cơ quan công an theo lệnh triệu tập, một thời gian dài chị Lâm phải xuôi ngược Hà Nội – Hòa Bình, Hòa Bình – Hà Nội.
Lúc này, sau một thời gian điều trị, do căn bệnh ung thư xương giai đoạn cuối, chồng chị Lâm qua đời. Đau khổ và chán chường, lại thêm “án oan” treo trên đầu, chị Lâm tưởng như đã tuyệt vọng.
Nhưng, thấy quá vô lý trước kết quả giám định tổn hại sức khỏe… 21% chỉ vì một cái tát trong lúc nóng giận, chị quyết tâm tự minh oan cho mình.
Một cái tát trả giá… 100 triệu!
Trước khi có kết luận giám định của Viện Khoa học kỹ thuật hình sự, chị Lâm được biết, gia đình cháu Tâm đã cung cấp cho cơ quan điều tra kết quả điện não ngày 13/6/2008 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, do bác sỹ Đinh Văn Bến điều trị; Kết quả chụp X-quang ngày 14/6/2008…
Thời gian này, trường nơi cháu Tâm học đang tổ chức thi học kỳ, và cháu Tâm vẫn tham dự đầy đủ. Kết quả thi của cháu Tâm cũng khá cao. Những thông tin này đã được Ban giám hiệu nhà trường xác nhận.
“Nếu như bị thương tổn 21% sức khỏe, nhất là liên quan đến não, cháu Tâm sẽ không thể đi thi được chứ không nói đến việc có kết quả thi tốt như vậy!” – chị Lâm bức xúc.
Thông báo của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình: bác sỹ Bến không phải cán bộ của bệnh viện; bệnh viện cũng không khám bệnh, chụp chiếu bệnh nhân có tên Phạm Băng Tâm vào các ngày 13, 14/6/2008. |
Thấy vô lý, chị Lâm đã viết đơn đề nghị Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình xác nhận tính chính xác của kết quả điện não nói trên. Ngày 13/11/2008, tại văn bản số 881/BB-BVT, Phó GĐ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình - ông Quách Thiên Tường khẳng định trên văn bản: Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình không có cán bộ nào có tên Đinh Văn Bến; ngày 13 – 14/6/2008, Khoa khám bệnh, khoa Chấn thương hình ảnh bệnh viện tỉnh không tiếp nhận hay khám bệnh cho bệnh nhân nào có tên Phạm Băng Tâm; phòng Kế hoạch Tổng hợp cũng không cung cấp phiếu ghi điện não ngày 13/6/2008 cho công an phường Tân Thịnh.
Bức xúc, chị Lâm viết đơn khiếu nại đồng loạt gửi các cơ quan nhà nước, cơ quan công an tỉnh Hòa Bình.
Ngày 24/10/2008, VKSND TP Hòa Bình đã ra quyết định số 10 về việc yêu cầu giám định lại trường hợp cháu Phạm Băng Tâm. Ngày 9/12/2008, cơ quan giám định pháp y Hòa Bình kết luận: cháu Tâm bị tổn hại… 01% sức khỏe.
“Đuối lý”, ngày 15/12/2008, Công an TP Hòa Bình đã ra quyết định số 01 về việc đình chỉ vụ án. Một lý do khác khiến vụ án được đình chỉ, đấy là bố cháu Tâm, ngày 29/9/2008 (trước khi có kết luận giám định lại) đã rút đơn đề nghị truy tố chị Lâm.
Ngày 02/12/2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng trưng cầu giám định pháp y tại Viện Pháp y Quốc gia về thương tích của cháu Tâm. Kết quả giám định thương tích của cháu Tâm là... 0%.
Sau những phiền toái từ một cái tát trong cơn nóng giận, chị Phạm Thị Lâm đã sợ đến chết và không bao giờ dám... tát ai nữa! |
Trước đó, ngày 16/8/2008, khi Công an tỉnh Hòa Bình ra quyết định khởi tố vụ án, lại thấy kết quả giám định tổn hại sức khỏe cháu Lâm là 21%, lo lắng mình vướng vòng lao lý, lại đang lo chăm sóc chồng ung thư giai đoạn cuối, chị Lâm đã đồng ý chấp nhận yêu cầu của gia đình cháu Tâm: bồi thường 40 triệu đồng.
Sau khi mặc cả, số tiền mà chị Lâm phải trả cho gia đình cháu Tâm là 25 triệu. Biên bản nhận tiền chị Lâm vẫn giữ, có sự chứng kiến của đại diện Công an TP Hòa Bình, VKSND TP Hòa Bình.
“Tôi nghĩ mình mất tiền để khỏi phiền hà, nhưng rõ ràng bị oan nên tôi không thể chấp nhận được như thế…” – chị Lâm phân trần.
Tất cả thiệt hại về kinh tế từ khi vụ việc “cái tát” xảy ra, chị Lâm cho biết đã mất gần 100 triệu đồng.
Trao đổi với VietNamNet, thượng tá Nguyễn Văn Hải (Chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Hòa Bình) cho hay: vụ việc đã được đình chỉ từ ngày 15/12/2008. Như thế có nghĩa là vụ án đã khép lại. Việc chị Lâm mất tiền, đó là do thỏa thuận của hai bên, cơ quan công an không có trách nhiệm phải đòi lại cho chị Lâm!
Về tính chính xác của phiếu điện não ngày 13/6/2008, ông Hải thừa nhận: người ký phiếu điện não đó là bác sỹ Đinh Văn Bến – chủ một phòng khám tư nhân tại đường Giái Phóng (Hà Nội). Còn mẫu điện não của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, tại sao ông Bến lại có được, công an Hòa Bình được biết một người đàn ông tên Thắng (họ hàng nhà cháu Tâm) đã kiếm được và mang xuống để ông bác sỹ kia điền vào.
“Kết quả giám định con số 21% ban đầu là do Viện Khoa học kỹ thuật hình sự nên Công an TP Hòa Bình mới căn cứ vào đó để ra quyết định khởi tố. Tuy nhiên, sau này khi đã có kết quả xuống còn 01% và 0%, công an Hòa Bình đã đình chỉ vụ án rồi. Hiện tại, chúng tôi đang chờ ý kiến của cơ quan cấp trên mới trả lời được chị Lâm!” – ông Hải cho hay.
Hai năm qua, chị Lâm đã sống trong sự bức xúc và… phẫn uất. “Việc dựng hồ sơ giả của bệnh viện và lấy đó làm căn cứ để đưa ra kết luận 21% tổn hại sức khỏe, nếu như tôi không nhờ Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình xác nhận rõ chân tướng của người ký dưới phiếu điện não, chắc Công an TP Hòa Bình cũng không biết!”.
Một cái tát khiến chị Lâm khốn đốn mấy năm trời. Tuy nhiên, người tố cáo sai lại vẫn “bình yên”, còn cơ quan công an suýt truy tố nhầm người thì vẫn đùn đẩy trách nhiệm, theo kiểu: đã đình chỉ vụ án có nghĩa là người bị hại đã được… rửa oan!!!
Chị Lâm chua chát: "Không biết kết quả đi tới đâu, nhưng từ giờ đến chết sẽ không dám… dùng tay tát ai nữa!".
- Kiên Trung