221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1292524
“Đất vàng” đổi “đất thường”, hay “đất thường” đổi “đất vàng”?
0
Article
null
Hội An:
“Đất vàng” đổi “đất thường”, hay “đất thường” đổi “đất vàng”?
,

– Đâu là sự thật về những bất cập, khuất tất trong việc thu hồi đất xây dựng khu du lịch Năm Sao ở Hội An?

 

Báo VietNamNet vừa nhận được thư của một vài bạn đọc phản ảnh có những bất cập, khuất tất xung quanh việc thu hồi hơn 69ha đất tại An Bàng (phường Cẩm An, TP Hội An, Quảng Nam) để triển khai xây dựng dự án “Khu du lịch cao cấp Năm Sao” của Công ty cổ phần đầu tư Năm Sao. Trong đó cho biết, ngày 12/7 sẽ có cuộc họp dân tại UBND phường Cẩm An về vấn đề này.

 

Mô tả ảnh.

Chị Nguyễn Thị Xí (khối An Tân, phường Cẩm An) phản ảnh ý kiến tại buổi tiếp dân ngày 12/7 Ảnh: HC

 

Có quy hoạch hay không?

 

7g30 sáng 12/7, chúng tôi có mặt tại hội trường UBND phường Cẩm An, nơi tổ chức cuộc tiếp dân. Ông Võ Nể, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho hay, có tổng cộng 68 hộ dân sẽ được di dời giải toả và bố trí vào khu tái định cư số 4 thuộc khu làng chài Cẩm An (Hội An) để triển khu dự án khu du lịch cao cấp Năm Sao.

 

Để người dân không bị ảnh hưởng công việc làm ăn mà vẫn thuận lợi trong việc phản ảnh ý kiến sau khi nhận thông báo (được phát hôm thứ Bảy 10/7) về giá trị bồi thường nhà cửa, đất đai, cây cối…, diện tích và vị trí đất bố trí tái định cư…, UBND phường Cẩm An và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hội An (nguyên là Ban Đền bù thiệt hại - Giải phóng mặt bằng và Tái định cư Hội An) bố trí tiếp dân suốt cả tuần này.

 

Theo phản ảnh trong thư của bạn đọc nêu trên, trong kế hoạch sử dụng đất phường Cẩm An giai đoạn 2006 – 2010 do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt không thể hiện dự án khu du lịch Năm Sao. Dự án này cũng không được thể hiện trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tại phường Cẩm An. Thực hư ra sao?

 

Anh Nguyễn Đức Thảo, cán bộ địa chính - xây dựng phường Cẩm An đưa ra Nghị định 20/CP thành lập phường Cẩm An; Quyết định 2240 (16/6/2003) của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch định hướng phát triển du lịch và dân cư ven biển từ Điện Bàn đến Hội An; Quyết định 1527 của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam điều chỉnh, bổ sung QĐ 2240. Trong đó xác định, Cẩm An nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng phát triển du lịch và dân cư theo tiêu chí xanh - sạch - đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn phát triển du lịch, dịch vụ hiện đại, bền vững.

 

Ngoài ra, không đợi tới giai đoạn 2006 - 2010 mà ngay từ kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2000 - 2006 đã xác định diện tích đất thu hồi để xây dựng dự án khu du lịch cao cấp Năm Sao nằm trong khu vực phát triển các khu du lịch cao cấp và xây dựng khu tái định cư theo tiêu chuẩn khu đô thị cấp 2 với tên gọi: Khu làng chài Cẩm An. Quy hoạch chi tiết của khu này cũng đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt.

 

Trên cơ sở đó, ngày 30/1/2008, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định 420 thu hồi 69,8ha gồm 15,7ha đất ở đô thị; 4,1ha đất cây hàng năm; 13,9ha đất cây lâu năm; 29ha đất rừng trồng, 4,5ha đất giao thông và 2,3ha đất hoang tại phường Cẩm An, cho Công ty cổ phần đầu tư Năm Sao thuê 59,9ha để xây dựng khu du lịch cao cấp và giao 9,9ha đất không thu tiền sử dụng đất để trồng cây xanh theo quy hoạch. 

 

Mô tả ảnh.

Ông Võ Nể (giữa), Chủ tịch UBND phường Cẩm An và chị Thanh Dung cung cấp các tài liệu về thu hồi đất, đền bù, bố trí tái định cư thuộc dự án khu du lịch Năm Sao

 

“Diện tích đất xây dựng khu du lịch Năm Sao nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển du lịch ven biển Điện Bàn - Hội An nên thuộc diện Nhà nước thu hồi đất để bố trí theo đúng quy hoạch và thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành. Đây không phải một dự án riêng lẻ nên không thuộc diện nhà đầu tư thoả thuận với người dân như bạn đọc VietNamNet thắc mắc!” – anh Thảo giải thích.

 

Khi nghe đặt vấn đề: “Hội An chưa giải thích bất kỳ điều gì về dự án này nên người dân chịu thiệt?”, chị Lê Thị Thanh Dung (Trung tâm Phát triển quỹ đất Hội An), cán bộ kiểm tra và ký bảng tính giá trị đền bù, tái định cư dự án khu du lịch Năm Sao đã cung cấp tài liệu cho thấy, từ năm 2007 đến nay, Hội An nhiều lần họp dân công bố quy hoạch chi tiết dự án và niêm yết công khai tại cơ sở. Khi kiểm kê xác định giá trị đền bù có đại diện Ban Giải toả đền bù, chủ đầu tư, MTTQ phường, khối trưởng, đại diện nhân dân khu vực dự án và chủ hộ cùng tham gia.

