Tang thương trải khắp miền Trung
- Người phụ nữ bị dòng nước xoáy nhấn chìm đó là chị Phạm Thị Huyền (32 tuổi), để lại cho người chồng 4 đứa con thơ nheo nhóc, giữa nước lũ mênh mông.
TIN LIÊN QUAN
>> Cứu trợ khẩn cấp đồng bào miền Trung>> Miền Trung ngày thảm họa>> Hình ảnh lũ “siêu tốc” tại miền Trung>> Miền Trung “run lẩy bẩy” đón siêu bão
Trên đường vào tâm lũ xã Quang Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), chúng tôi bắt gặp nhiều cảnh người sống tiễn đưa người chết trước cánh đồng nước mênh mông. Những con đường nay lúc này đã hóa thành sông, làng mạc biến thành biển nước. 4 ngày qua, khi nước lũ dâng cao, gia đình ông Lý chẳng thể mang ông đi được. Hôm nay nước bắt đầu xuống, người nhà mới vội đưa ông đi trong bộn bề nước lũ.
Tang thương khắp một vùng quê
Trong suốt 2 tuần qua, dọc tuyến các tỉnh Bắc miền Trung, lũ lụt đã cướp đi hàng trăm tính mạng người dân vô tội, hàng trăm người bị thương, hàng vạn ngôi nhà bị vùi dập sâu trong biển nước và hàng triệu triệu con tim cả nước vẫn ngóng trông về khúc ruột miền Trung phủ đầy tang tóc.
Chúng tôi tìm về xóm Ban Long, xã Quang Lộc, nơi có người đàn ông chết suốt 4 ngày liền mới được đưa đi mai táng. Đó là trường hợp ông Trần Đình Lý (SN 1949), ngày ông Lý qua đời là ngày đầu tiên có những cơn mưa chiều xối xả, gây ngập úng toàn khu vực hạ lưu xã Quang Lộc.
Đến ngày 18/10, thi thể ông Lý sau khi ngâm trong nước lũ 4 ngày mới được mang đi chôn cất. Cả xóm nhỏ tiễn ông đi trong cảnh nước lũ giăng kín cả làng, mọi lối thoát ra ngoài chỉ bằng thuyền. Và, đám tang của ông không kèn, không trống... như tục lệ. Chỉ có dòng người thưa thớt tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng trong cơn lũ dữ.
Đám tang trước vừa ra, nhà ma lại được chuyển về vì lại có thêm người chết do lũ. Tang thương bao trùm lên nhiều vùng quê ở Hà Tĩnh khi liên tục phải hững chịu hai trận lũ lịch sử. |
Ông Trần Đình Thiệu, Bí thư chị bộ xóm Ban Long cho biết: “Cả xóm chúng tôi bị ngập sâu trong nước. Ông Lý bị chết mấy ngày rồi chưa chôn cất được là do trời mưa to quá, nước lũ chia cắt. Không mần răng (làm sao - NV) mà đưa đi được. Đến hôm nay thì trời mưa nhỏ, nên người nhà đã đưa ông ấy đi mái táng”.
Cũng tại xóm Ban Long, xã Quang Lộc, có người vợ thương chồng đau ốm đã chèo thuyền cùng người em trai đi cắt thuốc về cho chồng uống. Không may bị lật thuyền. Nước lũ lật nhào, nhấn chìm 2 chị em giữa dòng xoáy nước lũ, người dân xóm Ban Long chỉ kịp cứu được 1 người trước sự bủa vây của “hà bá”.
Người phụ nữ bị dòng nước xoáy nhấn chìm đó là chị Phạm Thị Huyền (32 tuổi), để lại cho người chồng 4 đứa con thơ nheo nhóc, giữa nước lũ mênh mông.
