- Diễn biến của dịch sốt xuất huyết trong thời gian gần đây trở nên rất phức tạp, số ca bệnh tăng chóng mặt, nhiều ca nặng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2, bệnh nhi sốt xuất huyết phải nằm ghép từ 3 đến 4 bé một giường vẫn không đủ chỗ, nhiều bé phải mua chiếu nằm trên sàn đất ngoài hành lang.
Trong vài ngày qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phải tích cực cấp cứu cho 2 trường hợp sốt xuất huyết gây biến chứng "thập tử nhất sinh".
Trường hợp đầu tiên là một bé trai 5 tuổi, quê quán Bến Tre bị nôn ra máu tươi, suy hô hấp do sốt xuất huyết độ 4. Tiếp đến là một bé trai 6 tuổi, cũng ngụ tại Bến Tre bị sốc sốt xuất huyết độ 3, có biểu hiện biến chứng lên hệ thần kinh trung ương (sốt xuất huyết dạng não).
Ngày 4/8, trong buổi họp giao ban các quận, huyện tại Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP. cho biết mưa kéo dài đã làm số ca bệnh sốt xuất huyết trong tháng 7 tăng mạnh (tăng gấp 2 lần tháng 6 từ 319 ca lên 623 ca).
Một ca sốt xuất huyết nặng. Ảnh: Thanh Huyền |
Những quận, huyện được coi là điểm nóng của sốt xuất huyết là quận 1, 2, 3, 4, 6, 7, 10, Tân Bình, Bình Thạnh, Hóc Môn, 12 và Tân Phú.
Song song với sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng trong 7 tháng đầu năm đã tăng 14% so với cùng kỳ năm 2009.
Địa bàn quận 8, Bình Tân, Bình Chánh và Củ Chi được là nơi có nhiều trẻ em bị mắc tay chân miệng nhất TP.
Bác sĩ Thọ đã khẩn trương chỉ đạo ngành y tế quận, huyện cần ráo riết hơn trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tránh để dịch bùng phát.
Ngoài ra, bác sĩ Thọ còn yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ những ổ dịch sốt phát ban và tay chân miệng.
Vào tháng 11, tất cả những trẻ em nằm trong độ tuổi từ 1 đến 6, không cần biết đã từng được tiêm chủng hay chưa đều phải được tiêm vắc xin sởi.
Địa điểm tiêm phòng sởi sẽ được triển khai tại trường học và các trạm y tế phường, xã.
-
Thanh Huyền