221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1290829
Nỗi lòng day dứt của đôi vợ chồng rủ nhau cai nghiện
0
Article
null
Nỗi lòng day dứt của đôi vợ chồng rủ nhau cai nghiện
,

- “Chị chỉ mong sao nhanh đến ngày anh Hua hết thời gian cai nghiện được trở về để có thể chăm sóc các con, chị còn hai năm nữa ở lại trung tâm… Ngày nào chị cũng khóc vì thương nhớ con và hối hận vì mình không tốt khiến các con khổ…”.

Vừa tâm sự với chúng tôi, nước mắt vừa lã chã rơi trên khuôn mặt người phụ nữ mới vừa ngoài 30 đang ngày đêm cố gắng dứt bỏ ma túy để sớm được về với gia đình.

Day dứt nỗi lòng người mẹ

Gặp được chúng tôi, như có người để cởi tấm lòng, biết bao nhớ nhung, đau đớn, sự hối hận hiện rõ trong từng lời nói, cử chỉ, đặc biệt là ánh mắt đượm buồn của chị Mùa Thị Nếnh, học viên Trung tâm Giáo dục Lao động huyện Mộc Châu (Sơn La). Ngồi tâm sự mà những giọt nước mắt chị cứ lăn dài trên hai gò má.

Dù đã vào đây hơn 3 tháng, nhưng ngày nào cũng như ngày nào, cứ trước lúc đi ngủ, trước lúc ăn cơm, nghĩ thương con là chị lại khóc. Sự động viên vỗ về của các nhân viên trong trung tâm và các chị em cùng phòng cũng không làm vơi được nỗi buồn và sự ân hận của người mẹ.

“Đến bữa ăn, cầm bát lên là chị lại nghĩ: bây giờ chị có cơm để ăn thế này nhưng không biết ở nhà các con có cơm mà ăn không? Chị hối hận vô cùng, giá như…” - nói đến đây giọng chị như nghẹn lại, nước mắt cứ trực trào ra.

Mô tả ảnh.
Chị Mùa Thị Nếnh đang cố gắng cai nghiện để trở về với các con.

Mùa Thị Nếnh và Giàng A Hua lấy nhau khi anh mới 15, chị 14. Dù sống trong cảnh túng thiếu nhưng cuộc sống hai anh chị vẫn đầm ấm hạnh phúc cùng các con nhỏ. Hai vợ chồng vốn chăm chỉ làm lụng, dù nghèo nhưng anh chị vẫn lo đủ 3 bữa ăn. Tai họa chỉ ập đến khi chị bị chứng bệnh đau thần kinh hành hạ và nằm nhà suốt 2 năm trời không thể làm được gì.

Nhà nghèo không có tiền chạy chữa lại không được đi học, thiếu hiểu biết nên khi có người mách “hít heroin” có thể chữa khỏi bệnh thì chị cũng…làm liều.

Sau mỗi lần sử dụng ma túy, chị đều thấy dứt cơn đau và thấy trong người khỏe hẳn ra nên cứ tiếp tục sử dụng. Dần dà, chị nghiện lúc nào không biết. Cũng may thời gian đó chị mới chỉ nghiện nhẹ nên với sự giúp đỡ của gia đình, chị tự cai nghiện được ở nhà.

Chưa kịp vui mừng bao lâu chị lại phát hiện chồng mình cũng dính vào ma túy từ lúc nào. Quãng thời gian sau đó là thời gian khủng khiếp nhất với gia đình anh chị. Anh không đánh đập vợ con nhưng bao nhiêu tiền kiếm được “đốt” cả vào ma túy.

Không còn tiền lo cho 3 bữa cơm, hàng ngày chị phải cùng con vào rừng kiếm được thứ gì ăn thứ đó, bữa củ ráy, bữa rau rừng, cứ thế chị và các con sống trong tủi cực một năm ròng.

Anh tự cai nghiện ở nhà hai lần nhưng lại tái nghiện. Sau một đợt truy quét của Ban chỉ đạo phòng chống ma túy huyện, anh được đưa vào trung tâm cai nghiện. Bỏ lại mình chị với 3 đứa con nhỏ ngày ngày rau cháo nuôi nhau.

