Ghê tởm những vụ giết người bằng thuốc độc
Đã có nhiều nạn nhân bị chết bởi thủ đoạn này chưa? Có cách gì ngăn chặn, hay còn gọi là "giải độc" được không? Chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu với hy vọng có thể giúp mọi người tránh được một phần hậu quả do thủ đoạn giết người bằng cách đầu độc gây ra.
Khó có thể thoát được cái chết
Thời gian vừa qua, nhiều vụ đầu độc xảy ra đã cướp đi sinh mạng của nạn nhân. Các đối tượng đã sử dụng nhiều chất độc nguy hiểm, trong đó gần đây nổi lên việc sử dụng chất độc xyanua. Đây là chất độc cực mạnh, các đối tượng lại sử dụng biện pháp tàn độc, ép uống thì nạn nhân không thể thoát được cái chết.
Trong vụ đối tượng Nguyễn Thị Chinh đầu độc con riêng của chồng là anh Nguyễn Văn Nhường, chị ta đã giao chất độc trên cho nhóm đối tượng do Nguyễn Duy Niêm cầm đầu để đầu độc. Bị rơi vào tay bọn côn đồ, anh Nhường đã không thể tránh được cái chết. Bởi lúc đó, anh thân cô thế cô trên xe taxi, dù vùng vẫy, kháng cự cũng vẫn bị bọn chúng ép uống nước có pha chất xyanua. Tên Trưởng và Niêm giữ tay, còn Cương bóp mồm anh Nhường, đổ chai nước có pha chất độc vào. Khoảng 30 giây sau thì anh Nhường mềm nhũn, nằm bất động… Sau đó chúng vứt anh Nhường xuống đường thuộc khu vực Dốc Diều ở xã Minh Phú (Sóc Sơn, Hà Nội)…
Đồng bọn của Nguyễn Thị Chinh trong vụ đầu độc anh Nhường |
Cách đây một thời gian, vụ giết hại chị Giàng Thị Dua và Lý A Sinh, quê ở xã Mường Nhà, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên bằng chất độc xyanua cũng đã gây xôn xao dư luận tỉnh Lai Châu. Thủ phạm gây án là Cứ A Toản, trú tại Than Uyên (Lai Châu). Toản là bạn hàng mua bán ma túy với Dua và Sinh. Sau khi lấy 3 bánh heroin trót lọt (1 bánh heroin của Toản; 2 bánh của Dua và Sinh), Toản chở hai người phụ nữ từ Mù Cang Chải về Than Uyên.
Khi đến xã Mường Kim, Toản đưa hai chị vào một quán ven đường, trong lúc các chị ngồi nghỉ thì Toản tìm đến nhà người quen xin một ít xyanna giấu vào trong túi áo. Có chất độc trong tay, Toản lượn qua một cửa hàng mua chai rượu vang, mua thêm mấy quả trứng gà luộc và quay lại đón "bạn hàng" đi tiếp. Khi đến bìa rừng thuộc xã Bản Bo, huyện Tam Đường, Toản đề xuất dừng lại nghỉ ăn trưa. Hai người phụ nữ chẳng nghi ngờ gì liền xuống xe.
Toản mang trứng gà ra để cả nhóm cùng ăn, sau đó, lợi dụng lúc các chị không để ý, Toản mở nắp chai rượu vang và đổ xyanna vào và tuyên bố lý do: "Nhóm mình cùng làm ăn đã lâu, hôm nay nhân buổi lấy hàng trót lọt uống để chúc mừng thành công". Toản rót rượu ra 3 cái ly, nhưng khi chiếc ly vừa rời khỏi miệng, do gặp chất cực độc nên chị Dua chết ngay lập tức. Thấy vậy, chị Sinh không dám uống nhưng bị Toản vít đầu ép uống khiến chị cũng tử vong ngay lập tức vì bị dính độc và gãy cổ.
