Máy xạ trị già còng lưng cõng quá tải tại viện K

Cập nhật lúc 14:18, 31/10/2010 (GMT+7)

 - Mỗi bác sĩ, kỹ thuật viên khoa Chẩn đoán hình ảnh phục vụ 100 - 200 bệnh nhân trong khi cả bệnh viện có 3 máy gia tốc, 3 máy Cobalt; có những máy “cao niên” hơn cả bác sĩ.

Quá tải cả chỗ gửi xe

Có hẹn làm việc với các bác sĩ, kỹ thuật viên ở Bệnh viện K Hà Nội vào lúc 8h30’ sáng nhưng do tất cả các bãi trông xe đều đã treo biển "Hết chỗ" nên phải đến 9h15’, thì phóng viên VietNamNet mới kiếm được chỗ gửi xe ở tầng hầm của một chung cư mới xây dựng cách phố Quán Sứ vài trăm mét. Trên đoạn đường đi bộ từ nơi gửi xe tới Bệnh viện K, phóng viên VietNamNet còn được chứng kiến cảnh tượng khá đông bệnh nhân cùng người nhà "năn nỉ" những nhân viên trông giữ cho "xin" một chỗ trong bãi xe vốn đã chật ních để kịp vào viện chữa bệnh.

 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Sự quá tải ở bệnh viện K bắt đầu từ bãi gửi xe (Ảnh M.Thành)

Bên trong sân và các lối đi lại cũng chẳng hơn các điểm trông xe là mấy khi hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân cùng người nhà đứng, ngồi, nằm khắp cả hành lang, cầu thang và vỉa hè của bệnh viện. Nhiều người trong số họ tay vẫn đang giữ khư khư chiếc giá sắt, trên đó là dây truyền, túi - lọ đựng dung dịch hóa chất. Nhưng được truyền dịch hóa chất như họ vẫn có thể được coi là...đỡ hơn rất nhiều so với những người vẫn phải thắc thỏm chờ đợi trước cửa phòng máy, ngoài hành lang với đầy vết đánh dấu vị trí xạ trị bằng bút dạ xanh trên cổ, trên ngực...

Khi được hỏi, anh Nguyễn Ngọc Tùng ở Sầm Sơn, Thanh Hóa thở dài bảo: "Xếp hàng từ 8h mà mãi đến giờ vẫn chưa tới lượt vào chiếu xạ". Đồng cảnh với anh Tùng, bác Thọ ở Kontum cũng đã xếp hàng từ 8h sáng để chờ được chiếu xạ nhưng đến tận gần 11h trưa, khi những vết bút dạ đánh dấu trên cổ đã gần bị phai hết vì bị cọ xát vào áo quá nhiều mà vẫn chưa được chiếu xạ bực dọc bảo: "Lúc ở nhà đã nghe người ta nói về cảnh xếp hàng rồi nhưng có đến mới biết khổ cực thế này. Ai đời đánh dấu suốt từ sáng mà đến giờ vẫn chưa được chiếu xạ. Mệt mỏi thật!".

Chờ bên ngoài càng lâu, sốt ruột nên cứ một chốc lại có người đứng lên, chen vào giữa đám người đang chen chúc trước cửa các phòng khám để cố tiếp cận cánh cửa phòng Xạ trị áp sát gần thêm chút nữa mặc cho y tá, bác sĩ khản cổ đề nghị những người chưa tới lượt vào chiếu xạ ra ngoài bớt cho thoáng khí.

Một kỹ thuật viên làm việc tại phòng máy Cobalt chia sẻ: "Vẫn biết là khi có bệnh trọng mà phải chờ đợi để được trị bệnh thế này ai cũng sốt ruột và bực mình, bản thân chúng tôi cũng mệt mỏi lắm những biết làm sao được khi máy móc thì có hạn". Kỹ thuật viên này cũng cho biết, hầu hết các máy chiếu xạ tại bệnh viện K đều là máy rất cũ, nên hoạt động không ổn định và khiến các kỹ sư, kỹ thuật viên mất rất nhiều thời gian để căn chỉnh liều lượng bức xạ phù hợp với chỉ định của riêng từng bệnh nhân.

Máy móc, thiết bị...nhiều tuổi hơn cả bác sĩ

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Đăng Hà - Phó chủ nhiệm khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện K chia sẻ: "Để nói về sự quá tải ở Bệnh viện K thì trước tiên phải nhắc đến việc quá tải về máy móc, trang thiết bị dùng để chẩn đoán, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày, một bác sĩ, kỹ thuật viên làm việc tại khoa Chẩn đoán hình ảnh phải tiếp xúc, khám chữa bệnh cho trên 100 bệnh nhân, những ngày cao điểm con số này có thể lên tới gần 200 người. Thậm chí cả trong những ngày mà dân gian vẫn...kiêng như "mùng 5 - 14 - 23 âm lịch" hay các ngày lễ tết thì các phòng khám vẫn quá tải như thường".

 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Máy móc quá tải đã khiến hàng người xếp hàng chờ vào khám chữa bệnh tại viện K ngày càng đông (Ảnh M.Thành)

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Kử - Trưởng khoa Vật lý Xạ trị cũng cho biết: "Nếu so sánh với một số nước trong khi vực thì hiện tại trang thiết bị chẩn đoán, khám chữa bệnh ung thư tại Việt Nam nói chung đã lạc hậu rất nhiều so với mặt bằng chung. Đơn cử, hiện nay ở Bệnh viện K có 3 máy gia tốc, 3 máy Cobalt thì trong đó có những máy tuổi đời nhiều hơn cả tuổi của bác sĩ, kỹ thuật viên.

Những chiếc máy này đáng lẽ phải bỏ từ lâu để thay thế bằng những máy móc, thiết bị hiện đại hơn nhưng do điều kiện còn khó khăn nên máy cũ vẫn được sử dụng để chữa trị cho bệnh nhân ung thư. Cũng chính vì đã cũ, lại phải hoạt động 23/24h một ngày để đáp ứng nhu cầu của người bệnh nên máy móc thường xuyên gặp trục trặc, hỏng hóc, gây cản trở không nhỏ cho quá trình điều trị bệnh.

 

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Nguyên nhân của sự quả tải là do nhiều máy móc khám chữa bệnh của bệnh viện K đã quá "cao niên" nên khiến các bác sĩ, kỹ thuật viên phải mất rất nhiều thời gian để căn chỉnh liều lượng phù hợp với từng bệnh nhân (Ảnh M.Thành)

Bên cạnh đó, do phải chia ca - kíp để có thể khám chữa bệnh kịp thời cho bệnh nhân nên các bác sĩ, kỹ thuật viên của bệnh viện cũng phải chịu áp lực không nhỏ cả về thể chất và tinh thần".

Ông Kử cho biết thêm: "Tại các nước phát triển hay ngay như tại các nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, trung bình cứ 1 triệu dân thì có 1 máy gia tốc hoặc 1 máy Cobalt hiện đại. Thế nhưng tại Việt Nam, với dân số xấp xỉ 90 triệu dân nhưng hiện mới chỉ có 9 máy xạ trong, 6 máy mô phỏng, 16 máy cobalt, 15 máy gia tốc. Việc thiếu trang thiết bị đồng bộ, hiện đại và thiếu nhân lực được đào tạo chuyên sâu đã khiến cho tình trạng quá tải ngày càng trở nên nghiêm trọng, không dễ để giải quyết dứt điểm trong một sớm một chiều".

  • M.Thành

Ý kiến của bạn

Các tin khác