Xót xa học trò sống trên ghe, lênh đênh giữa Sài Gòn
– “Bàn học” của hai đứa trẻ chỉ là mấy cái gối kê cao, đặt giữa ghe cho bớt chòng chành. “Trời còn sáng tụi con tranh thủ học, học ban đêm tốn điện ba mẹ không có tiền trả cho người ta”...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mới khai giảng đã nợ đầy đầu
Chỗ ăn ở, sinh hoạt của hai vợ chồng và ba đứa con anh Nguyễn Hồng Sơn (SN 1971) chỉ là chiếc ghe cũ, rộng chưa tới 2 m, dài chừng 5 m. Anh Sơn thường đậu ghe ở mé sông Vàm Thuật, gần cầu Bến Phân, quận Gò Vấp, TP.HCM để tiện cho hai con lên bờ đi học.
Nói là tiện, nhưng từ chỗ ghe đậu đến trường học của chúng cũng hơn 3 cây số. Nhà nghèo, không có xe đạp, hàng ngày hai đứa nhỏ phải cuốc bộ đến trường.
Anh Sơn tranh thủ lấy chút ánh sáng cuối ngày cho con học bài. Ảnh: Trung Thanh |
Chiều 10/9, tôi ghé thăm gặp lúc gia đình anh đang ăn tối. “Bữa cơm” chỉ là một nồi mì tôm lõng bõng. Hai đứa con anh Sơn vừa đi học về, lễ phép vòng tay chào khách, rồi vội lấy sách vở ra ngồi học.
“Bàn học” của chúng chỉ là mấy cái gối kê cao, đặt giữa thân ghe để bớt chòng chành. Mỗi khi tôi xê dịch chỗ ngồi, chiếc ghe cũng dập dềnh, lắc lư làm mùi hôi từ dòng nước sông đen kịt bốc lên nồng nặc.
“Trời còn sáng tụi con tranh thủ học, học ban đêm tốn điện ba mẹ không có tiền trả cho người ta”, bé Nguyễn Thị Hoài Thương (10 tuổi, học lớp 4) nói chững chạc như người lớn.
“Thấy đêm nào hai đứa nó học bài với đèn dầu tù mù tội quá nên vợ chồng tui xin mấy người trên bờ câu ké điện xuống ghe. Nhưng mỗi tháng tốn mấy chục ngàn tiền điện, xót quá…”, chị Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1976), vợ anh Sơn, chép miệng.
Nguyễn Quốc Huy (13 tuổi, học lớp 7) con trai lớn của anh Sơn, trông hiền như con gái nhưng rất bản lĩnh: “Nhà nghèo nên tụi con phải học giỏi để sau này kiếm việc làm, đưa ba mẹ lên bờ sống. Con sẽ làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ nữa”.
Nhìn thành tích của hai đứa con lớn, chị Nguyệt lại buồn rầu vì vẫn chưa có tiền để cho thằng út đi học. Ảnh: Trung Thanh. |
Ngồi nhìn hai đứa con học bài nhưng chị Nguyệt chẳng biết chúng đang học môn gì vì chị không biết chữ. Anh Sơn, lúc nhỏ chỉ học đến cấp 2 phải nghỉ giữa chừng đi làm kiếm sống. Không ai kèm cặp và chẳng có tiền đi học thêm, nhưng hai đứa con anh Sơn đều học rất chăm, năm nào cũng được giấy khen học sinh giỏi.
Anh Sơn quê Vĩnh Phú, chị Nguyệt sống ở Đồng Nai. Họ gặp nhau khi vào TP.HCM tìm việc làm. Lúc mới lấy nhau, hai vợ chồng trẻ ở nhờ nhà bà nội của anh Sơn ở quận Gò Vấp. Anh Sơn làm nghề vớt trùn chỉ trên sông Sài Gòn còn chị Nguyệt làm nghề may thêu, thu nhập chỉ đủ sống qua ngày.
Căn nhà nhỏ chỉ hơn 30 mét vuông của bà nội anh Sơn nhanh chóng quá tải vì lớp con, lớp cháu tá túc càng ngày càng đông, có khi hơn 20 người. Không có tiền thuê phòng trọ, anh Sơn phải đưa vợ con xuống ghe ở, đã được 10 năm nay.
Gần đây, chị Nguyệt hay đau ốm nên gia đình anh Sơn càng thêm túng bấn. Thằng con trai út của năm nay đã 7 tuổi nhưng anh chị vẫn chưa có tiền cho nó vào lớp 1.
