“Điềm lành xuất hiện khi tìm kiếm nạn nhân”
– “Theo kinh nghiệm nghề sông nước, trước khi làm một việc gì đều phải có lễ để cúng các ngài "hà bá địa phương" quản lý khu vực ấy, để công việc được may mắn. Điều chúng tôi không ngờ tới là vừa làm lễ xong thì hương vàng tự hóa. Điều này khiến cho mọi người yên tâm hơn, bởi theo quan niệm của người làm nghề sông nước thì hương vàng tự hóa là một điềm lành...”, ông Nguyễn Văn Hoàn, Đội trưởng đội thợ lặn chia sẻ.
Không có nỗi sợ hãi, chỉ có nỗi đau…
Là đội trưởng đội thợ lặn, trực tiếp tham gia tìm kiếm và trục vớt chiếc xe khách cũng như 14 hành khách bị lũ cuốn trôi tại Hà Tĩnh, nhớ lại những giây phút cứu hộ đã qua, ông Hoàn cho biết: “Khi thực hiện công việc cứu hộ cứu nạn, chúng tôi không có ám ảnh nào hết, đây là hành động vì lương tâm”.
Trong đợt trục vớt xe khách vừa rồi, ông Hoàn đã thực hiện đợt lặn lâu nhất là một tiếng và khoảng cách lặn sâu nhất là 14m. Tổ thợ lặn của ông Hoàn gồm 6 thợ lặn chuyên nghiệp. Ngoài ra, những người chưa có nhiều kinh nghiệm vẫn tham gia, nhưng sẽ đứng trên tàu, xà lan trợ giúp, kiểm soát các máy nén khí, kiểm tra dây lặn...
Chiếc xe đã được đưa vào bờ nhờ công lớn của đội thợ lặn (Ảnh: VietNamNet) |
Theo kinh nghiệm của các thợ lặn thì sau 3 ngày mà xác không nổi thì chắc chắn sẽ mắc kẹt trong xe. Vì thế, các thợ lặn đều xác định trong xe có thể sẽ còn nhiều xác.
“Vì động lực các nạn mắc kẹt dưới xe và thân nhân người bị nạn nên tôi không ngại khó khăn và sợ hãi, bà con cả nước trông chờ tìm kiếm và trục vớt chiếc xe. Khi lặn xuống tôi buộc dây cáp vào gầm xe, trong lúc xe đã bị cát vùi, tôi phải dùng tay bới cát rồi chui vào gầm để buộc vào chỗ chắc nhất là cầu của xe. Khi buộc xong tôi rất sung sướng và tự tin vì điểm đó đã chắc để kéo xe vào bờ, rồi sau đó là tìm kiếm các nạn nhân xấu số”, ông Hoàn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hoàn - Ảnh: Bee.net.vn |
Cùng tâm trạng với ông Hoàn, ông Nguyễn Khắc Bình, Giám đốc Công ty cổ phần XNK Ngọc Hải (đơn vị cùng tham gia trục vớt chiếc xe) cho biết: “Chúng tôi thấy lo lắng, liệu các thi thể có còn trong xe hay không? Ai cũng đau xót vì mất mát quá lớn”.
Một lực lượng đặc biệt trong đợt cứu hộ chiếc xe khách vừa qua là bộ đội công binh. Trực tiếp tham gia chỉ đạo lực lượng này, Thượng tá Trần Văn Sinh - Lữ đoàn phó, Đoàn công binh Hải Vân, Quân khu IV chia sẻ những cảm xúc vẫn còn nguyên vẹn: “Chúng tôi vừa làm nhiệm vụ, vừa cầu xin cho những người xấu số giúp cho chúng tôi nhanh chóng tìm được thi thể các nạn nhân trên chiếc xe khách.
Vì vậy trong quá trình làm, chúng tôi không sợ nguy hiểm, không kể thời gian. Thậm chí trong bộ phận cứu nạn có một số đồng chí người thân đang đau nặng, nhà bị ngập lụt lớn ở Hà Tĩnh, có đồng chí vợ đẻ, đơn vị cho đi phép để giúp gia đình nhưng khi nhận được nhiệm vụ đã gạt mọi việc riêng tập trung để cứu nạn”.
Để xe gặp nạn, chính quyền cũng có lỗi
Ông Nhật (ngoài cùng bên trái): "Để xe gặp nạn, chính quyền cũng có lỗi" (Ảnh: VietNamNet) |
Ông Nguyễn Nhật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Các tai nạn giao thông xảy ra trước mắt có lỗi của người điều khiển phương tiện. Nhưng trong trường hợp này cũng có lỗi của chính quyền, dù đã chốt chặn nhưng lại không cương quyết ngăn chặn, để xe chạy qua mà không biết”.
Theo ông Nhật, hiện toàn tỉnh đang lo cứu dân, khắc phục hậu quả lũ lụt nên chưa xem xét cụ thể trách nhiệm của các địa phương, ban, ngành trước tai nạn thảm khốc này.
Trước những thông tin cho rằng trước khi vụ tai nạn thương tâm này xảy ra, lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đoạn đường này đã cấm không cho các phương tiện giao thông đi vào khu vực nguy hiểm nhưng vẫn có khoảng vài chiếc xe khách cố tình chạy qua, trong đó có xe 48K-5868, một vài câu hỏi được đặt ra là: Lực lượng CSGT đã cấm các phương tiện này bằng cách nào? Khi xe đã chạy qua sao không triển khai các biện pháp ngăn chặn tiếp theo?
