Giải thoát hàng chục lao động bị bỏ rơi giữa rừng

Cập nhật lúc 13:35, 04/10/2010 (GMT+7)

- Sáng 4/10, Công an huyện Phước Sơn (Quảng Nam) cho biết đã giải thoát và đưa hơn 32 người dân tộc Bhnoong tại xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn bị lừa đưa đi lao động bị bỏ rơi giữa rừng xanh tại tỉnh Đắk Nông hơn 6 tháng nay…

Toàn bộ 32 người dân tộc đã bị chủ sử dụng lao động trồng rừng bỏ rơi giữa rừng xanh thuộc xã Đăk R’măng, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông. Ngay sau khi phát hiện, công an huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đưa họ về lại địa phương vào chiều hôm qua (3-10).

Anh Hồ Văn Chân (SN 1964), trú tại xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, người vừa được giải thoát trở về kể: “Vào tháng 4-2010, ông Hồ Văn Xia - Trưởng thôn, dẫn theo một người đàn ông tên Đỗ Ngọc Lân (SN 1966, trú tại Đăk Tô - Kon Tum) giới thiệu ông Lân có nhu cầu tuyển lao động đi trồng keo tại Đăk Nông, với mức lương thỏa thuận từ 1,8-2,1 triệu đồng/tháng/người và lo cơm ăn ngày ba bữa. Tin vào ông Xia và tin lời người đàn ông tên Lân, nên anh em trong làng nhận lời đi trồng rừng thuê”.

Những người dân tộc Bhnoong tại xã Phước Chánh bị lừa đưa đi lao động đã bị chủ bỏ rơi giữa rừng xanh tại tỉnh Đắk Nông - Ảnh: Tấn Sỹ


Chị Hồ Thị Bông (SN 1992, thôn 4 xã Phước Chánh) cho biết: “Không những không trả lương mà công việc họ giao cho chúng tôi làm rất nặng nhọc. Ăn ở kham khổ và không tiếp cận với bên ngoài hơn 6 tháng nay...".

Điều đáng quan tâm là hàng chục người dân tại xã Phước Chánh có hợp đồng đi trồng rừng đã mất liên lạc với gia đình hơn 6 tháng nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết. Khi người thân của số lao động này trình báo với chính quyền thì xã Phước Chánh mới họp thôn, họp xã, nắm tình hình và báo cáo lên huyện.

Huyện Phước Sơn đã thành lập tổ công tác đặc biệt, xác minh, nắm thông tin từ xã Phước Chánh.

Ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: Ngay sau khi nhận báo cáo của xã, huyện đã khẩn cấp thành lập đoàn công tác điều tra làm rõ số người lao động của xã Phước Chánh bị mất tích và giao cho Công an huyện Phước Sơn tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân số người mất tích này.

Trung úy Nguyễn Anh Chiến - Đội cảnh sát hình sự Công an huyện Phước Sơn cho biết: “Khi xác định hàng chục người dân được cho là mất tích đang làm việc tại một xã vùng sâu của huyện Đắk Nông. Khi chúng tôi đến nơi mới phát hiện không chỉ người dân của xã Phước Chánh (20 người) mà còn có dân thị trấn Khâm Đức (8 người), xã Phước Năng (5 người). Tất cả họ rất mừng khi thấy sự xuất hiện của lực lượng công an huyện”.

“Qua trao đổi với người dân, họ cho biết do làm việc giữa rừng, thiếu ăn, không được trả lương, nên tất cả đều kiệt sức và muốn sớm được về nhà” – anh Chiến cho biết.

Điều tra ban đầu của công an huyện Phước Sơn, sau khi triệu tập lấy lời khai của ông Đỗ Ngọc Lân (người đi “tuyển lao động”), ông cho biết cùng với vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Nga (SN 1965), (đều trú tại huyện Đăk Tô - Kon Tum) nhận hợp đồng tuyển dụng công nhân cho Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Đăk Lăk về phát triển vùng nguyên liệu.

Do không thông thạo địa hình nên họ nhờ ông Xia dẫn đường; theo cam kết, mỗi lao động được tuyển, ông và bà Nga “bồi dưỡng” cho ông Xia 100 nghìn đồng. Các lần sau thì tự ông tìm đến nhà lao động, mỗi lần tuyển từ 15-20 nhân công của xã Phước Chánh và việc này bắt đầu từ tháng 4-2010.

Trong số người lao động bị bỏ rơi giữa rừng xanh có ông Hồ Văn Chương bị sốt rét và đã tử vong hôm 1/10. Khi nhận được tin ông Chương chết, ông Đỗ Ngọc Lân đã bỏ trốn khỏi khu vực, gây khó khăn cho cơ quan điều tra.

Thượng tá Đào Quang - Trưởng Công an huyện Phước Sơn cho biết: Ngay sau khi tìm kiếm và đưa toàn bộ 32 người dân bị “mất tích” hơn 6 tháng nay về lại địa phương an toàn, công an huyện đang lấy lời khai của người bị hại, đồng thời truy tìm chủ sử dụng lao động để xử lý theo qui định của pháp luật.

  • Vũ Trung - Tấn Sỹ

Các tin khác