“Thằng Huy và bé Nguyệt đã nhập học hơn một tuần rồi mà tui vẫn chưa vay được tiền đóng học phí …”, chị Nguyệt thở ra, nhìn dòng sông đen ngòm chìm dần vào đêm.
Bao giờ thoát kiếp lênh đênh?
Tôi hỏi thằng bé mới đi học về tên gì, ông Nguyễn Văn Thuận ( mới ngoài 50 tuổi) ngẩn người ra một lúc rồi nói nó tên Hòa, con út, 10 tuổi đang học lớp 3. Thế nhưng, khi mở sổ liên lạc ra của thằng bé thì hoá ra nó tên Bình, 12 tuổi, năm nay đã lên lớp 4. Tôi hỏi có bao nhiêu người con, ông Thuận cũng không rõ.
“Vợ chồng tui có 8 đứa con, khổ quá nên cho người ta hết 3 đứa. Thằng con đầu năm nay 24 tuổi, đã bỏ ghe lên bờ làm nghề phụ hồ kiếm sống. Mấy đứa con lớn của tui chỉ học đến lớp 5 lớp 6 rồi ở nhà vì không có tiền. Riêng thằng kế út do từ nhỏ đã phải theo cha đánh cá nên một chữ cắn đôi cũng không biết”, vợ ông Thuận nói.
Mỗi khi đi học về, cu Bình (trái) cũng xuống ghe phụ anh, nhặt cá nhưng mắt nó vẫn cứ ngóng lên bờ. Ảnh: Trung Thanh |
Hiện gia đình ông Thuận sống trên một chiếc ghe cũ, neo đậu ở mé sông gần cầu Kinh - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM). Hằng ngày ông Thuận cùng thằng con trai kế út 15 tuổi đi giăng lưới, bắt cá kiếm tiền nuôi cả nhà.
“Dạo này khúc sông ở đây có nhiều người chết đuối quá nên tui gửi tạm thằng út lên ở nhà bà con cho nó đi học được an toàn. Mình cho nó đi học được bữa nào hay bữa đó chứ sau này cũng chưa biết tính sao” ông Thuận chẳng lo ngợi nhiều về tương lai của con. Có lẽ với người đàn ông này, lo cho con đủ ăn đủ mặc đã là tốt rồi.
Đi học về, vừa chui vào ghe, bé Nguyễn Thị Ngọc Duyên vội treo cặp sách lấy gạo nấu cháo cho cha. Mấy hôm nay, căn bệnh tim lại hành hạ khiến anh Nguyễn Ngọc Thy, phải nghỉ giăng lưới, neo ghe ở khúc sông gần chùa Diệu Pháp (phường 13, quận Bình Thạnh) nằm dưỡng bệnh. Không có cá bán, chị Dung, vợ anh phải lên bờ đi làm thuê kiếm tiền.
Chúng tôi đến lúc thằng Thành con trai lớn của anh Thy đi học ở lớp tình thương chưa về. Năm nay nó đã 12 tuổi nhưng chỉ mới học lớp 2.
Chưa biết đến bao giờ gia đình anh Thy mới thoát kiếp lênh đênh. Ảnh: Trung Thanh |
“Thằng đó tối dạ quá nên học hoài mà không lên nổi lớp 3. Tôi thì đẻ ra và lớn lên trên ghe, sống trên sông, một chữ bẻ đôi cũng không biết nên đành chịu, chẳng dạy nó được. May mà con bé Duyên sáng dạ, năm nay 10 tuổi đã học lớp 4, học trường công đàng hoàng”, anh Thy, nói.
Tôi mở sổ liên lạc bé Duyên ra xem, thấy năm lớp 1 nó đạt danh hiệu học sinh giỏi nhưng những năm sau chỉ học ở mức trung bình khá.
Thấy trong sổ có ghi chú con bé thường hay sợ hãi, tôi hỏi nguyên nhân nhưng nó lầm lì không nói. Tôi hỏi: "con có muốn lên bờ sống không?. Nó gật đầu.
Anh Thy nhìn con, ánh mắt buồn, mệt nhọc: “Mình còn nợ tiền mua ghe hơn 7 triệu đồng. Lên bờ, biết làm gì ra tiền, trả nợ cho người ta…”.
-
Trung Thanh
Quý vị có lòng hảo tâm giúp đỡ các em học sinh xin gửi về:
1. Qua Báo VietNamNet
- Chuyển khoản:
Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
-The currency of bank account: 0011002643148
-Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX
Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ:
Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Điện thoại: 04.37722729 - Fax: 04.39744882
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P 6, quận 3, TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882, 0919 499 936 - Fax: 08.39309881
Email: bandoc@vietnamnet.vnXin chân thành cám ơn quý vị.
,