Phẫn nộ vụ cô "tra tấn" trẻ trong thang máy
– Trước sự việc bé Lê Quang Vinh bị cô giáo Trần Thị Xuân Nữ hành hạ theo một cách không giống ai, bạn đọc đều tỏ ra bàng hoàng, kinh ngạc, đau đớn, bức xúc và cho rằng đây là hành động “phi sư phạm, phi nhân tính”.
TIN LIÊN QUAN
Cô giáo hành hạ dã man trẻ trong thang máy
“Cần kiểm soát chặt đầu vào của giáo viên mầm non” Như VietNamNet đã đưa tin, ngày 22/9, bé Lê Quang Vinh (4 tuổi, trú tại quận Tân Phú, TP.HCM) đã bị cô giáo Trần Thị Xuân Nữ (nhóm trẻ tư thục Hoa Lan, quận Tân Phú) nhốt vào thang máy vận chuyển thức ăn, đóng cửa và bấm cho thang máy di chuyển liên tục từ tầng 2 xuống đất khiến bị thương nặng phải đi cấp cứu. Trước sự việc bé Lê Quang Vinh bị cô giáo Trần Thị Xuân Nữ hành hạ theo một cách không giống ai, bạn đọc đều tỏ ra bàng hoàng, kinh ngạc, đau đớn, bức xúc và cho rằng đây là hành động “phi sư phạm, phi nhân tính”. Trong số đó có không ít người làm việc trong ngành giáo dục. Tất cả các độc giả đều bày tỏ và chia sẻ với những nỗi đau mà bé Vinh cũng như gia đình bé đang phải trải qua, đồng thời đề nghị luật pháp cần làm nghiêm để trị đúng người đúng tội, làm gương cho những người khác. Như một “giọt nước làm tràn ly”, từ sự việc này, rất nhiều bạn đọc cho rằng, chúng ta không nên nhìn nhận và xử lý vấn đề này từ ngọn, cần phải có những tìm hiểu, điều tra tận gốc của nạn bạo hành trong học đường, đặc biệt là tình trạng cô bạo hành trẻ mầm non. Những năm gần đây, cô giáo mầm non bạo hành trẻ ngày càng nhiều. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng đầu vào của giáo dục mầm non? “Thật rùng mình khi đọc bài báo này. Ngành giáo dục các cấp cần xem xét lại quy trình tuyển người vào ngành để đảm bảo chắc chắn nhất không còn những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai. Đồng thời cần đưa hành động này ra nhắc nhở, giáo dục sâu rộng trong toàn ngành, nhất là giáo dục mầm non”, bạn đọc Nguyễn Đức Hướng viết. “Không thể chấp nhận được cách "bạo trò" của một bộ phận giáo viên này. Phải chăng khi xã hội càng phát triển thì đạo đức của những người này càng đi xuống? Phải chăng việc đào tạo những giáo viên của ta còn quá nhiều vấn đề, để khi họ đi làm mà không biết được đạo đức nghề nghiệp là thế nào?”, bạn đọc den……@yahoo.com bức xúc
“Tôi rất búc xúc và bất bình về những vụ việc trên. Bản thân tôi cũng là một giảng viên. Tôi nghĩ các bậc cô giáo như vậy sao đi dạy trẻ được, vì những đứa trẻ mới bắt đầu vào đời mà cô giáo lại dạy như thế tra tấn thì đúng hơn? Tôi nghĩ hiện tại xã hội đã phát triển nhưng đạo đức của nhà giáo (chỉ số ít) cũng có vấn đề? Về phía quản lý, tôi nghĩ đây cũng là trách nhiệm rất lớn của các nhà quản lý. Vì các cô này thiếu các bằng cấp/chứng nhận nghề nhưng vẫn được phép dạy, đến khi có vụ việc thì lại dừng việc dạy để đi học? Tôi nghĩ cũng do chúng ta làm chưa nghiêm nên mới có nhiều vụ việc như thế này?”, bạn đọc Trần Văn Phước. “Nạn cô bạo hành trò ở mầm non ngày càng nhiều, xuất phát từ nhiều lý do. Các cô trường công lập lớp quá đông, mất bình tĩnh nên bạo hành cháu. Trường công lập đông, khó xin, nên bố mẹ các cháu phải xin cho các cháu học trường dân lập. Trong khi đó, trường dân lập thành lập vội, làm ăn chụp giật nên sử dụng giáo viên chưa qua đào tạo. Nguyên nhân từ cá nhân con người không thể bỏ qua, nhưng nguyên nhân từ quản lý lãnh đạo là rất rõ. Thiếu nhiều trường mầm non do dân số phát triển nhanh. Thành phố không xây đủ trường cho khu dân cư. Tuy nhiên nhiều trung tâm thương mại vẫn có chỗ để mọc lên. Hơn nữa, vì quản lý yếu nên không kiểm tra được các trường hoạt động chui; các trường không đủ điều kiện vẫ được cấp phép hoạt động nhưng thanh tra chả làm được gì mà toàn nhắm mắt cho qua, dẫn đến mọi hoạt động của xã hội đều suy yếu”, bạn đọc pptm2…@yahoo.com tỏ ra am hiểu trong lĩnh vực này. Xem xét khởi tố
Những năm gần đây, cô giáo mầm non bạo hành trẻ ngày càng nhiều. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng đầu vào của giáo dục mầm non? (Anh: VietNamNet)
Bé Vinh bị thương nặng sau khi cô giáo Trần Thị Xuân Nữ bắt bé "làm xiếc" trong thang máy (Ảnh do gia đình cung cấp cho báo PL TPHCM) |
Trước đó, trong giấy chứng nhận thương tích của bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đã ghi rõ mức độ tổn thương của bé Vinh như sau: bé Vinh bị chấn thương đầu: sưng bầm thái dương trái, xuất huyết vùng cổ mặt; bầm tím mặt; hai mắt bị xuất huyết kết mạc, nề mi. Vết thương lóc da thái dương trái 15 cm, lộ sọ. Vết thương vùng chẩm khoảng 5 cm.