Ông Nhật khẳng định: “Tại thời điểm đó, lực lượng CSGT đã chặn hết đường và có cảnh sát, cán bộ Ban quản lý đường bộ 4, Cục Đường bộ Việt Nam đứng gác. Nhưng chúng tôi phải tiếp tục kiểm tra lại sự việc này để xem việc ngăn chặn có cương quyết không? Chúng tôi đang giao cho ngành công an lập hồ sơ vụ án. Chắc chắn sẽ phải làm nghiêm để răn đe”.
Áp lực lớn nhất là phải tìm được xác nạn nhân xấu số
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Nhật cho biết: “Áp lực nặng nề nhất của chính quyền là phải làm cách nào để tìm được những nạn nhân xấu số”.
Có nhiều phương án cứu hộ, nhưng cuối cùng tỉnh Hà Tĩnh đã chọn phương án cứu trợ như vừa qua. Lý do ông Nhật đưa ra là phải chọn phương án vừa cứu nạn nhân, vừa an toàn nhất. Lãnh đạo tỉnh đã họp với QK4, các ngành chức năng của Hà Tĩnh và thống nhất sử dụng lực lượng công binh 414. Đây là đơn vị có nhiều kinh nghiệm, đã nhiều lần cứu nạn thành công. Cuối cùng chọn cách dùng thợ lặn lặn xuống tìm xác và chính ông là người đi liên hệ với các đội thợ lặn.
Áp lực lớn nhất là phải tìm được xác người bị nạn (Ảnh: VietNamNet) |
Sau khi xem những hình ảnh và clip trên báo chí, nhiều bạn đọc tỏ ra thắc mắc là trang bị bảo hộ và các phương tiện kỹ thật phục vụ việc trục vớt, tìm xác khá thô sơ. Nhưng đội trưởng đội lặn Nguyễn Văn Hoàn cho biết: “Quá trình lặn chúng tôi không đeo một cái gì ngoài vòi hơi để thở. Sở dĩ phải làm vậy vì dòng nước xoáy rất khó tiếp cận với xe, áp lực nước rất lớn. Tiếp cận được xe thì phải bới cát để tìm chỗ buộc dây cáp nên nếu đeo nhiều thiết bị bảo hộ sẽ khó thực hiện”.
Còn Thượng tá Trần Văn Sinh khẳng định, công tác cứu hộ không thô sơ, thủ công: “Công tác cứu hộ cứu nạn là chức năng, nhiệm vụ của công binh, đơn vị thường xuyên phải làm. Công tác cứu hộ của quân đội bao gồm cả lực lượng và cả chuyên môn kỹ thuật kết hợp với lực lượng tại chỗ để giải quyết các sự việc xảy ra (có những nhiệm vụ chuyên sâu của quân đội như xử lý các vụ nổ...). Vì vậy cảm giác rằng công tác cứu hộ cứu nạn của quân đội chỉ huy động sức người chứ chưa đầu tư nhiều vào kỹ thuật là không có cơ sở”.
Ông Sinh cũng đánh giá kế hoạch cứu hộ cứu nạn hiện nay cơ bản còn chưa hoàn hảo vì các thi thể các nạn nhân chưa thể tìm thấy hết được.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – ông Nguyễn Nhật cho biết: “Đến thời điểm này, các lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục hoạt động tích cực. Chúng tôi đã huy động thêm các tàu tuần tra của Bộ đội biên phòng để tìm kiếm ven biển. Chúng tôi sẽ không dừng lại khi vẫn còn hi vọng”.
- Ngọc Anh
(Thông tin trong bài được trích dẫn từ cuộc giao lưu trực tuyến với những người tham gia trục vớt xe khách tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh của báo điện tử Bee.net.vn vào ngày 22/10)
TIN LIÊN QUAN
Miền Trung cần lắm những tấm lòng
Lũ chồng lên lũ. Hàng trăm ngôi nhà bị ngập, hàng trăm xã bị cô lập. Hơn bao giờ hết, người dân miền Trung đang cần sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, để họ có thể vuợt qua cơn bĩ cực đầy thương đau này. 2 cơn lũ liên tiếp ập đến, dải đất nghèo miền Trung vật lộn với cảnh thiếu đói, nhà cửa tan hoang, nhiều vùng bị cô lập. Cả một dải đất chẳng còn gì ngoài mênh mông biển nước. Người dân phải nhịn đói qua ngày chờ con nước xuống. Hàng trăm đôi tay vẫy vùng, ánh mắt ngơ ngác tuyệt vọng nhìn thủy thần nhấn chìm làng mạc, nhà cửa, cuốn phăng đi những tài sản có giá trị mà họ chắt chiu dành dụm, tần tảo cả mấy năm trời. Những bàn thờ được lập vội trong những góc nhà nước còn ngập; những chiếc thuyền chênh vênh, chở những người xấu số bị lũ cuốn trôi, những vành tang trắng trên khôn mặt trẻ thơ, những cánh tay vẫy vùng trong tuyệt vọng, khi bốn bề chỉ còn mênh mông nước… mãi là một hình ảnh nhức nhối tâm can. Hơn bao giờ hết, người dân miền Trung đang cần sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, để họ có thể vuợt qua cơn bĩ cực đầy thương đau này. Một gói mì, một bánh luơng khô…. chắc sẽ làm người dân nơi rốn lũ này cảm thấy ấm lòng hơn, vơi bớt nỗi buồn đau. Mọi sự đóng góp, xin gửi về: Chuyển khoản: - Chuyển khoản từ nước ngoài: Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ: Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3, TP.HCM. |