- Giữa bồng bềnh sương khói Hồ Gươm, ông ngồi đó lặng lẽ, trầm ngâm. Rồi ông lấy cây vĩ cầm ra. Những thanh âm du dương từ cây vĩ cầm cùng với giai điệu những bài hát về Hà Nội từ thời đạn bom khói lửa... cứ thế tuôn trào, giữa những ngày Hà Nội mừng Đại lễ.
Tiếng vĩ cầm bên hồ
Người ta gọi ông là "Chủ tịch câu lạc bộ ngàn sao", bởi những đêm biểu diễn của ông thường lấy vỉa hè, lấy bầu trời ngàn sao làm làm sân khấu; khán giả là những người khách qua đường, bất chợt đi qua và bị tiếng vĩ cầm réo rắt mê hoặc.
Riêng tôi, tôi gọi ông là là nghệ nhân hát rong vĩ đại nhất mà mình đã từng gặp. Bởi, ông có thể hát bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào để thỏa mãn niềm đam mê, thỏa mãn cơn "khát" của mình. Với ông, cây đàn violon, đàn ghi ta cùng với acmonica như là hơi thở, như là cuộc sống vậy.
Và, ông gọi đó là những "người tình" của mình. Người nghệ sỹ hát rong vĩ đại nhất mà tôi gặp vào một đêm bồng bềnh sương khói bên Hồ Gươm có tên Tạ Trí Hải. Ông đến từ TP.HCM...
Hồ Gươm đêm 2/10 chẳng có pháo hoa cũng chảng có những vũ điệu ánh sáng lung linh huyền ảo. Đang đi giữa hàng vạn người chen chúc, bỗng có tiếng đàn violon du dương, da diết vọng lại. Một người nghệ sỹ già đang miệt mài kéo đàn cho những bạn trẻ ca hát.
Ông Hải đang say sưa kéo vĩ cầm bên Hồ Gươm. |
Râu tóc bạc phơ, mắt lim dim, ông thả hồn theo những giai điệu của bài hát. Ông cứ thế, hát say sưa. Tiếng hát từ gan ruột. Chòm râu bạc trắng xõa hết lên cả cung đàn. Không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng vĩ cầm là du dương lúc trầm lúc bổng, hòa quyện với sương khói ven hồ. Âm thanh đấy cứ thế, nhẹ nhàng, nhẹ nhàng lan tỏa. Hàng trăm đôi mắt đổ dồn vào ông, chăm chú ngắm nghía nguời nghệ sỹ già đang thả hồn mình vào cây vĩ cầm.
Rất nhiều bạn trẻ không hẹn mà đến, quây quần bên ông suốt đêm. |
Tôi với đồng nghiệp không phải là người rành về âm nhạc, càng không phải là người hiểu về những thanh âm của cây đàn từng được ví là bà chúa, là nữ hoàng trong các dụng cụ về âm nhạc... Ấy vậy mà những khi nghe người nghệ sỹ hát rong này đưa cây vĩ cầm này cất lên những giai điệu đầu tiên của bản nhạc, lòng bỗng lâng lâng một nỗi niềm khó tả. Thanh âm những bài hát về Hà Nội những năm khói lửa, về lớp lớp cha anh ngày xưa đã ngã xuống hay những ca khúc hoài niệm của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn cứ thể vắt vẻo giữa chốn thinh không, ru ngủ những tâm hồn kẻ lãng du.
Ký ức về Hà Nội
Ông Hải là người Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên ở khu phố cổ. Ký ức về Hà Nội trong ông là những buổi chiểu chạy bộ ra bờ đê thả diều, bắt dế chọi nhau; là những đêm trăng sáng vành vạch cùng nhau thả bộ ra Hồ Gươm để tắm mát rồi chơi trò trốn tìm, là tà áo dài của những nữ sinh Trưng Vương từng đi vào giấc ngủ...
Ông kể về Hà Nội say sưa giống như khi ông đưa tay kéo những bản nhạc. Những góc phố rêu xanh phủ đầy, những chiều thu Hồ Tây lãng đãng, bồng bềnh sương khói, heo may giăng ngập lối về...chính là miền ký ức không thể xóa nhòa trong tâm hồn người đàn ông 70 tuổi này.
Ông Hải kể rằng, ông say mê tiếng đàn réo rắt của cây vĩ cầm từ bé, dù ông biết rằng, người nào lỡ đam mê "cây đàn gọi quỷ" này đều có một cuộc sống buồn. Ông bảo, thời bé, một lần vừa chạy đi chơi về, ghé qua nhà chú ruột thì thấy cậu em họ đang ngồi kéo vĩ cầm. Và, ông đã bị chính tiếng đàn luyến láy đó mê hoặc. Những lúc bố ông ngồi tụng kinh, gõ mõ thì ông chạy ù sang nhà cậu em để học đàn.
