Sau lũ là mồ côi, góa bụa
- Những mái nhà tranh xiêu vẹo, những đôi mắt ngây dại, lả đi vì đói, những vàng tang trắng trên khuôn mặt trẻ thơ, tiếng trẻ nhỏ khóc ngằn ngặt vì đói sữa mẹ... là những gì đập vào mắt chúng tôi khi trở lại tâm lũ Hà Tĩnh.
Sống trong lũ, chết vùi trong lũ
Chúng tôi trở lại vùng lũ Can Lộc (Hà Tĩnh) khi nước đã rút được mấy ngày. Dọc con đường bê tông lởm chởm đá, người dân đang cố gắng phơi khô chút rơm rạ chưa bị lũ cuốn trôi để nấu bữa cơm cuối ngày. Quê tôi, bếp ga còn là một thứ xa xỉ; bữa ăn hàng ngày được nấu bằng rơm rạ phơi khô.
Anh Hà Huy Lộc (xóm 6, Tân Quang, xã Tùng Lộc) đang lúi húi thổi cơm cho 2 đứa trẻ ăn tối. Bếp ẩm, rơm ướt nên loay hoay mãi mà vẫn chưa chín nồi cơm. Hai đứa trẻ ngồi nơi bậu cửa, ánh mắt vô hồn nhìn ra phía cuối con đường. Đứa nhỏ quệt nước mắt hỏi anh: "Sao mẹ vẫn chưa về hả anh? Bình thường, giờ này mẹ đã về để nấu cơm cho anh em mình rồi mà".
9 tuổi, Hà Huy Mạnh vẫn không thể tin được mẹ mình lại mãi mãi ra đi vào một ngày mưa lũ. |
Nghe con hỏi, lòng anh Lộc như thắt từng khúc ruột, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm đen vì nắng. Chính anh, cũng không thể tin được rằng, vợ anh đã ra đi mãi mãi. Còn 2 đứa trẻ, trong tâm hồn non nớt, chúng vẫn không dám tin là mẹ đã mất. Chúng chỉ mong cái điều mà dân làng kể lại, rằng mẹ đã bị lũ cuốn vào một buổi chiều nước lũ chảy xiết chỉ là một cơn ác mộng. Để rồi khi tỉnh lại, chúng vẫn thấy mình đang nằm trong vòng tay, đang được cuộn tròn trong lòng mẹ.
Nhưng, đó lại là sự thật, phũ phàng và cay đắng.
Sự thật là gần 10 ngày hôm nay, hai đứa con anh: Hà Huy Mạnh và Hà Thị Quỳnh không đêm nào ngon giấc. Trong giấc ngủ chập chờn, hai đứa trẻ vẫn thét lên đòi gặp mẹ. Đôi lúc, trong giấc mơ, 2 đứa bé lại nhoẻn miệng cười rồi hét vang: "A, mẹ về!". Để rồi khi tỉnh giấc, nước mắt lại ướt đẫm chiếc gối, khi biết rằng, mẹ chúng sẽ không bao giờ về nữa.
Đêm đêm, trong giấc mơ chập chờn, 2 đứa con của nạn nhân Nguyễn Thị Vị vẫn nhoẻn miệng cười khi thấy mẹ kề bên. Để rồi, lúc tỉnh dậy, nước mắt ướt đẫm chiếc gối. |
Người dân nơi đây kể rằng, cuối chiều ngày 16/10, lũ lên, chảy xiết lắm, mọi người đều ngồi co ro trong nhà, chẳng ai dám ra ngoài. Ây vậy mà vợ anh Lộc - chị Nguyễn Thị Vị vẫn một mình băng băng chèo con thuyền đi để cố dắt bằng được con bò trốn lên vùng núi. Mọi người vội can ngăn, nhưng chị vẫn gạt đi: "Phải cứu bằng được con bò kéo này không lũ cuốn trôi mất".
Ăn tạm bát cơm nguội, chị lội xuống dòng nước rồi trèo lên con thuyền. Chiếc thuyền tròng trành giữa dòng nước chảy xiết, xoay xoay như người ta thả một chiếc lá tre giữa nước lớn rồi mất hút giữa biển nước mênh mông.
Mưa trắng trời, gió hun hút thổi. Bỗng có tiếng hét kêu cứu. Dân làng vội bơi ra ngoài khi nước lũ đã ngập gần đến nóc nhà. Giữa biển nước mênh mông, chẳng thấy chiếc thuyền đâu nữa, chỉ thấy cánh ta chị Vị vẫy vùng trong vòng xoáy rồi chìm nghỉm Những người đàn ông khỏe nhất làng cố sức bơi ra giữa dòng nước xoáy. Mất hơn mấy tiếng đồng hồ, người ta mới vớt được xác chị.
Vợ anh Lộc đã vĩnh viễn không còn nữa, 3 bố con đớn đau bên chiếc bàn thờ lập vội không có nổi di ảnh người đã khuất. |
Đêm đó, trong ngôi nhà ngập nước, một chiếc quan tài được mua vội để khâm liệm thi thể chị Vị. Làng xóm phải cố gắng chặt tre, để làm giá đỡ trên nóc nhà đặt chiếc quan tài. Cũng đêm hôm đó, có 2 đứa trẻ ngồi khóc ngằn ngặt bên thi thể người mẹ đã lạnh ngắt. Không có mùi huơng khói, bởi hương chưa kịp thắp đã bị mưa dội ướt hết.
