TIN LIÊN QUAN |
---|
Gõ vào Google từ khóa “bán tinh trùng” sẽ có 18 triệu kết quả, nếu gõ “mua bán tinh trùng” sẽ có trên 12.000 kết quả. Tinh trùng thật sự là mặt hàng đắt giá trên thế giới mạng.
Nguy cơ hôn nhân đồng huyết
Trên trang web raovat123... có đăng dòng giới thiệu ngoại hình, sức khỏe và… lý do bán tinh trùng của một sinh viên ĐH 23 tuổi ở Hà Nội. Để kín đáo và lịch sự, chàng sinh viên yêu cầu người mua liên hệ qua email. Nếu hai bên thống nhất giá cả thì gặp trực tiếp để thực hiện “hợp đồng”. Hiện đã có hơn 100 khách hàng vào xem lời rao bán “giống” của chàng sinh viên này.
Một sinh viên ĐH năm cuối ở TP.HCM đăng trên trang web raothue... Sinh viên này 23 tuổi, cao 1,70 m, nặng 77 kg, không nghiện thuốc lá, cũng chẳng nghiện bia. Không ngại ngùng, giấu giếm, chàng sinh viên này cho hẳn số điện thoại (09766…) để khách hàng tiện liên lạc. Những thông tin này quá tích cực nhưng khó có thể kiểm chứng.
Nhân viên y tế BV Hùng Vương xét nghiệm tinh trùng của người hiến trước khi sử dụng cho người nhận. Ảnh: TRẦN NGỌC
Với sự rao bán công khai, đông người vào xem thông tin như thế, không ai dám chắc người rao chỉ bán một lần hay là dễ dãi bán nhiều lần cho nhiều khách hàng khác nhau.
Theo BS Lý Thái Lộc, Phó Trưởng khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương, hiện nay các BV có khoa hiếm muộn hoạt động độc lập nên không loại trừ trường hợp người hiến tinh trùng (hoặc bán) cho nhiều BV hoặc nhiều người khác nhau. Do không kiểm soát được nguồn gốc, lai lịch người cho tinh trùng, những đứa trẻ thụ tinh nhân tạo cùng cha có thể vô tình lấy nhau. Về sinh học, những sự thụ thai giữa các đồng huyết sẽ sinh ra những đứa trẻ không phát triển bình thường.
Hệ lụy pháp luật
Về khía cạnh pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Miếng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo Luật Hôn nhân và Gia đình, cá nhân có quyền yêu cầu việc công nhận cha, con dù người mẹ không đồng ý hoặc công nhận cha, mẹ dù người nuôi dưỡng không đồng ý. Như vậy, nếu người cho và người nhận tinh trùng biết nhau (nhất là trong quan hệ mua-bán, không phải người thân thích) thì nguy cơ “bội tín” từ người bán vẫn có thể xảy ra. Nghị định số 12/2003/NĐ-CP quy định con sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo không được quyền thừa kế, không được yêu cầu nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng. Nhưng nếu người bán tinh trùng “bội tín” mà lên tiếng đòi con với mục đích phá hoại hạnh phúc, tống tiền người mua thì sao? Những rắc rối này sẽ rất khó giải quyết.
BS Lý Thái Lộc cho biết: "Để hạn chế thấp nhất khả năng một người hiến (hoặc bán) tinh trùng hai lần trở lên, các BV có chuyên khoa hiếm muộn cần liên kết và cùng giám sát thông tin qua hệ thống mạng. Thông tin cá nhân của người hiến tinh trùng phải được chuyển đến các BV khác".
Biết sai nhưng vẫn… hứa!
Việc cho, nhận tinh trùng thụ tinh nhân tạo chỉ được thực hiện ở một số bệnh viện (BV) chuyên ngành, phải tuân thủ quy định, về thủ tục và thiết bị kỹ thuật nhằm đảm bảo đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, không để lây lan các bệnh truyền nhiễm. Tiến sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc BV Từ Dũ (TP.HCM), cho rằng các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện để thực hiện việc lọc rửa tinh trùng của người hiến nên không loại trừ nơi đây sẽ sử dụng tinh trùng thô (không qua lọc rửa) để bơm vào tử cung người phụ nữ.
“Chẳng ai đảm bảo tinh trùng thô không chứa vi khuẩn gây bệnh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến người phụ nữ nhận tinh trùng và sự phát triển của thai nhi” - Tiến sĩ Thủy nhận định.
Thế nhưng do các cặp vợ chồng vô sinh đều tha thiết muốn có con nhanh chóng, dễ dãi. Nắm bắt nguyện vọng này, nhiều phòng khám tư đã bất chấp các quy định, thực hiện bơm tinh trùng ngay tại phòng khám.
