– Bên cạnh việc được thưởng thức khung cảnh lung linh, nên thơ của Hà Nội nghìn năm, không ít người đã "phải khóc dở mếu dở" vì gặp những cảnh cười ra nước mắt.
>> Toàn cảnh Đại lễ 1.000 năm Thăng Long
>> Chụp ảnh Đại lễ giật giải 10 triệu đồng
Đi bộ ròng rã 8 km vì không bắt được xe
Trong đêm khai hội Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Huy cùng các bạn học tại trường ĐH Luật Hà Nội đã đổ về Hồ Gươm từ chiều, vừa để “chiếm chỗ” vừa để chụp ảnh thỏa thích. Sau màn bắn pháo hoa hoành tráng và rực rỡ, cả hội ùa vào dòng người đi dạo quanh Bờ Hồ và thưởng thức không khí rộn ràng.
Vì mải thăm quan, nhiều bạn sinh viên đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng đã gặp cảnh khốn đốn vì các phương tiện này không được vào khu Trung tâm |
Mải chơi đến hơn 10 giờ đêm, tất cả hội cùng nhau ra về thì bỗng nhớ ra không có xe buýt chạy vào bờ hồ như mọi ngày. Các bác xe ôm vì ngăn đường cấm lối nên cũng không còn bóng người nào đợi khách ven đường.
Cả hội của Huy hốt hoảng đi bộ nhanh ra khỏi khu vực bị cấm đường với hi vọng bắt được những chuyến xe buýt cuối cùng để về nhà trọ.
Tuy nhiên, bán kính cấm đường khá rộng nên sau một hồi “vắt chân lên cổ”, cả hội tìm được đến bến xe buýt được chạy nhưng đã hết giờ phục vụ khách. Tìm mãi xung quanh cũng không thấy xe ôm, mà đi taxi thì quá đắt (đông người nhưng không thể đi chung vì nhà mỗi người mỗi hướng).
Một số người gọi điện được cho bạn bè, người thân đi xe máy đến đón. Còn Huy không nhờ được ai, cuối cùng cậu đã phải cuốc bộ từ bờ hồ về Ngã Tư Ssở, sau đó mới tiếp tục bắt xe ôm chạy về nhà trọ dưới quận Hà Đông.
“Cả đoạn đường chắc cũng phải 7-8km chứ không ngắn. Trước đó em đã đi bộ mấy vòng quanh bờ hồ nên hôm sau em không lết nổi dậy vì chân mỏi như muốn gẫy ra làm đôi”, Huy than thở.
Tư nhân trông xe đắt gấp 10 lần Nhà nước
Hàng ngàn người cùng đổ về khu Trung tâm Hà Nội dịp Đại lễ đã khiến các bãi đỗ xe trở nên quá tải trầm trọng. Các bãi trông giữ xe phục vụ Đại lễ do UBND Thành phố Hà Nội cấp phép luôn trong tình trạng hết sạch chỗ.
Ngay cả vào ngày đầu tuần (4/10) và vào lúc thấp điểm (11h trưa), nhiều du khách đã phải ngậm ngùi quay xe đi tìm chỗ gửi bởi mới đáp xe đến vạch vôi, nhân viên đã xua tay báo hiệu không còn chỗ để.
Du khách đi thăm quan Bờ Hồ đành ngậm ngùi tìm nơi gửi xe khác bởi các bãi xe do UBND TP HN cấp phép đều cháy chỗ |
Các nhân viên trông giữ xe cho biết vào buổi tối họ phải hoạt động hết công suất cũng không làm sao mà làm xuể bởi lượng xe quá lớn. Hơn nữa, do đã quán triệt mạnh mẽ từ trước về giá vé nên những điểm trông xe do UBND TP Hà Nội cấp phép càng hút khách. Theo khảo sát của VietNamNet, hầu hết các điểm này đều thu đúng mức giá 2.000 đồng/lượt/xe.
Những người dân gần khu vực Hồ Hoàn Kiếm đã nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu gửi xe nên đã lập ra các đội trông xe riêng, cũng có số vé, chữ ký đàng hoàng nhưng giá thì đắt gấp 10-15 lần giá Nhà nước.
Những bãi trông xe tư nhân tại các phố lân cận Hồ Hoàn Kiếm luôn chật cứng, dù giá đắt gấp 10-15 lần giá trôgn xe của Nhà nước |
Tại điểm trông xe số 7A Đinh Lễ, ngay khi nhìn thấy khách có nhu cầu, nhân viên trông xe đã đon đả đón lõng và mời mọc: “Gửi bao lâu cũng được, cứ đi chơi thoải mái rồi về”. Giá gửi xe ở đây khá "chát": 20.000 đồng/lượt/xe. Vào buổi tối, theo phản ánh của những người gửi xe ở đây, giá vé còn tăng lên đến 30.000 đồng/lượt.
Tuy phải trả với giá “cắt cổ” nhưng khách vẫn ùn ùn kéo đến và không mặc cả vì chỉ cần chậm chân thôi là có ngay kẻ khác sẵn sàng “kề cổ” vào chỗ đắt đỏ này!