Thời gian này, căn bệnh cũ lại tái phát, phải có sức khỏe để làm việc kiếm tiền lo cho các con, chị lại đành lòng sử dụng ma túy để “chữa bệnh”. Nhưng lần này, do đã từng sử dụng ma túy, chị nghiện quá nặng và không thể tự cai. Vậy là không những không lo được ba bữa cơm cho con mà có bao nhiêu đồ đạc có giá trị trong nhà chị đem đi bán hết để có tiền “hít”.

Không chịu nổi cảnh này, anh chồng của chị vốn là trưởng bản Co Sung, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu quyết đưa chị vào trung tâm cai nghiện.

Chị tâm sự: “Chị hối hận vì không làm chủ được bản thân, không dứt được ma túy để nuôi con mà lại bị tái nghiện để giờ đây phải để con bơ vơ ở nhà, thiếu ăn từng bữa. Ông bà già rồi không đi làm được, không biết có lo đủ cơm nuôi cháu…”.

“Lúc tỉnh táo thì thương con lắm, cứ dặn mình không được hít nữa, phải dứt khỏi ma túy để lo cho con. Nhưng đến lúc thiếu thuốc lên cơn thì không biết đến cái gì khác hết…”. Nói đến đây, sự ân hận trào lên khiến cặp mắt chị lại ngấn lệ…

Mong sớm đến ngày trở về

Từ ngày cả hai anh chị vào trung tâm cai nghiện, căn nhà sàn rộng chưa đầy 15m2 bỏ trống. 3 đứa con đành nhờ ông bà chăm nom. Nhưng ông bà già yếu, không còn làm được nhiều, không đủ tiền nuôi cháu nên đứa đầu mới 10 tuổi đành cho đi ở thuê để có bữa ăn. Đứa thứ hai ở cùng ông bà, còn đứa út ở nhờ nhà bác.

Mô tả ảnh.
Anh Hua tâm sự: “Con họ có ăn, có mặc, con mình không có, tại mình mà ra cả, nghĩ mà thương chúng nó”.

Các con và ông bà vẫn thường xuyên vào thăm anh chị, cô con gái đầu rất thương bố mẹ, cứ 2 tuần một lần, cô bé tranh thủ xin nhà chủ cho nghỉ một buổi thứ 7, dậy từ sáng sớm, một mình đi bộ về nhà bà để cùng đi thăm bố mẹ.

Nhờ chính sách hỗ trợ hộ nghèo của chính quyền, cô con gái út của anh chị được đi học lớp 1. Biết viết, nó mang sách vào tận trung tâm khoe mẹ, nhìn thấy những nét chữ đầu tiên của con, chị Nếnh lại không cầm nổi nước mắt.

Còn anh Hua tâm sự: “Con họ có ăn, có mặc, con mình không có, tại mình mà ra cả, nghĩ mà thương chúng nó”.

Vào trung tâm từ đầu tháng 4/2009, giờ chỉ còn một tháng nữa anh Hua sẽ hoàn thành đợt cai nghiện và được trở về. Ở trung tâm, Hua trông ngóng từng ngày được về chăm sóc, bù đắp cho con.

“Còn một tháng nữa nhưng cảm tưởng như lâu lắm. Trông ngóng từng ngày. Hôm nào cũng đếm lịch xem sắp đến ngày được ra chưa ” - anh Hua nói.

“Lần này được ra chắc chắn không bao giờ dính lại vào ma túy. Nghiện khổ như thế nào đều trải qua hết rồi nên có cơ hội làm lại cuộc đời thì sẽ không bao giờ tái nghiện”.

Trong giọng nói và ánh mắt của anh Hua chứa đựng sự quyết tâm, tôi nhận thấy điều đó và tôi tin lòng thương con sẽ cho anh sức mạnh để chứng minh điều anh đã khẳng định.

  • Cao Thùy Thơm

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,