221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1312613
Hàng chục người nghèo bị hành hạ giữa rừng
0
Article
null
Hàng chục người nghèo bị hành hạ giữa rừng
,

 - Như những thước phim quay chậm cận cảnh đời sống của những người dân tộc Bhnoong nghèo vừa được giải thoát trở về. Họ đã kể cuộc sống lao động khổ sai giữa rừng xanh hơn nửa năm trời…

TIN LIÊN QUAN

 

Những lao động khổ sai

 

Cùng đoàn công tác của huyện Phước Sơn (Quảng Nam), chúng tôi vượt hơn 30 km đường rừng trở lại Phước Chánh và trở về vào sáng hôm nay (6/10). Phước Chánh là nơi hàng chục người dân nghèo bị lừa đi lao động khổ sai giữa rừng xanh vừa được giải thoát trở về. 

Họ đã có hơn 6 tháng bị chủ sử dụng lừa gạt không trả tiền công.

 

Câu chuyện thấm đẫm nước mắt của những lao động nghèo nơi vùng rừng núi này có tận mắt chứng kiến mới thấy hết nỗi đau. Trong căn nhà tạm nằm bên vách núi, chiếc bàn thờ nhỏ lạnh lẽo của anh Hồ Văn Chương, chị Hồ Thị Út (SN 1977) không còn nước mắt để khóc cho người chồng bị chết do lao động khổ sai khi bị sốt rét rừng đánh gục, không có thuốc thang cứu chữa. 

chinh_quyen_chia_buon.jpg
Lãnh đạo xã Phước Chánh đến chia buồn với mẹ con chị Út khi anh Chương bị chết do lao động khổ sai giữa rừng

 

“Hôm tháng 5, nghe theo lời ông Xuân (Bùi Văn Xuân-thôn 3 PV) bảo đi trồng rừng công việc nhẹ, lương cao. Ai ngờ, anh ấy bỏ mẹ con em ra đi sau gần 6 tháng biệt tăm…” - chị Út kể trong nước mắt.

 

Chị Hồ Thị Nghiệp (SN 1988) kể: “Phát rẫy vừa xong, ông Xuân bảo bọn em đi trồng keo ở Đăk Lây-Kom Tum. Nghĩ làm ở gần, ít bữa về, ai ngờ xe chở bọn em đi tới Đăk Nông. Công việc giữa rừng thẳm, 6h phải lội bộ, leo dốc hơn 1h đồng hồ mới đến chỗ làm, trưa 11h30 được nghỉ ăn cơm tại chỗ, 12h lại làm tiếp. Làm đã cực khổ, lại không có nước uống, bọn em phải tắm chung với nước trâu đầm. Không nổi, xin ông Lân cho về, nhưng ông ấy không cho, bảo khi nào trồng xong rẫy bắp rồi trả tiền cho về, khi cây bắp lên cao bằng đầu người, ông Lân vẫn không cho về...”.

 

Đau ốm cũng phải đi làm

 

“Tội nhất là anh Chương, từ hôm bị ốm (khoảng ngày 15/8), không đi làm được, nhưng ông Lân vẫn bắt anh Chương mang cơm cho người làm. Có hôm lên đến lưng dốc, anh Chương đi không nổi, ngã xuống đổ hết cơm. Nhiều lúc bọn em phải nhịn đói, không dám nói vì sợ ông Lân đánh anh Chương” chị Nghiệp kể..

anh_me_con_ba_Ut.jpg
Mẹ con chị Út bên bàn thờ anh Chương, người bị chết do lao động hà khắc giữa rừng

 

“Đời làm thuê nghèo khổ, tưởng có tiền để về lo gia đình, ai dè họ lừa bọn em, không trả lương, đi hai bàn tay trắng, về cũng trắng hai bàn tay, bây giờ chân em lại bị phù không đi lại được, khổ lắm..” - chị Nghiệp kể trong nước mắt.

