Những câu chuyện bi thảm ở rốn lũ
Nhiều tỉnh miền Trung đang chìm trong biển nước, lũ cũ chưa qua, lũ mới lại tới. Đã có nhiều tình huống bi thảm xảy ra trong cơn lũ dữ.
Đẻ trên nóc nhà
Huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh chìm trong biển nước mênh mông. Những nóc nhà đơn độc chòi lên trong nước lũ. Hàng trăm người dân còn mắc kẹt trên nóc nhà, họ đang rất cần sự tiếp tế, cứu trợ và di chuyển ra khỏi nơi nguy hiểm.
Sống trên mái nhà (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Thông tin từ huyện Vũ Quang cho biết, sáng 17/10, có 9 người dân ở xóm 3 xã Hương Thọ và 2 người ở xóm Văn Giang, xã Đức Giang đang mắc kẹt trên nóc nhà và gần bờ sông nước chảy xiết rất nguy hiểm, 2 đoàn cứu hộ được điều đống đến để tiếp cận và cứu người.
Trong đợt lũ trước, Quảng Bình là một trong những tỉnh chịu thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra. Theo thông tin đăng tải trên Bee.net.vn ngày 05/10/2010, 100% nóc nhà của xã Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình, ngập trong nước, dân phải vào núi đá lánh nạn. Bi hài nhất là chuyện, gần biên giới Việt - Lào, có một phụ nữ nằm chờ đẻ trên nóc trạm xá.
Cũng theo Bee.net.vn ngày 12/10, cả xã Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình có 4 em bé ra đời trong đợt lũ đó. Gian gác xép của trạm xá ủy ban xã là nơi 3 bé chào đời trong đỉnh lũ. Có những đứa trẻ trong số đó được đặt tên là Lũ và Lụt như để khắc ghi trận lũ lụt kinh hoàng này.
Nhà sập, bám cây mít để sống
Nhà bà Nguyễn Thị Đức (xã Lộc Yên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bị ngập, cả nhà phải bám vào một cây mít gần nhà để sống.
“Nhà tui ngập từ 8g sáng 16/10 đến 20g tối thì sập. Tui và con cháu bám trên cây mít mới sống được đến giờ” - Bà Nguyễn Thị Đức nói trong nước mắt khi được lực lượng công an tỉnh đến cứu hộ lúc 7g15 sáng 17/10.
Theo báo Tuổi trẻ, buổi sáng 16/10, nước tràn vào nhà bà Đức, đến tối cùng ngày, nước càng ngập nặng hơn. Anh Trần Phi Cát thấy vậy vội dìu từng người qua cây mít gần nhà để lánh nạn. “Đói và rét nhưng không dám ngủ vì sợ rớt xuống nước” - anh Cát cho biết.
Đốt giáo án sưởi ấm cho con
Trong cơn đói và rét, các thầy cô giáo ở trường THCS Lê Hữu Trác 2 (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) phải đốt giáo án sưởi ấm cho con. Theo lời kể của các thầy cô, lũ trong đêm 17/10 lên nhanh quá nên họ chỉ kịp đưa trẻ con lên tầng hai ngôi trường để lánh nạn.
Theo thông tin trên Báo Pháp luật TP.HCM, máy vi tính và lương thực, đồ dùng của các thầy cô giáo đã bị nhấn chìm. Các thầy cô giáo rơm rớm nước mắt nói: Lũ lên dữ quá, trắng tay rồi, vội ôm được ít giáo án tránh ướt, nay cũng phải đốt sưởi ấm cho con. Ngày mai lũ chưa rút không biết lấy gì để ăn.
Đi chăn trâu bị lũ cuốn trôi
Theo Dân trí, vào hồi 8h ngày 15/10 tại xã Thanh Hương, Thanh Chương (Nghệ An), hai thanh niên đi chăn trâu đang lội qua suối bất ngờ bị lũ cuốn trôi và đến thời điểm hiện tại, việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả.
Nước lũ kinh hoàng tại Hà Tĩnh (Ảnh: VietNamNet) |
Hai nạn nhân được xác định là anh Nguyễn Văn Đồng (18 tuổi, xóm 4) và anh Nguyễn Văn Luân (22 tuổi, xóm 3) đều trú tại xã Thanh Hương (Thanh Chương). Sáng 15/10, do nước trên nguồn đổ về nhiều và mạnh nên khi hai thanh niên dắt trâu qua suối đã bị nước cuốn. Sau 3 ngày, việc tìm kiếm hai thanh niên vẫn chưa có kết quả.
“Có mì tôm ăn sống là nhất”
Lũ ở Hà Tĩnh lên nhanh, dân có nguy cơ đói. Ở Hương Sơn, nhà cửa đã ngập đến mái nhà, hàng ngàn hộ dân phải sống lênh đênh trên bè nứa, trên (sàn gỗ áp mái nhà) và lên núi. Khi canô cứu hộ qua, người dân vẫy tay rối rít để xin mì tôm. Họ nói: mưa thế này có gạo cũng khó mà thổi lửa nấu cơm, có mì tôm ăn sống là nhất.
Chết đuối vì thả lưới bắt cá băng lũ
Cũng theo Dân trí ngày sáng 17/10, anh Trương Công Thắng (37 tuổi, xóm Minh Lộc, xã Thạch Hạ, TP. Hà Tĩnh) đi thả lưới đánh bắt cá giữa đồng nước mênh mông, không may bị nước lũ cuối trôi.
Đánh cá trên quốc lộ 1A (Ảnh: VietNamNet) |
Dù được người dân nơi đây cùng với đội cứu hộ của địa phương tìm kiếm, tiến hành sơ cứu hô hấp nhân tạo, nhưng do bị sặc nước quá lâu nên nạn nhân đã tử vong vào lúc 7h15 cùng ngày.
Điều đáng lo ngại và cần cảnh báo chung là hiện đang mùa mưa lũ, các em học sinh ở nhiều nơi thường đi thả lưới bắt cả ở những nơi ngập sâu, nước lũ chảy xiết rất nguy hiểm, các gia đình phải hết sức lưu ý.
Thu An (Tổng hợp)
Miền Trung cần lắm những tấm lòng
Lũ chồng lên lũ. Hàng trăm ngôi nhà bị ngập, hàng trăm xã bị cô lập. Hơn bao giờ hết, người dân miền Trung đang cần sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, để họ có thể vuợt qua cơn bĩ cực đầy thương đau này. Hàng trăm đôi tay vẫy vùng, ánh mắt ngơ ngác tuyệt vọng nhìn thủy thần nhấn chìm làng mạc, nhà cửa, cuốn phăng đi những tài sản có giá trị mà họ chắt chiu dành dụm, tần tảo cả mấy năm trời. Những bàn thờ được lập vội trong những góc nhà nước còn ngập; những chiếc thuyền chênh vênh, chở những người xấu số bị lũ cuốn trôi, những vành tang trắng trên khôn mặt trẻ thơ, những cánh tay vẫy vùng trong tuyệt vọng, khi bốn bề chỉ còn mênh mông nước… mãi là một hình ảnh nhức nhối tâm can. Hơn bao giờ hết, người dân miền Trung đang cần sự chung tay giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, để họ có thể vuợt qua cơn bĩ cực đầy thương đau này. Một gói mì, một bánh luơng khô…. chắc sẽ làm người dân nơi rốn lũ này cảm thấy ấm lòng hơn, vơi bớt nỗi buồn đau. Mọi sự đóng góp, xin gửi về: + Chuyển khoản: + Chuyển khoản từ nước ngoài: + Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ: Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3, TP.HCM. |