BS Hằng đang trao đổi với “cò” tại phòng khám. Ảnh: TRẦN NGỌC
Chúng tôi được người môi giới hướng dẫn đến phòng khám BS Trương Thị Hằng (75 Phạm Viết Chánh, quận 1, TP.HCM) có thực hiện dịch vụ bơm tinh trùng chui.
BS Hằng yêu cầu cho xem giấy khám bệnh chứng minh bị vô sinh và giấy đăng ký kết hôn phòng trường hợp đẻ mướn. Mới nghe tưởng cũng nghiêm nhặt nhưng bà nói nhỏ: “Nếu không có giấy khám bệnh thì bác sẽ hướng dẫn vợ chồng cháu khám lại. Nếu cháu thực sự không có tinh trùng thì bác sẽ giúp”.
Tôi hẹn sẽ mang đầy đủ giấy tờ đến và hỏi thêm: “Nếu cháu mua tinh trùng người khác để bơm vào tử cung vợ cháu thì bác có giúp không?”. Chẳng những gật đầu, BS Hằng còn nói sẽ thực hiện việc bơm tinh trùng… ngay tại phòng khám của bà. Bà khuyên nên tìm người bán tinh trùng ở gần phòng khám để việc lấy tinh trùng thuận lợi hơn. Bà dặn phải giữ kín chuyện, nếu bị bể sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn. “Đến đây thì biết đây! Khi nào bác thua (thực hiện bơm tinh trùng không hiệu quả - PV) thì hãy tìm nơi khác” - BS Hằng trấn an.
BS Hằng bảo chuẩn bị khoảng 5 triệu đồng chi phí bơm tinh trùng.
Làm chui… không phạt được
Phóng viên đã cung cấp thông tin về hoạt động của phòng khám BS Hằng với Thanh tra Sở Y tế TP.HCM. Sáng 17-8, Thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra hoạt động phòng khám của BS Trương Thị Hằng.
Thanh tra ghi nhận có một bệnh nhân nam tên T. (28 tuổi, ở TP.HCM) đang được BS Hằng tư vấn việc thụ tinh cho vợ bằng cách bơm tinh trùng của người khác. Anh T. khẳng định BS Hằng nhận thực hiện việc bơm tinh trùng ngay tại phòng khám với giá 5 triệu đồng. Tuy nhiên, BS Hằng cho rằng “chỉ tư vấn chứ chưa thực hiện việc thụ tinh tại cơ sở”.
BS Phạm Hữu Quốc, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết do phòng khám không cập nhật sổ sách đầy đủ nên chưa thể xác định BS Hằng có thực hiện bơm tinh trùng tại phòng khám hay không. Trước mắt, Thanh tra Sở yêu cầu BS Hằng phải cam kết không thực hiện việc bơm tinh trùng tại phòng khám. Có hai phương pháp thụ tinh nhân tạo là thụ tinh trong ống nghiệm và bơm tinh trùng vào tử cung. Trước khi bơm, tinh trùng phải qua lọc rửa. Ngành y tế cấm bơm trực tiếp tinh trùng của người hiến vào tử cung để tránh những liên lụy pháp lý về sau và đề phòng tinh trùng có chứa vi khuẩn lây bệnh, gây ảnh hưởng xấu đến người nhận và thai nhi. Theo quy định, người hiến tinh trùng phải đến BV để lấy mẫu tinh trùng và xét nghiệm các loại bệnh, trong đó có HIV. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy người hiến tinh trùng hoàn toàn khỏe mạnh, tinh trùng đạt yêu cầu thì mẫu tinh trùng vừa lấy sẽ được trữ đông. Sáu tháng sau, người hiến tinh trùng phải đến BV để xét nghiệm HIV lần hai. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì mẫu tinh trùng lấy trước đó mới được xem là an toàn, có thể sử dụng. Nguyên tắc việc thụ tinh nhân tạo là người hiến và người nhận tinh trùng không được biết nhau. Vì vậy, BV sẽ lấy bất kỳ mẫu tinh trùng nào đã được trữ đông để bơm cho người nhận. Hiện nay, do lượng tinh trùng hiến quá ít nên BV Hùng Vương quy định người cần thụ tinh nhân tạo phải tìm được một người hiến tinh trùng. Người xin không được nhận tinh trùng từ người cho mà phải hoán đổi để nhận một mẫu tinh trùng sẵn có từ ngân hàng tinh trùng. (BS Lý Thái Lộc, Phó Trưởng khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương)
Theo Thông tư 07/2007 của Bộ Y tế, phòng khám phụ sản - kế hoạch hóa gia đình không được thụ tinh nhân tạo (tức bơm tinh trùng). Nghị định 12/2003 của Chính phủ cũng nói rõ chỉ các cơ sở y tế được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế công nhận đủ điều kiện mới được thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng.
(Theo PL TP.HCM)