 

Cùng cảnh ngộ như Hồ Thị Nghiệp, nhưng Hồ Văn Nghinh (SN 1996), ở thôn 1 lại có phần may mắn hơn, khi thấy lao động quá nặng nhọc, ăn uống lại kham khổ, anh bàn với 10 người khác tìm cách trốn thoát khỏi rừng, đi bộ gần một ngày trời mới ra đến đường quốc lộ đón xe về tới Thị trấn Khâm Đức và chờ người nhà đưa tiền từ Phước Chánh ra để trả tiền xe, hết 500.000 đồng/1 người.

 

Ông Hồ Văn Bôn - Trưởng thôn 3, xã Phước Chánh cho biết “Hôm đưa thi thể anh Chương về, thôn đứng ra vận động được một bao gạo và 600 nghìn đồng lo đám ma cho nó. Xong đám ma rồi chừ thôn cũng không biết sẽ giúp mẹ con nó cái gì để sống đây...”.

 

chi_nghiep.jpg
Chị Nghiệp cùng người mẹ già và con nhỏ bị lừa lao động khổ sai vừa được giải thoát trở về

Bí thư Đảng ủy xã Phước Chánh Phạm Hoàng Linh cho biết, do chủ quan và tin tưởng vào tình hình an ninh trật tự tại địa bàn, nên từ tháng 4, tại xã đã có khá đông người đi khỏi địa phương song chính quyền không hay biết.

 

Đến khi có 67 người trốn khỏi nơi lao động về nhà và có đơn trình báo, xã mới kiểm kê, rà soát lại toàn bộ thông tin và phát hiện toàn xã có 87 người nghe theo lời môi giới của 6 người gồm: Bùi Văn Xuân (thôn3), Hồ Văn Luyến (thôn 1), Hồ Văn Thủ, Vũ Thái Dương, Hồ Văn Xia (thôn 4) và Hồ Văn (thôn 5) đi lao động trồng keo tại Đăk Glong-Đăk Nông cho vợ chồng ông Lân và bà Lai  ở Quảng Ngãi.

 

Học sinh cũng bị lừa

 

Trong số 87 người dân của xã Phước Chánh bị lừa đi lao động tại Đăk Nông, có không ít các em học sinh của trường THCS Phước Chánh, trường THPT Khâm Đức nghỉ hè cũng bị lừa đưa đi lao động khổ sai trồng rừng cho vợ chồng ông Lân.

 

Ngay cả con của cán bộ xã Phước Chánh, như gia đình ông Hồ Văn Dua - Chủ tịch mặt trận xã Phước Chánh, có 3 người con đi lao động tại Đăk Nông, nhưng ông vẫn không biết. Đến khi có danh sách gọi con đi khám nghĩa vụ quân sự, ông Dua mới hoảng hốt không biết con mình đi đâu để tìm về.

me_con_chi_ut.jpg
Cuộc sống của những người phụ nữ nghèo bị lừa đi lao động không trả tiền công rồi đây sẽ sống như thế nào?

 

Ông Phạm Hoàng Linh - Bí thư Đảng ủy xã Phước Chánh trầm ngâm nói: “Với cương vị lãnh đạo cao nhất xã, tôi thành thật xin lỗi bà con nhân dân, qua đây, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành, sắp tới sẽ thường xuyên chỉ đạo, kiên quyết không để xảy ra một trường hợp nào tương tự”.

 

Theo thống kê sơ bộ, riêng xã Phước Chánh có 87 người, xã Phước Năng có 26 người, thị trấn Khâm Đức huyện Phước Sơn có 8 người (đa số đều là người dân tộc Bhnoong) bị lừa lao động tại xã Đăk Rmăng, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông và toàn bộ số người này đều không nhận được tiền lương theo thỏa thuận ban đầu.

 

Hiện chủ sử dụng lao động đã bỏ trốn, người lao động nghèo chỉ biết ngửa mặt kêu trời.

  • Vũ Trung - Tấn Sỹ
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,

Tin khác

,
,