- Trong lần thương lượng lần cuối với Hội nông dân TP.HCM, "tội đồ" Vedan vẫn “cò kè” mức bồi thường 32 tỷ mà nông dân huyện Cần Giờ đưa ra và xin được thêm cơ hội “trao đổi”.
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Nếu bàn ngang, xin dừng cuộc họp..."
Ngày 20/7, Luật sư (LS) Trần Văn Khanh, đại diện pháp lý của Công ty Vedan cho rằng tính toán mức thiệt hại mà nông dân Cần Giờ đưa ra là không thực tế vì ngay các đơn thư của nông dân cũng chỉ có giấy thuê mướn đất, làm đầm nuôi tôm….
LS Khanh vừa dứt lời, các đại biểu trong hội trường phản ứng gay gắt. LS Nguyễn Văn Hậu, đại diện nông dân Cần Giờ nói thẳng: “Nếu cứ bàn ngang, phân trần như những lần trước, chúng tôi xin dừng cuộc họp tại đây. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì việc bồi thường ô nhiễm môi trường ở các nước trên thế giới rất đàng hoàng nhưng Vedan thì…”.
Trước sự kiên quyết của đại diện nông dân Cần Giờ, phía Vedan giải thích: Kiện ra toà sẽ mất nhiều thời gian vào công sức của cả hai bên. Vì vậy Vedan hy vọng có thể thương lượng mức hỗ trợ. Theo đó, thay vì chỉ đề nghị hỗ trợ 7 tỷ đồng, Vedan đã tính toán lại phạm vi ảnh hưởng, mức độ thiệt hại của nông dân và tăng mức bồi thường lên 17,9 tỷ đồng.
Dù huyện Cần Giờ đã hạ mức bồi thường từ 45 tỷ xuống 32 tỷ, Vedan vẫn "cò kè" xin thương lượng... Ảnh: Thái Phương |
Cò kè
Theo đánh giá của Viện Môi trường và Tài nguyên, mức thiệt hại kinh tế của người dân Cần Giờ do Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải là 45,748 tỷ đồng.
Đến lần hòa giải này, con số mà UBND huyện Cần Giờ đưa ra là 32 tỷ đồng. “Đây là con số cuối cùng không thể nhân nhượng được nữa” - ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ khẳng định.
Theo Viện Môi trường và Tài nguyên, nếu làm căng Vedan phải bồi thường cả về môi trường, sinh thái, sức khoẻ cho người dân. Khoản tiền 32 tỷ đồng mà UBND huyện Cần Giờ đưa là con số rất nhỏ so với thiệt hại mà người dân của địa phương này phải gánh chịu. Cụ thể, ngay khi Vedan bị phát hiện xả nước thải ô nhiễm giết sông Thị Vải, công ty này đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải với kinh phí 31 triệu USD (gần 590 tỷ đồng). Nếu hệ thống xử lý nước thải này hoạt động suốt 14 năm qua thì kinh phí vận hành cũng là con số khổng lồ so với mức bồi thường cho nông dân Cần Giờ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho rằng mức bồi thường tấn cá/km2 của Vedan là quá thấp. Với mức 14,7 tấn thuỷ sản/km2 nghĩa là trung bình mỗi tháng một nông dân Cần Giờ chỉ đánh bắt được… 2kg thuỷ sản. Trong khi đó, theo tính toán của huyện Cần Giờ là 77,72 tấn thuỷ sản/km2.
“Con số 14,7 tấn cá tôm/km2 dựa vào sản lượng thuỷ sản trung bình của... sông Hồng và sông Mêkông rồi nhân gấp 3 lần mới ra con số trên(!?)” - đại diện Vedan đáp lời.
Dù mọi thắc mắc của Vedan đều được phía Hội nông dân, UBND huyện Cần Giờ và Viện Môi trường Tài nguyên giải đáp nhưng con số bồi thường 32 tỷ đồng lại không được chốt hạ.
“Chúng tôi sẽ cho Vedan cơ hội cuối cùng sau 2 ngày nữa. Nếu không thống nhất được con số cuối cùng sẽ gặp nhau tại toà án để giải quyết” - ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội nông dân TP khẳng định.
-
Thái Phương