Anh Nguyễn Huy Trọng người trực tiếp nhìn thấy cảnh 2 chị em chị Huyền và người em trai chèo thuyền bị lật kể lại: “Khoảng gần 8 giờ sáng ngày 16/10, chị Huyền cùng em trai tên Lực đang chèo thuyền thì bị lật. Khi đó nghe kêu cứu, nhưng cách hơn 100m, nước lại lớn nên tôi chạy không kịp. Đến nơi thì mọi người chỉ cứu được anh Lực. Do chồng bị bệnh nặng, nên bảo em trai chèo thuyền đi lấy thuốc cho chồng uống thì chẳng may bị nước lũ cuốn chết”.
Sao em bỏ 4 cha con nhà anh mà đi?. Con đang còn nhỏ dại mà em. Nó khóc suốt ngày đêm. Em về dỗ dành con cho anh đi”, anh Thắng ôm con khóc nghẹn |
Đi từ đầu làng đến cuối xóm Ban Long, ai cũng nói chị Huyền vì thương chồng trước cơn đau quằn quại mà bất chấp tính mạng để chèo thuyền, vượt dòng nước dữ mua thuốc cứu chồng mà đành bỏ mạng.
4 đứa trẻ thơ đói lòng, khát sữa mẹ
Cả xóm mệt lả người sau một buổi sáng đưa tang ông Trần Đình Lý chết 4 ngày mới được chôn cất. Ngày mai 19/10, cả làng lại tiễn đưa mai táng chị Phạm Thị Huyền trong bộn bề nước lũ.
Đường vào nhà chị Huyền nước ngập sâu nửa người. Chỉ có chiếc thuyền câu bé xíu của xã Quang Lộc làm phương tiện, cố gắng lắm chúng tôi mới tiếp cận được ngôi nhà tang thương có 4 đứa trẻ mồ côi mẹ.
Từ nay, những đứa trẻ nhà chị Huyền phải trông cậy vào những người ông, người bà khi mà bố chúng đang lâm trọng bệnh...
Chị Huyền ra đi để lại 4 đứa con đang còn thơ dại. Đứa đầu là cháu Đào Duy Đức mới được 10 tuổi, đứa thứ 2 và 3 cũng chỉ mới lên 3, lên 7. Đứa nhỏ nhất còn đang phải bú sữa mẹ chỉ mới hơn 1 tuổi.
Chồng chị Huyền, anh Đào Duy Thắng đang ngồi bênh linh cữu người vợ tội nghiệp yếu ớt ôm đứa con út phe phẩy chiếc quạt. Từng tiếng nấc nghẹn lòng anh thốt lên: “Sao em bỏ 4 cha con nhà anh mà đi?. Con đang còn nhỏ dại mà em. Nó khóc suốt ngày đêm. Em về dỗ dành con cho anh đi”.
Nước mắt người chồng lăn dài trên gò má. Tiếng 4 đứa trẻ con non nớt òa lên khóc theo cha. Mấy người thân trong gia đình khi mọi người thắp cho chị Huyền nén hương lại mũi lòng òa lên khóc nức nở.
Nhìn mấy đứa nhỏ ngây ngô, khuôn mặt lem luốc vì đói. Ai cũng thắt ruột nghẹn ngào.
4 đứa trẻ ngơ ngác, ngồi bất thần bên quan tài mẹ mà không hay rằng cả cuộc đời này tụi nhỏ không bao giờ nhìn thấy mẹ thêm 1 lần nào nữa. Đôi bàn tay tần tảo chị Huyền không còn tiếp tục cùng chồng nuôi con lớn khôn. Chị ra đi quá đột ngột, để lại cảnh “gà trống nuôi con” trước biển trời nước lũ.
Vợ chết để lại gánh nặng 4 đứa con nhỏ dại. Không biết rồi đây chúng sẽ lớn lên thế nào? Anh Thắng có thể nuôi nỗi chúng??? |
Bà Châu, người hàng xóm thương mấy đứa cháu nhỏ sang bồng lên và nói: “Cả 2 vợ chồng hắn sống hiền lành lắm. Răng mà lại bắt mẹ hắn đi sớm ra rứa. Chỉ tội mấy đứa nhỏ nheo nhóc thôi”.