Vẫn có thể phòng ngừa và cảnh giác
Ngoài những vụ đầu độc với thủ đoạn côn đồ và quyết liệt gây chết người kể trên, cũng có những vụ đầu độc mà người bị hại đã phát hiện và tránh được nhờ ý thức cảnh giác và phòng ngừa cao.
Đối tượng Cứ A Toản |
Đầu tháng 3/2010, vợ chồng anh Thạch Văn Ngọc, ở quận Thanh Xuân đã bị đối tượng Kim Văn Trường, 44 tuổi, ở phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột (Đống Đa) đầu độc nhưng không thành. Do mâu thuẫn việc nhà cửa nên Trường đã mời vợ chồng anh Ngọc đến quán cà phê ở phố Hòa Mã uống cà phê. Trước lúc đó, Trường đã nhờ một nhân viên của quán cho chất độc xyanua vào 2 cốc cà phê của anh Ngọc và chị Tâm.
Nhưng may sao, vừa uống một ngụm, anh Ngọc đã phát hiện cà phê có vị đắng và mùi lạ. Vì thế anh chỉ bị mệt và khó chịu trong người. Khi anh Ngọc lên xe ôtô nằm nghỉ, chính Trường đã lên theo, giả vờ bấm huyệt cho anh Ngọc nhưng là để bóp cổ nhằm giết hại anh bằng được. Lúc này, bộ mặt thật của kẻ sát nhân đã được lật tẩy…
Cuối tháng 7, đầu tháng 8/2009, gia đình anh Nguyễn Văn Hiệp, chị Nguyễn Thị Phượng, trú tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) bất ngờ phát hiện có chất lạ trong thức ăn, nước uống của gia đình. Chất lạ này đã làm cháu Nguyễn Phú An, 14 tuổi, con trai anh Hiệp bị nôn, tụt huyết áp, phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Anh Nguyễn Đức Ky, Nguyễn Đức Dũng, hàng xóm nhà anh Hiệp, có uống nước trà tại nhà anh Hiệp phát hiện nước trà có mùi lạ.
Khi họ về nhà thì bị mệt mỏi, chướng bụng, đi ngoài, buồn nôn. Từ những dấu hiệu bất thường này, gia đình anh Hiệp đã nghi có người đầu độc, hãm hại nhà mình nên đến một cơ sở chuyên cung cấp các thiết bị điện tử làm hợp đồng mua, lắp đặt camera tại khu vực bếp nhà mình để theo dõi.
Hơn chục ngày theo dõi qua camera, gia đình anh Hiệp đã phát hiện Nguyễn Thị Nghiêm, một người quen ở cùng xã có hành vi đổ chất độc vào bát canh khoai tây của gia đình anh Hiệp để ở trong bếp. Họ đã bắt quả tang hành vi của Nghiêm và đưa ra cơ quan Công an.
Tại cơ quan Công an, Nghiêm khai nhận mục đích đầu độc gia đình anh Hiệp bởi nợ chị Phượng số tiền gần chục triệu đồng do chơi lô đề. Bị chị Phượng thúc ép nhiều lần và dọa đến nhà đòi, Nghiêm đã mua thuốc chuột về, lẻn vào nhà chị Phượng, lén bỏ vào ấm pha trà, gói trà, lọ nước tương, chai nước mắm, lọ đựng bột nêm để đầu độc mọi người trong gia đình chị Phượng. Rất may, hành vi độc ác của chị ta đã bị gia đình anh Hiệp phát hiện kịp thời nên chưa có hậu quả xấu xảy ra.
Có thể nhận biết các chất độc?
Theo Thượng tá Vũ Quốc Tuấn, Phó Phòng Giám định Hóa pháp lý, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, có rất nhiều nhóm chất độc có thể gây chết người. Đó là nhóm cây có độc; khí độc; thuốc trừ sâu; nhóm thuốc diệt chuột; tân dược có tính độc; các động vật, thực vật bản thân chứa chất độc; một số hóa chất độc.