Đình chỉ hoạt động trong vòng 3 tuần Báo Tuổi Trẻ thông tin: Chiều ngày 29/10, nhóm trẻ tư thục Hoa Lan đã thông báo đến phụ huynh về việc UBND phường Tân Quý (Q. Tân Phú) đã có quyết định đình chỉ hoạt động của nhóm trẻ tư thục Hoa Lan từ ngày 1 đến 21-11-2010, đồng thời dán danh sách các trường mầm non, các nhóm trẻ gia đình khác có thể tiếp nhận 160 học sinh đang học tại nhóm trẻ tư thục Hoa Lan. |
Kết quả chụp CT sọ não cho thấy bé bị tụ khí mô mềm. Chấn thương ngực, bụng: Xây xát rộng trước ngực, cổ đến bụng. Sưng vùng vai trái. Vết thương nông ngực trái khoảng 3 cm. CT ngực, bụng thấy tổn thương dạng phế nang thùy dưới hai phổi, theo dõi dập phổi. X-quang phổi thấy gãy 1/3 giữa xương đòn trái. Ngoài ra còn nhiều vết thương ở tay và đùi.
Cũng nói về vụ việc này, báo Lao Động đưa tin, ngày hôm nay (30/10), các cơ quan chức năng quận Tân Phú họp bàn các biện pháp đối với nhóm trẻ tư thục Hoa Lan để trong thời gian tới không lặp lại trường hợp đau lòng như cháu Vinh.
Trong khi đó, trao đổi với báo Tuổi Trẻ, luật sư Bùi Quang Nghiêm cho biết, bên cạnh việc cô Trần Thị Xuân Nữ sẽ bị khởi tố hình sự khi có đủ kết quả giám định thương tật của bé Vinh thì nhà trường cũng có thể phải gánh chịu trách nhiệm dân sự.
Bởi hành vi gây thương tích cho bé Lê Quang Vinh phát sinh trong quá trình cô giáo này thực hiện công việc do nhà trường giao nên nhà trường có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bao gồm thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và tổn thất về tinh thần của bé.
Những vụ bạo hành tai tiếng trong giáo dục mầm non:
Tháng 5/2007, “cô giáo” Đỗ Thị Liên, 27 tuổi, trú tại tổ 11 phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội, “giáo viên” trường mầm non bán công Lĩnh Nam vì mâu thuẫn riêng với cô hiệu trưởng (hiệu trưởng chuyển cô Liên từ vị trí kế toán lên làm… giáo viên”) mà cô Liên đã cho thuốc diệt kiến vào nồi canh rau của các cháu bé trong trường. Rất may là không cháu nào bị làm sao.
Tháng 12/2007, trường mầm non Nam Thành (phường Nam Thành, TP Ninh Bình) đình chỉ cô giáo Lưu Thị Tuyết vì đã đe dọa và làm xước mặt học sinh.
Không “hành hạ” theo cách bình thường, tháng 4/2010, cô giáo dạy bé Lương Minh Hoàng (2 tuổi) tại trường mầm non Hoa Hồng, phường Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn đã hành bé bằng cách “vặt” chỗ kín của bé, khiến bộ phận sinh dục của bé bị sưng tấy, phải nhập viện điều trị. Bản thân cô giáo này “khó lý giải được hành vi của mình” (!?)
Chưa hết, cũng vào khoảng đầu năm 2010, một cô giáo tại trường THPT Marie Curie (Q3, TP.HCM) còn công khai bóp vào chỗ kín của một nam sinh khi cậu này nghịch ngợm, phạm lỗi trong giờ thể dục. Giải thích cho hành động của mình, cô giáo này bình thản cho biết: “Hình thức xử phạt nhằm cảnh cáo với bạn bè trong lớp” (?!)
Gần đây nhất, tháng 8/2010, cô giáo trường mẫu giáo Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tát vào mặt bé 3 tuổi, khiến trên mặt bé còn hằn rõ những vết ngón tay. Lý do của hành động này là “lớp đông quá, cháu nào cũng khóc, khiến cô mất bình tĩnh”.
Khó có thể kể hết trên mặt báo những câu chuyện cô bạo hành trò. Thống kê năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy: Trong một thời gian ngắn đã có khoảng gần 20 vụ bạo hành học sinh đã xảy ra liên tiếp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
10 địa phương xảy ra các vụ điển hình là Hà Nội có 5 vụ, TPHCM 3 vụ, Đồng Tháp 2 vụ, Thanh Hoá 2 vụ, Hải Phòng, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Trà Vinh, Kon Tum, Đắc Lắc mỗi nơi có 1 vụ. |
-
Ngọc Anh (Tổng hợp)