221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1316730
Phớt lờ thông tư của Bộ GTVT, xe khách vẫn "chém" khách
0
Article
null
Bắt buộc niêm yết giá xe vận tải hành khách:
Phớt lờ thông tư của Bộ GTVT, xe khách vẫn 'chém' khách
,

- Sau hơn nửa tháng bắt buộc thực hiện Thông tư 129 về niêm yết giá xe vận tải hành khách, đến nay nhiều nhà xe vẫn "bỏ ngoài tai" quy định này.

Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT quy định, từ ngày 10/10, xe vận tải hành khách chạy theo tuyến cố định, xe buýt, taxi... bắt buộc phải niêm yết giá ở mặt ngoài thành xe và bên trong xe để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, tại các bến xe ở Hà Nội vẫn còn nhiều xe chưa niêm yết giá.

Không niêm yết giá, thiệt cho hành khách

Tại bến xe Giáp Bát, chiều ngày 26/10, khi PV hỏi một nhà xe tuyến cố định từ Hà Nội về huyện Nông Cống (Thanh Hoá) vì sao đến thời điểm này chưa niêm yết giá trên xe thì được trả lời: Vì... bận, chưa đi dán được và sẽ đi dán trong một vài ngày tới.

Mô tả ảnh.
Ngay cổng bến xe Giáp Bát, một số xe dù không niêm yết giá mà vẫn ngang nhiên bắt khách để "chặt chém".

Tuy nhiên, nhà xe này cũng giải thích, việc niêm yết giá vé bằng cách dán trên thành hoặc trong xe sẽ khó thực hiện lâu dài, vì giá cước vận tải có lúc tăng lúc giảm: “Giá vé tuyến cố định của chúng tôi là 60 nghìn đồng/người. Nhưng vào những ngày ít khách, chúng tôi thu lại không bằng giá niêm yết. Do vậy, niêm yết giá trên thành xe cũng không ổn”.

Chiều 23/10, anh Hiệp bắt chiếc xe mang BKS 37S – 1837 (Công ty TNHH Tuấn Việt) từ Thành phố Thanh Hoá ra Hà Nội. Khi lên xe, anh không thấy ghi tuyến đi Thanh Hoá - Hà Nội có mức giá niêm yết trên xe. Chỉ đến khi tài xế thu của anh 80 nghìn đồng thì anh Hiệp mới biết mức giá này đắt hơn mức anh thường đi.

Anh Hiệp yêu cầu nhà xe đưa vé xe, tài xế đã lấy trong cốp ra tập vé rồi ghi: Tuyến Thanh Hoá – Hà Nội giá 80 nghìn đồng/người.

Mô tả ảnh.
Nhà xe Tuấn Việt niêm yết giá xe bằng việc "tự viết tay" vào vé.

Anh Hiệp bức xúc: “Tôi đọc báo, xem tivi thấy có thông tư bắt buộc xe vận tải chở hành khách cố định, xe taxi phải dán giá cước ngay ngoài cửa xe để bảo vệ người tiêu dùng, nhưng đi xe khách từ Thanh Hoá ra Hà Nội, rồi ra đến Hà Nội đi taxi từ Linh Đàm về Giáp Bát tôi vẫn phải chấp nhận trả với mức giá cao hơn quy định”.

Thiếu chế tài xử lý

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết: Hiện nay bến xe vẫn đang yêu cầu các doanh nghiệp triển khai theo thông tư, nhưng mức độ triển khai của các doanh nghiệp vẫn... chậm.

Tuy nhiên, việc đưa ra chế tài xử lý các xe không niêm yết giá lại chưa có, nên ban quản lý bến xe cũng chỉ dừng lại ở việc từ chối phục vụ mấy ngày.

Đối với các doanh nghiệp không niêm yết giá xe chở khách, chúng tôi chỉ nhắc nhở lần một lần 2 và đến lần thứ 3 nếu họ không thực hiện thì chúng tôi từ chối phục vụ nhà xe mấy ngày. Chứ chúng tôi cũng chưa có chế tài để xử phạt”, ông Thành nói.

Ông Thành còn cho biết thêm: Việc niêm yết giá xe đã được bến xe thông báo trước hàng tháng trời. Có đợt ban quản lý bến xe làm rất gắt gao, nhưng rồi đâu lại vào đó vì giá vé thay đổi do giá xăng dầu tăng nên các doanh nghiệp vận tải lại không thực hiện.

Cũng về việc bắt buộc phải niêm yết giá xe, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Giám đốc Công ty quản lý bến xe Hà Nội cũng cho biết: “Chúng tôi rất đồng tình việc niêm yết giá xe vận tải hành khách, nhưng việc nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đến thời điểm này còn xuất phát từ nguyên do không có chế tài xử lý, mà không có chế tài thì chúng tôi không xử lý được”.

Về vấn đề niêm yết giá xe, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng thông tin: Trong thời gian vừa qua, Thanh tra giao thông cũng đã đi kiểm tra và thấy có nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện niêm yết giá. Nguyên nhân nhiều doanh nghiệp vận tải chuyến cố định đưa ra là chưa chọn được chất liệu dán giá vé đi xe, vì nếu không chọn chất liệu khi trời mưa, thời tiết thay đổi hay rửa xe thì giá niêm yết lại mất đi.

"Đối với những trường hợp xe chưa niêm yết giá, chúng tôi chưa xử phạt mà mới dừng ở việc nhắc nhở doanh nghiệp thực hiên. Nếu doanh nghiệp cố tình không thực hiện chúng tôi sẽ xử lý dựa theo khoảng 2, điều 31, nghị định 34", ông Mạnh cho biết.

Thông tư liên tịch số 129/2010/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải đường bộ và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có hiệu lực từ ngày 10/10.

Cụ thể, hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định phải kê khai giá cước trên các tuyến vận chuyển cố định của đơn vị (đồng/hành khách); giá cước vận chuyển hàng hóa theo xe khách (đồng/kg).

Vận tải hành khách bằng xe buýt kê khai giá cước (đồng/lượt hành khách), kê khai giá cước vé tháng áp dụng cho các đối tượng (đồng/vé/tháng) trên các tuyến vận tải xe buýt của đơn vị. Vận tải hành khách bằng xe taxi thì kê khai theo hình thức tính giá cước của đơn vị. Cụ thể: giá cước kilômét đầu, giá cước của từng cự ly hay kilômét tiếp theo; giá cước theo chuyến; giá cước thời gian chờ đợi...

Tương tự, vận tải hành khách theo hợp đồng và vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô phải kê khai theo hình thức tính giá cước của đơn vị. Cụ thể là giá cước theo ngày xe (đồng/ngày) và theo giá cước kilômét lăn bánh (đồng/km); giá cước thời gian chờ đợi (nếu có).

Bên cạnh đó, vận tải hành khách theo tuyến cố định, niêm yết tại nơi bán vé, ở mặt ngoài thành xe phía bên trái gần cánh cửa trước và bên trong xe nơi hành khách dễ quan sát. Vận tải hành khách bằng xe buýt cũng phải niêm yết ở mặt ngoài thành xe phía bên trái gần cánh cửa trước và bên trong xe nơi hành khách dễ quan sát. Còn vận tải hành khách bằng taxi, niêm yết ở mặt ngoài cánh cửa xe và bên trong xe phía dưới vị trí gắn đồng hồ tính tiền...

  • Vũ Điệp

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,