Đám tang của chị Vị được tổ chức mấy ngày sau đó, cũng vào ngày nước lũ đang lên. Quan tài được bỏ lên chiếc thuyền. 16 người đàn ông bơi dưới nước để đẩy con thuyền. Hai đứa con chị, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ 7 tuổi cũng ngồi lên trên 2 chiếc thuyền, nhìn dân làng chở thi hài mẹ trong mưa lũ. Cả xóm nghèo thôn Tân Lộc quặn đau, nước mắt mặn chát hòa lẫn với nước mưa, chảy xuống dòng nước đỏ au đang gầm gừ, cuộn sóng.
Mẹ mất, cha đi làm thuê ở miền Nam chưa kịp về, 2 đứa nhỏ chưa kịp lớn một mình nhang khói cho người mẹ xấu số. Đêm, trong căn nhà gió thốc tứ bề, người dân vẫn nghe rõ tiếng khóc xé lòng của 2 đứa trẻ. Đứa nhỏ khóc, đứa lớn dỗ dành: "Nín đi em, mẹ đi đâu đó rồi lại về với anh em mình". Rồi cả 2 lại ôm chầm lấy nhau òa khóc. Tiếng khóc xé toang màn đêm đặc quánh.
Chuyện người chết cho sự sống
Dẫn chúng tôi đi dọc con đường còn nguyên những vết tích của cơn lũ, Phó Chủ tịch huyện Can Lộc thở hắt: "Trong lũ, mới thấy cái tình người nơi rốn lũ này. Có vị trưởng xóm, cả ngày quần quật, vật lộn với lũ để cứu dân. Kiệt sức, ông bị lũ cuốn trôi".
Nhà chị Nguyễn Thị Lộc (xã Tùng Lộc) mấy hôm nay đông nghịt người. Thông tin về chồng chị - anh Trí bị lũ cuốn trôi khi đang một mình chèo thuyền cứu dân cứ thế lan tỏa. Nhiều người từ mọi miền khác nhau đến để thắp cho anh Trí một nén nhang.
Trong nỗi đau như tê dại, chị Lộc cố lấy bình tĩnh để kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện ngày chồng chị bị lũ cuốn.
Nỗi đau mất chồng khiến chị như tê dại đi |
4 giờ chiều ngày 16/10, đang chuẩn bị ăn tạm bát cơm sau một ngày vật lộn với con nước bạc thì anh Trí hay tin: đập Cù Lay có nguy cơ bị vỡ. Quẳng vội bát cơm nguội ngắt, anh lội nước đi cứu dân. Vợ anh - chị Lộc níu lại: "Đi đâu thì đi, ăn tạm bát cơm nguội cái đã. Cả ngày hôm nay, bố nó đã ăn gì đâu". "Cơm nước gì nữa. Không đến nhanh, đập vỡ, dân bị nước cuốn trôi hết" - anh đáp lại.
2 giờ sáng, anh Trí lại bơi về nhà, người run lên vì đói. Sau khi ăn vội gói mì tôm dằn bụng, dặn vợ chuyển mấy cân gạo và ít lúa lên chỗ cao hơn, phòng trường hợp đập bị vỡ, rồi anh lại lao đi.Cả đêm hôm đó, anh ở lại ở thôn Tùng Sơn, cách nhà hơn 1km để giúp dân chuyển đồ đạc lên vùng cao, phòng khi con nước lớn ập đến.
Bà Hoài, mẹ nạn nhân với nỗi đau mất con. |
10 giờ 30 phút ngày 17/10, mưa tối tăm mịt mù. Cả xóm nhỏ Quang Lộc chẳng thấy gì ngoài mênh mông biển nước. Nhiều nhà, nước đã ngập đến nóc, bà con xung quanh phải chui lên nóc nhà tránh lũ. Nhìn xung quanh nhà, thấy nước lũ tràn vào nhanh khủng khiếp, chợt nghĩ rằng bà con gần thôn Tùng Lộc chắc đang gặp nguy, anh lại một mình băng dòng nước xiết đến xem họ thế nào.
Vừa ra khỏi cổng nhà, nước đã ngập quá đầu, anh vội bơi đến chỗ con đường cao nhất để lội bộ đến thôn Tùng Lộc. Trước, cách chỗ anh đứng không xa, cháu Đặng Hữu Bảo đang chới với giữa con nước chảy xiết. Anh vội lao đến, cố gắng dùng sức để kéo cháu Bảo thoát khỏi dòng nước dòng nước cuồn cuộn chảy. Lúc đẩy được Bảo thoát khỏi dòng lũ, cũng là lúc sức đã kiệt, anh bị cuốn trôi.Nghe tiếng kêu cứu của Bảo, dân làng vội chèo thuyền đến. Một lúc sau, người ta mới tìm thấy thi thể của anh.
Trong ngôi nhà lợp ngói thủng lỗ chỗ, bên cạnh di ảnh của chồng, chị Nguyễn Thị Lộc như ngây dại vì nỗi đau mất chồng. Chị khóc: "2 ngày mưa lũ lớn, anh không kịp ăn gì cả, chỉ có mấy miếng mì tôm rồi lại lao đi cứu dân. Sức kiệt, nên anh mới bị lũ cuốn trôi mất".
Rời huyện Can Lộc khi trời choạng vạng tối, chúng tôi chẳng nói được câu gì. Câu chuyện về chị Phạm Thị Huyền (xã Quang Lộc, người bị thiệt mạng khi đang trên đường đi mua thuốc cho chồng) trước lúc chết, đã từng cắt tóc 2 lần lấy tiền đóng học phí cho con; chuyện về 2 đứa trẻ đêm đêm ngồi nơi bậu của ngóng chờ mẹ về - dù mẹ chúng sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa.... cứ ám ảnh, nhức nhối tâm can.
Thầm mong cho bão giông đừng quay về nơi này nữa!
- Hoàng Sang - Duy Tuấn - Trường Minh