- Phiên xử phúc thẩm Nguyễn Đức Nghĩa ngày 13/10 đã bị hoãn vì vắng luật sư của bị cáo. Được dẫn ra xe bít bùng đưa về trại giam, Nghĩa đã nở nụ cười.
Nguyễn Đức Nghĩa gầy và hốc hác hơn so với hôm diễn ra phiên sơ thẩm vào ngày 14/7 tại TAND TP Hà Nội. Khi đó, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa 6 năm tù về tội "Cướp tài sản", tử hình về tội "Giết người", tổng hợp hình phạt là tử hình, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân 113 triệu đồng.
Người yêu của Nghĩa là Hoàng Thị Yến bị tuyên phạt 15 tháng tù về tội "Không tố giác tội phạm", nhưng cho hưởng án treo.
Nguyễn Đức Nghĩa tại tòa sáng 13/10 |
Mặc dù tại tòa Nguyễn Đức Nghĩa từng nói: "Dù bản án thế nào thì tôi cũng sẽ chấp nhận chứ không kháng án", tuy nhiên, đến cuối tháng 7, kẻ gây ra vụ án rợn người đối với nạn nhân Nguyễn Phương Linh đã gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án.
Tuy nhiên phiên phúc thẩm ngày 13/10 đã bị hoãn vì lý do vắng luật sư của bị cáo, ông Ngô Ngọc Thuỷ đã không có mặt. Tại toà Nghĩa yêu cầu phải có luật sư dành cho mình.
Được dẫn giải ra xe bít bùng đưa về trại giam, Nghĩa ngoái đầu tìm người thân và nở nụ cười, vẻ bình thản lộ rõ trên gương mặt bị cáo.
Ông Ba, bố của nạn nhân tên Linh buồn bã ra về, trên gương mặt khắc khổ của người cha còn hằn nguyên những nét khổ đau mà ông đã và đang phải trải qua.
Nguyễn Đức Nghĩa phạm tội giết người man rợ hay không ?
Dù phiên toà tạm hoãn, nhưng trước ngày diễn ra phiên xử, luật sư của phía gia đình bị hại đã cởi mở đưa ra quan điểm của mình.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy, bào chữa cho Nghĩa tại phiên sơ thẩm cho rằng: Hành vi giết người của Nghĩa không phải là “man rợ” như cáo trạng truy tố. Theo trình tự diễn biến của vụ án, đó là hành vi che giấu tội phạm một cách man rợ.
Nguyễn Đức Nghĩa |
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Văn Ba (là đại diện hợp pháp bị hại Nguyễn Phương Linh) trong phiên phúc thẩm ngày 13/10 là luật sư Nguyễn Hồng Bách, luật sư Trương Thị Pha và luật sư Đào Trung Kiên.
Trước ngày phiên phúc thẩm diễn ra, luật sư của ông Ba chia sẻ quan điểm của mình, theo đó họ không nhất trí với quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa khi cho rằng: "Bị cáo không phạm tội giết người man rợ theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự".
Luật sư phía bị hại phân tích: Tại điểm i, khoản 1, Điều 93, Bộ luật hình sự nêu rõ: “1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ”.
Như vậy, điều luật này đã nói rõ tình tiết tăng nặng của tội giết người là thực hiện tội phạm một cách man rợ. Bị cáo đâm hai nhát dao oan nghiệt nhằm tước đoạt sinh mạng của bị hại, chỉ dừng lại ở hành vi này thôi cũng đủ để cho thấy hành vi giết người của bị cáo là thực hiện tội phạm man rợ, bởi bị cáo đâm bị hại từ phía sau một cách bất ngờ, bị hại chỉ kịp quay lại nhìn bị cáo với “ánh mắt bàng hoàng” (theo lời khai của bị cáo).
Bị cáo đã tiếp tục thực hiện một loạt các hành vi mất nhân tính, vô nhân đạo: Chặt đầu, ngón tay, phi tang thi thể nạn nhân. Như vậy có thể thấy rõ, hành vi phạm tội của bị cáo không chỉ dừng lại ở việc đâm hai nhát dao để tước đoạt sinh mạng của nạn nhân mà còn diễn tiến đến một loạt các hành vi dã man khác nhằm che giấu tội phạm, gây cản trở cho quá trình điều tra của các cơ quan tố tụng…
Trình bày quan điểm của mình, luật sư của ông Ba viện dẫn khoản 1, Chương II, Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: “Thực hiện tội giết người một cách man rợ (điểm b) như kẻ phạm tội không còn tính người, dùng những thủ đoạn gây đau đớn cao độ, gây khiếp sợ đối với nạn nhân hoặc gây khủng khiếp, rùng rợn trong xã hội (như: móc mắt, xẻo thịt, moi gan, chặt người ra từng khúc…)”...
Tranh cãi về những tình tiết giảm nhẹ
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nghĩa cho rằng bị cáo có nhân thân tốt, ăn năn hối cải, khai báo thành khẩn, là con trai duy nhất trong gia đình,….đó là những tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.
Luật sư của ông Ba lại không đồng tình với quan điểm này, vì cho rằng: Bị cáo đã từng có một tiền sự về tội Cố ý gây thương tích vào năm 2003; Nhiều lần đem tài sản của người khác thế chấp tại hiệu cầm đồ mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu; Bị cáo là một thanh niên khỏe mạnh nhưng không chịu lao động mà chỉ tham gia chơi cá độ bóng đá, lô đề…
Như vậy, không thể coi là "có nhân thân tốt" mà ngược lại, nhân thân của bị cáo rất xấu...
Luật sư của ông Ba còn cho rằng, có nhiều tình tiết liên quan đến vụ án bị cáo khai có sự bất nhất và thiếu thành khẩn, bị cáo có nhiều lời khai có nội dung xúc phạm gây tổn hại đến danh dự của người bị hại, đồng thời che đậy động cơ giết người của bị cáo.
Luật sư phía bị hại khẳng định, việc loại bỏ bị cáo Nghĩa vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội là vô cùng cần thiết.
-
T.N