Đói, khát vì đi chơi Đại lễ
Những bạn trẻ ở các vùng lân cận của Hà Nội (Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Tây cũ, …) đã không bỏ lỡ dịp cuối tuần vừa rồi để lên Thủ đô vui chơi dịp Đại lễ ngàn năm mới có một lần. Tuy vậy, ngoài việc phải chen lấn toát mồ hôi hột giữa một biển người, không ít bạn đã phải chịu cảnh “đói”, “khát”.
Mang theo đồ ăn nước uống nhưng trong lúc chen chúc đông đúc thế này, đồ mang theo có thể bị rơi rồi bị giẫm nát |
Ngày chủ nhật (3/10), một nhóm thanh niên từ Thị trấn Như Quỳnh – Hưng Yên đèo nhau đến Hoàng Thành Thăng Long tham quan sau khi đã ngắm nghía một vòng Hồ Gươm. Đến quá trưa, cả nhóm mệt lử bước ra từ cửa dẫn vào Hoàng Thành.
“Đông quá”, một người trong nhóm thốt lên. Nỗi mệt mỏi càng nhân lên mạnh hơn khi tất cả đều đói bụng, khát nước nhưng không có gì để ăn, uống.
Thế nhưng, nếu có chu đáo mang theo cả đồ ăn nước uống thì chưa chắc những món này đã đến được miệng của du khách. Lý do là trong quá trình chen lấn, có không ít người đã đánh rơi đồ đạc. Khi chưa kịp cúi xuống nhặt lên thì túi đồ đã bị đám đông giẫm nát!
Dịp Đại lễ này có lẽ sẽ hoàn hảo hơn nếu tính tới cả các dịch vụ ăn uống phục vụ số đông du khách. Chắc chắn là rất nhiều người đổ về Thủ đô Hà Nội, nhu cầu ăn uống sẽ tăng vọt, nhưng xem ra việc tìm một nơi hợp túi tiền, gần các điểm vui chơi để thuận tiện cho việc thăm quan cũng không phải là dễ dàng.
- Ngọc Anh
>> Toàn cảnh Đại lễ 1.000 năm Thăng Long
>> Chụp ảnh Đại lễ giật giải 10 triệu đồng
Lịch trình các ngày tiếp theo Đại lễ
* Ngày 6/10: 8h00: Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật diều - Hà Nội tại Quảng trường sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Cùng thời gian đó, tại Nhà thi đấu thể thao Quần Ngựa, Ba Đình sẽ có buổi biểu diễn võ thuật cổ truyền Hào khí Thăng Long.8h30: Khánh thành Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, Từ Liêm.
14h00: Khánh thành Tượng đài Bác Hồ và Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất và khánh thành Công viên Hòa Bình tại Xuân Đỉnh, Từ Liêm. Đồng thời, tại địa điểm Bảo tàng Hà Nội, đường Phạm Hùng, Từ Liêm khai mạc triển lãm Hà Nội xưa.
14h30: Khánh thành Nhà hát Kim Đồng, 19 Hàng Bài, Hoàn Kiếm.
20h00: Khánh thành Nhà hát Công nhân Hà Nội, 42 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm và khánh thành Nhà hát Đại Nam, 89 phố Huế, Hai Bà Trưng. Tại Công viên nước Hồ Tây khai mạc Liên hoan Ẩm thực Hà thành.
* Ngày 7/10: 8h00: Khai mạc Hội thảo quốc tế Phát triển bền vững Thủ đô Văn hiến, Anh hùng, Thành phố vì hòa bình tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình.
9h00: Tổng kết và trao giải cuộc thi quốc tế tìm hiểu Hà Nội, điểm hẹn của bạn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
20h00: Biểu diễn âm nhạc dân tộc tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
* Ngày 8/10: 7h00: Chương trình văn hóa - nghệ thuật của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các sân khấu ngoài trời trên địa bàn thành phố.
20h00: Chương trình giao lưu Thăng Long - Hồn thiêng sông núi với sự tham gia của 1.000 Anh hùng và Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia; Chương trình Lễ hội đường phố của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước tại Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, 49 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm.
* Ngày 9/10: 8h00: Khánh thành cầu Thanh Trì tại đầu cầu phía Nam; Khánh thành cầu Vĩnh Tuy tại đầu cầu phía Nam.
9h30: Khánh thành và gắn biển Đại lộ Thăng Long tại ngã tư đường Phạm Hùng - Trần Duy Hưng.
20h00: Biểu diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế tại nhiều sân khấu ngoài trời trên địa bàn thành phố.
* Ngày 10/10: Ngày Đại lễ: 8h00: Lễ mít tinh trọng thể, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình.
20h00: Đêm hội Văn hóa - nghệ thuật kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Ngoài ra, trong các ngày từ 1/10-10/10 tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô sẽ liên tục có 245 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước, 38 buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật nước ngoài và có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các sân khấu ngoài trời, nhà hát, nhà văn hóa và trung tâm các quận, huyện, thị xã...