Thông xe Đại lộ dài nhất Việt Nam

Cập nhật lúc 11:31, 03/10/2010 (GMT+7)

- Sáng nay (3/10), Bộ GTVT đã tổ chức lễ thông xe và gắn biển cho dụ án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc. Theo đó, con đường này được gắn tên là đại lộ Thăng Long.

TIN LIÊN QUAN

Buổi lễ được tổ chức tại đầu nút giao Láng – Hòa Lạc cắt đường Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến. Đây là đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.

Mô tả ảnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo gắn biển Đại lễ Thăng Long.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đại lộ Thăng Long là con đường hiện đại, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH của Thủ đô và vùng thủ đô.

Tại buổi lễ, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội sau khi tiếp nhận từ chủ đầu tư dự án, phải tiếp tục đầu tư hệ thống quản lý và tổ chức giao thông hiện đại.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá: "Đại lộ Thăng Long đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống giao thông, kết nối các tỉnh phía Tây với Hà Nội. Góp phần quan trọng vào quy hoạch giao thông Hà Nội trong tương lai”.

d
Đại lộ Thăng Long
Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hoà Lạc được khởi công vào tháng 3 năm 2005. Tại kỳ họp thứ 21, ngày 14/7/2010, HĐND TP.Hà Nội đã thống nhất đặt tên đường là đại lộ Thăng Long. Đây cũng là công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đây là tuyến cao tốc trọng điểm nằm trong quy hoạch chung của chuỗi đô thị Xuân Mai - Miếu Môn - Hòa Lạc - Sơn Tây và các khu du lịch giầu tiềm năng như Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Suối Hai… Đặc biệt, tuyến đường được coi là tiền đề cơ bản để phát triển Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc.

Mô tả ảnh.
Lễ thông xe đại lộ Thăng Long.


Đại lộ bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Trần Duy Hưng đi qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất đến ngã tư giao với đường Quốc lộ 21A, điểm đầu của đường Hồ Chí Minh.

Đường có chiều dài hơn 29km, rộng 140m, là đại lộ dài nhất Việt Nam. Với quy mô gồm: 2 dải đường cao tốc riêng biệt với 6 làn xe (rộng hơn 16m); 2 dải đường đô thị 2 làn xe (rộng hơn 10m); dải phân cách giữa; 2 dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị. Ngoài ra còn dải trồng cây xanh và vỉa hè. Với hệ thống đèn cao áp gồm 5 hàng chạy dài suốt tuyến.

Ngay trong ngày 3/10, cùng với việc thông xe đại lộ Thăng Long, đơn vị thi công đã tiếp tục tiến hành khởi công tiếp đoạn Hòa Lạc – TP. Hòa Bình.

Cùng với các QL6, QL32, QL37, QL2… đại lộ này sẽ góp phần hoàn thiện mạng đường xuyên tâm kết nối khu vực Việt Bắc, Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội.

Ý kiến của bạn

Các tin khác