– Họ ăn dầm nằm dề ngoài đường và luôn tự nhủ “nhất trời nhì vợ”. Với họ, sợ nhất là đụng phải kim tiêm chích ma tuý ...
TIN LIÊN QUAN
Mỗi khi trời Sài Gòn sấm chớp rầm vang, mưa rơi lộp độp, lại thấy những người đàn ông mặc áo xanh hoặc áo mưa màu vàng chạy ngang dọc trên các con đường thường hay ngập nước…
Họ là những công nhân chạy đua với trời mưa để ngăn không cho phố biến thành sông hay còn gọi “lính trực mưa” của Công ty Thoát nước Đô thị TP.HCM.
Ám ảnh rác, kim tiêm
Sài Gòn vào mùa mưa, ngày nào cũng vậy, khoảng từ 16h trở đi, hàng chục lính trực mưa phải cắm chốt ở những tuyến đường ngập nặng của TP. Các anh như “phát ngôn viên” của ông trời.
Dù trời nắng, trời có dấu hiệu đổ mưa, mưa dữ dội, mưa lác đác hay tạnh mưa … các anh đều phải dùng bộ đàm thông báo về tổng đài để công ty nắm tình hình. Song công việc quan trọng nhất của lính trực mưa không phải là “ôm” bộ đàm mà là “ôm”… miệng cống.
Tôi gặp hai lính trực mưa tên Đức và Dũng trong một trận mưa lớn trên đường Phan Đình Giót, quận Tân Bình. Lúc đó, mưa đã được 30 phút, đường đã ngập đến đầu gối, bao ni lông và đủ thứ rác rến do người dân vứt ra đường theo con nước ùa đến bịt kín các miệng cống.
Một người lính canh mưa đang hối hả móc rác ở miệng cống để nước thoát nhanh. |
Hai chàng lính thi nhau “ôm” miệng cống để móc rác. Nhưng móc ở miệng cống này thì miệng cống kia lại bị rác tấn công. Nhìn cảnh các anh xoay như chong chóng quanh các miệng cống dưới cơn mưa tầm tã để “đuổi” sông đi, tôi cũng thấy tức những ai vô tâm vứt rác ngoài đường.
“Móc như vầy còn kịp thở, gặp đúng những cây mưa lớn, mình móc rác chậm là xe cộ qua đoạn đường này đều bị chết máy”, anh Đức vừa thở dốc vừa nói, khuôn mặt đẫm nước nước pha lẫn mồ hôi.
Tuy nhiên với lính trực mưa, sợ nhất là khi móc miệng cống đụng phải kim tiêm chích ma tuý của các con nghiện lẫn trong rác.
“Trong tổ có hai người móc cống bị kim tiêm đâm. Sợ anh em bị nhiễm HIV, lãnh đạo công ty phải đưa đi xét nghiệm máu, may là chưa bị gì…”, một công nhân trong đội lính canh mưa nói.
Bỏ vợ lấy … mưa
Nếu nhiều đàn ông “tuân thủ” khẩu hiệu: “Nhất vợ nhì trời” thì lính canh mưa buộc lòng phải “nhất trời nhì vợ”. Mùa mưa, vào đúng 16 giờ mỗi ngày, dù có nắng các anh cũng phải “bỏ” vợ ra “ở” với trời để trực mưa. Bình thường tới 20h, các anh được về với vợ nhưng gặp những cơn mưa dai dẳng thì các anh phải ở ngoài đường cho đến tận khuya.
Đặc biệt, những hôm ông trời trở chứng mưa giữa trưa, các anh cũng phải bỏ buổi cơm nhà với gia đình để ra đường chống ngập.
Anh Đức lần mò tìm miệng cống gỡ rác để “đuổi” dòng sông khỏi đường Phan Đình Giót (quận Tân Bình). |
Chính công việc với giờ giấc đi về thất thường đã khiến nhiều anh bị vợ ghen. “Hôm đó, tôi đang trực mưa ở quận Tân Bình, còn vợ đang ở nhà (Q.1). Tôi đang làm việc tất bật thì vợ gọi kiểm tra. Tôi nói với cô ấy là trời mưa, tôi đang ở hiện trường nhưng cô ấy không tin vì ở khu vực nhà tôi trời không mưa”- một lính trực mưa tên An kể.
Còn anh T. cùng tổ với anh An mới khổ hơn. Vợ anh T. từng ra tận điểm ngập để xem chồng có đi canh mưa hay không. Một lần, anh vừa xin phép tổ trưởng đi ăn hủ tiếu thì vợ anh đến. Thấy chồng vắng mặt ở hiện trường, vợ anh đùng đùng nổi giận bỏ về. Phải mất mấy ngày giải thích, vợ anh T. mới tin.
Song nghề trực mưa không chỉ toàn mồ hôi và nỗi sợ hãi, buồn phiền. “Hôm đó, đường Phổ Quang (quận. Tân Bình) ngập rất sâu. Một phụ nữ khoảng 60 tuổi chạy xe tay ga vào vùng ngập và không thể thoát ra được. Tội nhào đến đẩy xe và dìu người phụ nữ ra khỏi con nước. Vài ngày sau, người phụ nữ ấy đi ngang qua chỗ tôi đang trực mưa, móc tiền ra và nhẹ nhàng nói: Tặng chú 20.000 đồng để mua thuốc lá hút cho vui” – anh Phúc kể lại kỷ niệm đẹp nhất đời trực mưa của mình.
-
Thiếu Huyền