Cây vĩ cầm này giống như người tình thủy chung với cuộc đời ông. |
Khi những chiếc B52 bỏ chạy, nóc hầm công sự còn khét lẹt mùi khói súng, ông lại mang cây đàn violon ra để chơi những bản nhạc tiền chiến. Giai điệu hào hùng của những bài hát về cách mạng cứ thế cất lên.
Rời Hà Nội vào những năm cuối 80, ông bước chân vào Sài Gòn, làm kỹ thuật cho Tổng công ty cao su. Nhưng rồi do bất bình về thế thái nhân tình, ông bỏ nghề.
Niềm vui của ông lúc này chỉ là những cây đàn. Tối tối, sau bữa cơm đạm bạc, ông lại dắt chiếc xe đạp ra công viên 30/4 ngồi đàn. Hàng chục bạn trẻ đi qua, thấy một ông cụ râu tóc bạc phơ, ngồi thanh tịnh, lặng lẽ kéo đàn liền vây quanh ông. Trẻ hát, già kéo vĩ cầm. Những ồn ào, vồn vã của chốn thị thành bỗng chốc biến mất nhường chỗ cho tiếng hát và tiếng vĩ cầm trầm mặc.
Nhiều bạn trẻ, cứ đêm đêm không hẹn mà đến, rủ nhau ra góc công viên để chờ ông. Ông trở thành "Chủ tịch câu lạc bộ ngàn sao" từ đó, từ những đêm ngồi kéo đàn nơi thảm cỏ xanh công viên 30/4.
G
Hồ Gươm đêm 2/10 chẳng có pháo hoa cũng chăng có những vũ điệu ánh sáng lung linh huyền ảo;chỉ có tiếng đàn violon du dương, da diết vọng lại. |
Sau những đêm khuya ngồi hát ở Sài thành, ông lại lủi thủi trở về căn nhà xập xệ gần đường Nguyễn Huệ. Ông bảo, nhiều đêm, không tài nào chợp mắt được, nhớ Hà Nội đến nao lòng. Mấy lần ông tính về thăm lại Hà Nội, đi dạo trên những con phố, những nơi từng nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ. Nhưng rồi lại không thể...
Và, cũng đã 5 năm ông không trở lại Hà Nội
5 năm, nhiều đêm ông thèm một tiếng rao khuya, thèm một thoáng khe khẽ rùng mình khi heo may về, thèm được ngồi cùng những người bạn vong niên để ôn lại thời quá vãng.
Rồi ông mang cả nỗi nhớ, niềm khắc khoải này vào tiếng đàn của mình.
Và ông trở lại Hà Nội vào đúng ngày Đại lễ ngàn năm Thăng Long. Tối tối, ônh lại tìm một góc yên tĩnh nhất nơi Hồ Gươm rồi chơi đàn. Những thanh âm từ cây vĩ cầm cứ thế vang lên. Rất nhiều bạn trẻ đã vây lấy ông. Họ chăm chú ngồi lắng nghe người nghệ sỹ già chơi đàn.
Rất nhiều bạn trẻ hâm mộ đã tìm đến căn nhà nhỏ tại 19 - Hàng Chiếu để được nghe ông kéo violon. |
Khuya, ông trở về căn nhà của một người cháu tại 19 Hàng Điếu. Đám trẻ vẫn vây lấy ông, theo ông về căn nhà nhỏ nằm khuất sâu trong một ngõ nhỏ ngoằn nghèo. Ăn một chút gì lót bụng, ông lại quây quần bên lũ trẻ rồi ngồi hát.
Nhiều người sợ ông mệt, bảo ông nghỉ sớm, ông chỉ cười hiền: "Tôi sợ không còn đủ thời gian để hát cho các bạn nghe nữa. Năm nay đã ngoài 70 tuổi rồi còn gì". Ông hát, cứ như thể sợ thời gian vụt trôi đi mất.
Ông Hải đưa cho tôi xem cuốn nhật ký của những người qua đường từng nghe mình hát. Mỗi người một tâm trạng, một nỗi niềm, một cảm xúc khác nhau, nhưng tất cả đều trân trọng những gì mà người nghệ sỹ hát rong này mang lại cho cuộc đời này.
Và họ sợ, một nỗi sợ vô hình, rằng: một ngày nào đó sẽ không được nghe ông hát, góc phố công viên mà ông vẫn thường ngồi nay vắng bóng ông, sợ rằng ông sẽ mang theo cả cây vĩ cầm đến một thế giới khác.
Trong căn gác xép nơi ông lưu trú tại Hà Nội những ngày này, có rất nhiều bạn trẻ quây quần. Họ tìm đến với ông, ở bên ông, hát cùng ông từ sáng cho đến tối.
Nỗi niềm của Huệ- một cô sinh viên có đôi mắt u buồn, thăm thẳm như nước hồ mùa thu âu cũng là dễ hiểu: "Giữa chốn ồn ào, náo nhiệt, bon chen của cuộc sống hằng ngày, tiếng đàn của cụ Hải cất lên cứ như một luyến láy, làm cho con người cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, xích lại gần nhau hơn".
-
Hoàng Sang - Duy Tuấn