Trong mỗi nhóm này lại có rất nhiều loại, chẳng hạn, nhóm thuốc trừ sâu trên thế giới có khoảng 1 nghìn loại chất, còn ở Việt Nam cũng đã có khoảng 200 loại chất. Vì vậy công tác giám định chất độc để phục vụ cho công tác điều tra các vụ án đầu độc này cực kỳ khó khăn và phức tạp. Ở đây cũng cần phân biệt một số trường hợp bị ngộ độc thức ăn do thức ăn không đảm bảo chứ không phải có người đầu độc. Biểu hiện của người bị ngộ độc thức ăn thường là ỉa chảy, hơi sốt, đau bụng…
Anh Tuấn cũng cảnh báo hiện tượng ăn thịt động vật bị đầu độc, chẳng hạn trâu bò bị đầu độc chết bằng chất độc xyanua, nếu người ăn thịt những con vật chết vì bị đầu độc nói trên mà không đun sôi, nấu chín (chẳng hạn ăn tiết canh) thì cũng bị nhiễm độc do chất độc truyền qua máu.
Tang vật vụ án. |
Trước đây, trong các vụ đầu độc, các đối tượng thường sử dụng các kim loại mạnh như asen, thủy ngân, đây là các chất độc gây nên cái chết cho nạn nhân trong một thời gian. Còn hiện nay, chất độc chủ yếu mà các đối tượng sử dụng để đầu độc người khác là thuốc diệt chuột trộn vào thức ăn, nước trà… Thuốc diệt chuột thuộc nhóm flo hữu cơ thì gây chết nhanh, còn thuộc nhóm chống đông máu thì gây chảy máu trong người dẫn đến cái chết của nạn nhân trong một thời gian. Gần đây, xuất hiện một số vụ đầu độc bằng chất độc xyanua.
Đây là một chất cực độc, mà theo các nhà chuyên môn, nếu uống một lượng hóa chất loại này với khối lượng to bằng hạt đỗ tương thì chỉ cần đi được 3m đã gây chết người. Trước đây, loại hóa chất này bị cấm buôn bán nên ít xảy ra. Cách đây hàng chục năm, chỉ có một vụ duy nhất dùng chất xyanua đầu độc đàn gà giống tại một viện nghiên cứu. Trong vụ việc này, cơ quan Công an phát hiện được ngay thủ phạm, bởi chỉ có người của Viện mới được sử dụng loại hóa chất trên.
Thế nhưng, gần đây, loại hóa chất cực độc này lại được mua bán trôi nổi trên thị trường, nhất là ở những nơi có nghề đào đãi vàng vì nó có tác dụng cô vàng. Chính vì thế, các đối tượng có dụng tâm ác độc đã sử dụng luôn chất độc này để đầu độc người có mâu thuẫn với mình, hoặc nhằm đạt được một mục đích xấu xa khác.
Thượng tá Vũ Quốc Tuấn cũng cho biết, có một số loại chất độc có thể nhận biết được nếu chúng ta có ý thức cảnh giác cao. Thông thường, khi ăn, hay uống các loại chất độc này, chúng ta sẽ phát hiện ra màu hoặc mùi vị lạ. Chẳng hạn, chất độc asen và thủy ngân có mùi tỏi; chất độc xyanua thì khi nếm thường có vị tê ở lưỡi; các loại thuốc trừ sâu thì có mùi rất khó chịu, cảm giác không nuốt được…
Thượng tá Vũ Quốc Tuấn, Phó Trưởng phòng Giám định Hóa pháp lý, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an: Nếu phát hiện mình hoặc người xung quanh bị trúng độc, thì điều đầu tiên cần làm là bằng mọi cách để người bị trúng độc nôn ra ngoài, vì có thể lúc đó chất độc chưa kịp ngấm vào cơ thể, không tiếp tục nhiễm sâu và ảnh hưởng đến tính mạng của nạn nhân. |