Bố chồng Đào Duy Hòa ngồi bất thần bên quan tài con dâu cho biết: “Chồng con Huyền là Thắng nó bị bệnh tai biến mạch máu não nằm viện tỉnh 2 tháng này rồi. Hôm đó, con dâu tui đi lấy thuốc về cho chồng nó uống thì bị nước cuốn trôi. Chỉ thương mấy đứa cháu còn quá nhỏ dại, cha nó thì bệnh tật như thế, rồi không biết ra đi ngay”.
Cháu bé lớn tuổi nhất là Đào Duy Đức mếu máo nói:”Mẹ mất rồi con buồn. Đêm nào mẹ cũng bày cho con học. Mấy đứa em con đềm nằm cứ tỉnh giấc dậy là khóc, nên con cũng chảy nước mắt. Con thương các em con lắm”.
Rời nhà anh Thắng, nước lũ vẫn còn dâng cao lúc trời choạng vạng tối. Những đứa trẻ ngây thơ, nheo nhóc vẫn đang ngồi bên linh cữu người mẹ của chúng. Không biết rồi đây ai sẽ dìu cho dắt chúng lớn lên? Ai cho chúng được đi học?
Trước mắt chúng là cả một chuỗi ngày dài khó khăn khi bố chúng, người duy nhất có thể lao động nuôi 4 chị em giờ cũng đang lâm trọng bệnh...
Chùm ảnh về trận lũ tại miền Trung được tổng hợp từ nhiều nguồn:
Đưa tang giữa lũ, nỗi đau nhân đôi (Ảnh: Danviet) |
Cố vớt vát lấy chút tài sản (Ảnh: Danviet) |
Xoay sở trốn lũ (Ảnh: DTrí) |
Những gì còn sót lại sau trận lũ (Ảnh: Bee.net.vn) |
Bật khóc khi nhìn thấy đội cứu hộ (Ảnh: TTrẻ) |
Chị Hoài và 2 con nhỏ ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh nhịn đói đã 2 ngày, sống nhờ sự chia sẻ của hàng xóm (Ảnh: TTrẻ) |
-
Quốc Huy – D.Tuấn – H.Sang – Kiều Anh
Miền Trung cần lắm những tấm lòng
Lũ chồng lên lũ. Hàng trăm ngôi nhà bị ngập, hàng trăm xã bị cô lập. Hơn bao giờ hết, người dân miền Trung đang cần sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, để họ có thể vuợt qua cơn bĩ cực đầy thương đau này. 2 cơn lũ liên tiếp ập đến, dải đất nghèo miền Trung vật lộn với cảnh thiếu đói, nhà cửa tan hoang, nhiều vùng bị cô lập. Cả một dải đất chẳng còn gì ngoài mênh mông biển nước. Người dân phải nhịn đói qua ngày chờ con nước xuống. Hàng trăm đôi tay vẫy vùng, ánh mắt ngơ ngác tuyệt vọng nhìn thủy thần nhấn chìm làng mạc, nhà cửa, cuốn phăng đi những tài sản có giá trị mà họ chắt chiu dành dụm, tần tảo cả mấy năm trời. Những bàn thờ được lập vội trong những góc nhà nước còn ngập; những chiếc thuyền chênh vênh, chở những người xấu số bị lũ cuốn trôi, những vành tang trắng trên khôn mặt trẻ thơ, những cánh tay vẫy vùng trong tuyệt vọng, khi bốn bề chỉ còn mênh mông nước… mãi là một hình ảnh nhức nhối tâm can. Hơn bao giờ hết, người dân miền Trung đang cần sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, để họ có thể vuợt qua cơn bĩ cực đầy thương đau này. Một gói mì, một bánh luơng khô…. chắc sẽ làm người dân nơi rốn lũ này cảm thấy ấm lòng hơn, vơi bớt nỗi buồn đau. Mọi sự đóng góp, xin gửi về: Chuyển khoản: - Chuyển khoản từ nước ngoài: Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ: Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3, TP.HCM. |