'Thần y' chữa bệnh bằng cách “treo cổ” bệnh nhân!
Cập nhật lúc 16:29, Thứ Tư, 11/08/2010 (GMT+7)
Thời gian gần đây rất nhiều người bệnh ở các địa phương như Hải Phòng, Lai Châu, Sơn La thậm chí ở cả Cần Thơ, Long An tìm đến cơ sở khám chữa bệnh của ông Nguyễn Văn Thọ (thôn Hạ, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) để chữa bệnh. Điều đặc biệt, mặc dù không có bằng cấp chuyên môn nhưng ông Thọ vẫn ngang nhiên chữa bệnh cho nhiều người với phương pháp chữa trị duy nhất là dẫm, đạp, treo cổ người bệnh???
Khám là ra bệnh?!
Khám là ra bệnh?!
Ông Thọ xem phim bắt bệnh |
Đang lớ ngớ đứng trước cổng ngôi nhà, chúng tôi đã bị hai thanh niên vạm vỡ chặn lại và gằn giọng, “đến đây làm gì, gặp ai?”. Khi khi chúng tôi nói rõ ý định, một trong hai thanh niên này hỏi đã được thầy Thọ khám chưa đồng thời hướng dẫn, muốn được chữa bệnh phải qua nhà thầy khám (ông Thọ ở ngôi nhà khác - PV) bắt bệnh xem như thế nào rồi mới được xuống chữa bệnh.
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, nhà thầy Thọ có 3 cơ sở (mỗi cơ sở cách nhau khoảng 200m), vừa là nơi khám bệnh, điều trị bệnh đồng thời kiêm luôn việc cho thuê phòng trọ đối với những bệnh nhân phải nằm điều trị dài ngày (hầu hết các bệnh nhân đã được thầy khám phải nằm lại điều trị ít nhất một tháng mới mong bệnh thuyên giảm?!). Biết thầy khi khám bệnh phải có phim chụp X- quang nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn phim chụp cột sống của một người khỏe mạnh để nhờ thầy khám.
Cầm tấm phim trên tay thầy lướt mắt qua và chốt lại với giọng thảng thốt: “Em bị gai cột sống bẩm sinh, gai to như cái xẻng, muốn nhanh khỏi bệnh chỉ có cách là mài mòn đầu gai”. Đồng thời thầy Thọ mô tả cách thức chữa bệnh: “Trước tiên tôi sẽ cho cậu uống vài thang thuốc cho mềm chỗ gai đó ra. Sau đó lấy cơm nóng và lá cúc tần đắp lên chỗ gai rồi cho người dậm lên đó đến lúc nào gai xương mòn thì thôi!?”
Thiết bị treo cổ tự chế của ông Thọ |
Tỏ ra ngạc nhiên với phương pháp chữa bệnh của thầy và tôi vờ hỏi thầy có nên đi mổ không. Vừa nghe đến mổ, thầy Thọ quả quyết nếu mổ chỗ đó lên chạc ba ngay lập tức(?), chỉ dùng cách mài mòn đầu gai thôi, không nên mổ. Tiếp đó, thầy không quên nhấn mạnh, “bệnh của em điều trị sớm ngày nào tốt ngày đó, để lâu bệnh sẽ chạy xuống chân, không đi được và sẽ bị liệt nằm một chỗ đấy!?. Nếu điều trị luôn, sẽ phải ở lại liên tục trong hơn 1 tháng bệnh mới đỡ”.
Không chỉ kì lạ ở phương pháp chữa bệnh mà thầy Thọ còn cho biết cơ sở khám bệnh ở đây chỉ nhận điều trị cho các đối tượng ở độ tuổi ngoài 30 đến 50 tuổi vì những người thanh niên, người trung tuổi mới có thể chịu đựng được những cú dẫm, đạp, treo cổ do hai người con trai ông thực hiện trên người bệnh. Còn các cụ già thì ông xin kiếu vì sợ các cụ đột tử do bất ngờ tăng huyết áp, hoặc tai biến trong lúc thực hiện các thao tác chữa bệnh có một không hai này .
Hết đấm, đạp đến... treo cổ!
Sau khi được thầy Thọ khám, bắt bệnh xong chúng tôi tiếp tục cầm tấm phim chụp X - quang, tấm phiếu thông hành qua cửa có 2 thanh niên canh gác để vào nơi chữa bệnh. Được biết, do mới bị tai biến mạch máu não nên khâu chữa bệnh này thầy Thọ giao cho hai người con trai trực tiếp đảm nhiệm.
Đến nơi, một cảnh tượng hỗn độn chưa từng có đập vào mắt chúng tôi đó là hàng chục người gồm nam, nữ; kẻ ngồi, người nằm la liệt trên sân mặc cho hai thanh niên cao to vạm vỡ (con trai thầy Thọ) nhẩy đạp trên lưng. Chốc chốc, một trong hai thanh niên này dừng lại ở một bệnh nhân bóp và bẻ cổ. Những âm thanh uỳnh uỵch từ những nắm đấm chắc nịch của hai người thanh niên giáng xuống người bệnh đang nằm bẹp phía dưới sân trong khi người bệnh chỉ còn biết nằm kêu rên rỉ.
Thầy Thọ sử dụng một thanh sắt hộp vuông uốn cong, phần đầu thanh sắt được gắn một bánh xe để dẫn động dây. Mỗi bệnh nhân vào được một người giúp việc nhà thầy Thọ thòng dây qua cổ, hai chân của người bệnh đặt qua một tấm ván nằm ngang có tác dụng kéo căng dây và làm đối trọng với phần cổ. Lực kéo đốt cổ không được tính toán mà phụ thuộc hoàn toàn vào phần lực từ hai chân người bệnh dồn xuống.
Người bệnh sẽ được điều trị đau đốt sống cổ ở thế treo cổ trong khoảng 45 phút. Trước khuôn mặt một bệnh nhân đang điều trị có phần tím tái do bị dây siết lại, tôi cố hỏi xem có đau không nhưng người bệnh trả lời khá khó khăn và không rõ tiếng. Theo quan sát, nguy cơ tử vong do thiết bị kéo cổ của thầy Thọ là rất lớn bởi không tính được trọng lực kéo từ phía dưới tác động lên phần cổ người bệnh.
Ngoài ra, để được điều trị, mỗi bệnh nhân phải trả cho thầy Thọ 100.000 đồng tiền công khám, 15.000 đồng tiền thuốc. Đối với những bệnh nhân ở trọ và ăn uống tại nhà thầy phải trả thêm 80.000 đồng. Như vậy tính sơ sơ người bệnh phải bỏ ra gần 200.000 đồng cho một ngày điều trị bằng phương pháp dẫm, đạp và treo cổ từ cơ sở khám chữa bệnh của ông Thọ.
(Theo Đời sống & Pháp luật)
,