221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1310927
Những tình nguyện viên “quên ăn quên ngủ” cùng Đại lễ
1
Article
null
Những tình nguyện viên “quên ăn quên ngủ” cùng Đại lễ
,

- Thí sinh tham gia phải qua vòng sơ tuyển ngoại hình. Nếu đủ điều kiện ngoại hình (nam cao từ 1,67 m trở lên, nặng trên 58 kg, nữ cao 1,58 m nặng trên 45 kg, ưa nhìn, không có dị tật) sẽ lần lượt qua 3 vòng phỏng vấn kiểm tra trình độ ngoại ngữ, kiến thức du lịch và hiểu biết về Hà Nội...

“Tuyển tình nguyện như tuyển hoa hậu”

Cô bạn Ngọc Anh (ĐH Kinh tế Quốc dân) tham gia tuyển tình nguyện viên (phần hướng dẫn viên du lịch) cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã phải thốt lên như vậy. Hồ sơ của Ngọc Anh là một trong số rất nhiều hồ sơ ngậm ngùi bị loại từ vòng… sơ tuyển.

Tất cả thí sinh tham gia phải qua vòng sơ tuyển ngoại hình. Nếu đủ điều kiện ngoại hình (nam cao từ 1,67 m trở lên, nặng trên 58 kg, nữ cao 1,58 m nặng trên 45 kg, ưa nhìn, không có dị tật) sẽ lần lượt qua 3 vòng phỏng vấn kiểm tra trình độ ngoại ngữ, kiến thức du lịch và hiểu biết về Hà Nội.

Mỗi vòng thi gay cấn này sẽ được chấm điểm và cộng dồn lại để xét tuyển. Phần hướng dẫn viên du lịch, trong vài ngàn hồ sơ, chỉ trúng tuyển vẹn vẻn có 150 người. Ngọc Anh ngậm ngùi: “Nghe tin có tuyển tình nguyện viên trên website mình đã rất háo hức nộp hồ sơ, nhưng chiều cao của mình lại không đủ tiêu chuẩn”.

Mô tả ảnh.
Những tình nguyện viên cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Nguyễn Kiều Oanh (k29, HV Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ đầy tự hào: “Trong đợt tình nguyện này lớp mình có 2 bạn trúng tuyển. Mình cảm thấy bên cạnh việc đầy đủ các tiêu chí mà Ban tổ chức đưa ra thì cũng cần thêm một chút may mắn. Bởi vì trong số 8.120 hồ sơ thi tuyển tình nguyện viên cho dịp đại lễ 1.000 năm thì chỉ có 1.000 tình nguyện viên được chọn để phục vụ ở các lĩnh vực hướng dẫn viên du lịch, văn hóa nghệ thuật, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, y tế và giúp việc Ban tổ chức”.

Trần Thị Hồng Thắm (K48, ĐH Giao thông Vận tải) cũng háo hức: “Trước đó mình đã từng rất buồn vì không biết để thi tuyển trong đợt 1, nhưng ngay khi biết có đợt bổ sung mình đã đăng ký ngay. Đi dự tuyển làm tình nguyện cho Đại lễ 1.000 năm đúng là cơ hội cả nghìn năm chỉ có một”.

Trước đó, Thắm đã từng đi phỏng vấn làm thêm nên cũng không thấy “run” như nhiều bạn, nhưng khi vào phỏng vấn, cô bạn này đã “choáng vì bị quay như chong chóng” với những tình huống ứng xử hóc búa.

Cô bạn này đã thực sự bối rối trước việc phải giải quyết đến 5 tình huống liên quan đến rác thải đô thị. Bằng những kinh nghiệm thực tế vốn có, Thắm đã hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo để dành một “vé” vào đội tình nguyện này.

“Qua đợt tình nguyện sẽ có thêm nhiều bạn bè là điều mình mong muốn nhất và biết đâu lại tìm được... "một nửa" của mình. Nếu như vậy thì sẽ vô cùng ý nghĩa” – Hồng Thắm vui đùa.

“Quên ăn quên ngủ” cùng Đại lễ

Bất ngờ, tự hào và hồi hộp là cảm xúc chung của nhiều tình nguyện viên trong dịp Đại lễ. Trần Thị Ngát (K50, ĐH Giao thông Vận tải) không những tự hào khi góp được một chút công sức vào Đại lễ mà còn rất vui vì sau mỗi buổi tập Ngát đã kết thêm được nhiều bạn bè ở các trường khác nhau.

Cô bạn còn hào hứng: “Là sinh viên năm hai nhưng vì bận học nên em chưa có điều kiện được biết thêm nhiều bạn bè cùng quê. Không ngờ trong những ngày luyện tập em cũng gặp thêm được nhiều bạn là đồng hương với mình”.

Ngát tâm sự thêm: “Thời gian gấp rút và chưa quen việc nên có lúc em cũng rất mệt mỏi. Sau mỗi buổi tập, dù có những phút căng thẳng vì tập chưa đều, chưa đẹp thì cả hai bên đều tự thưởng cho nhau những tràng pháo tay ròn rã để tự khích lệ, động viên nhau”.

Việc phân bổ thời gian của cô bạn Lê Thị Minh (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) khá căng thẳng. Minh tham gia học cùng lúc hai trường là ĐH Ngoại ngữ và ĐH Kinh tế của ĐH Quốc gia Hà Nội nên quỹ thời gian rất eo hẹp, nên khi tham gia làm tình nguyện viên cho dịp Đại lễ Minh cũng rất đắn đo.

Mô tả ảnh.
Hà Nội rộn rã cờ hoa

Minh kể, có hôm em phải dậy từ sáng sớm tranh thủ vừa chạy vừa ăn bánh mì để cho kịp buổi tập. “Em tham gia vào đội diễu hành trên xe và cầm hoa vẫy chào, mặc dù có một động tác rất ngắn và tưởng như đơn giản nhưng phải tập đi tập lại rất nhiều lần”.

Để cho kịp thời gian vừa học vừa tham gia đợt tình nguyện đặc biệt này, Minh phải nhờ người yêu làm… “xe ôm tình nguyện” giữa trường học và điểm tập. Những hôm trùng lịch tập, Minh đã phải nhường một buổi học để dành cho công việc tình nguyện Đại lễ.

“Mình có thể xin nghỉ một buổi và bổ sung kiến thức sau đó, nhưng dịp lễ lớn của Thủ đô và cả nước này thì nghìn năm mới có một nên phải có sự ưu tiên hơn” - Minh nói.

Còn Hồng Thắm (K48, ĐH Giao thông Vận tải) chia sẻ: “Tham gia tình nguyện mình cũng tìm được cho bản thân nhiều niềm vui. Sau buổi tập bọn mình trao đổi số điện thoại, nick chat…Mọi người gặp nhau chưa lâu nhưng đã rất thân thiết” .

Ngày Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đang cận kề, đâu đó trên nhiều nẻo đường của Thủ đô, những màu áo xanh vẫn thấp thoáng miệt mài góp một chút sức bé nhỏ của mình cho ngày vui của đất nước. Dù mệt, nhưng trên những gương mặt ấy vẫn không thiếu những nụ cười đầy tự hào…

  • Ngọc Trang – Hồng Khanh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,