 

Kiểm kê xong, tiến hành lập bản tính giá trị đền bù, phát cho từng hộ dân. Qua 3 năm, giá trị tài sản trên đất đã đổi khác. Nhà cửa trước đây chỉ là tranh tre, qua mấy cơn bão đã bị hư hại, sụp đổ nên người dân đã sửa chữa, xây dựng lại để ở. Cây cối 3 năm trước còn nhỏ nhưng nay đã ra hoa, kết trái nên giá trị cũng khác… Vì vậy, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hội An đã tính toán lại giá trị thiệt hại của từng hộ đến thời điểm năm 2010.

 

Bảng tính giá trị đền bù và phương án tái định cư từng hộ dân được niêm yết công khai để các hộ khác cùng so sánh, đối chiếu. Trong thời gian 20 ngày theo quy định chung, người dân nghiên cứu bảng tính giá trị bồi thường và có ý kiến phản ảnh việc đủ, thiếu để bộ phận giải toả đền bù kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung. Sau đó mới thống nhất phương án, trình UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. “Vì vậy, nói người dân chưa từng được giải thích gì về dự án này là không đúng!” - chị Thanh Dung khẳng định.

 

Thực tế ghi nhận tại cuộc tiếp dân ngày 12/7 cho thấy, không có người dân nào khi được hỏi lại trả lời là họ hoàn toàn không biết gì về dự án. Họ xác nhận, đây đã là lần thứ ba công bố đến người dân phương án đền bù giải toả và bố trí tái định cư. Chỉ khác với hai lần trước, phương án lần này được công bố là để chính thức bắt đầu triển khai.

 

Do vậy, hầu hết ý kiến người dân tại cuộc tiếp dân không thắc mắc về dự án mà chủ yếu đề nghị xem xét, điều chỉnh các số liệu họ cho là chưa chính xác hay chưa hợp lý. Đơn cử, chị Trần Thị Xí ở An Tân (Cẩm An) cho hay, diện tích đất trong bảng tính giá trị thiệt hại so với sổ đỏ của chị bị thiếu 23,7m3. Sau khi chị phản ảnh, cán bộ tiếp dân đã ghi biên bản để xuống đo đạc lại. 

 

Mô tả ảnh.

Ông Võ Nể giới thiệu quy hoạch chi tiết khu làng chài Cẩm An. Nơi ông đang chỉ tay vào là khu tái định cư số 4, còn diện tích tô màu vàng ở bên trái là khu vực giải toả để xây dựng khu du lịch Năm Sao

 

Đáng lưu ý, hầu hết các hộ đều thắc mắc về sự chênh lệch 200.000 đồng/m2 đối với đơn giá đền bù đất vườn giữa phương án dự kiến và phương án chính thức. Đơn cử ông Nguyễn Viết Năm: theo phương án dự kiến (ngày 5/1/2010) với đơn giá 282.000 đồng/m2 thì 336,8m2 đất vườn của ông thành tiền là 174,9 triệu đồng. Nhưng theo bảng tính giá trị đền bù (ngày 4/4/2010), đơn giá chỉ còn 82.000 đồng/m2 nên số đất vườn kể trên chỉ thành tiền 107,6 triệu đồng. Tương tự, bà Trần Thị Bơi từ 152,2 triệu xuống còn 132,7 triệu; ông Lê Dương từ 604,3 triệu còn 175,7 triệu…

 

Chị Thanh Dung cho hay, theo quy định tại Quyết định 34/2009 của UBND tỉnh Quảng Nam căn cứ theo Nghị định 69/CP của Chính phủ (quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư) thì đơn giá 282.000 đồng/m2 đất vườn theo phương án dự kiến là bao gồm đơn giá đền bù đất vườn (bằng 2 lần giá đất nông nghiệp, tức 41.000đồng/m2 X 2 = 82.000 đồng/m2) cộng với tiền hỗ trợ bằng 50% giá trị đất ở liền kề (tức 200.000 đồng/m2).

 

Khi đưa đơn giá này ra, người dân chỉ nghĩ đó là tiền đền bù đất vườn nên đòi hỏi thêm tiền hỗ trợ thu hồi đất vườn theo Nghị định 69/CP. Do vậy, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hội An đã tách đơn giá đó ra  thành hai phần riêng biệt để người dân dễ hiểu, gồm đơn giá bồi thường đất vườn (82.000đồng/m2) và hỗ trợ 50% đơn giá đất đối với đất cây lâm nghiệp cùng thửa (200.000 đồng/2). Như vậy vẫn đủ 282.000 đồng/m2 đất vườn chứ không hề thiệt hại cho người dân.

 

Ngược lại, nhờ thực hiện theo Quyết định 34/2009 mà người dân còn được hưởng thêm nhiều khoản hỗ trợ khác. Nếu theo phương án dự kiến chỉ có các khoản hỗ trợ di dời, ở tạm (trong khi chờ bố trí tái định cư), lập thủ tục hành chính tại nơi tái định cư… thì nay có thêm các khoản hỗ trợ nghề biển đối với hộ thu hồi đất ở, giải quyết khó khăn ban đầu đối với hộ sinh sống chủ yếu bằng nghề biển cho tất cả đối tượng trên 15 tuổi, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ 40% đơn giá đất ở trung bình đối với đất nông nghiệp…

 

Những giải thích này giúp chúng tôi hiểu ra, vì sao giá trị thành tiền của diện tích đất vườn của nhiều hộ giảm xuống nhưng tổng giá trị đền bù thiệt hại của họ lại tăng lên không ít so với phương án dự kiến. Như bà Trần Thị Bơi từ 246,5 triệu tăng lên 306 triệu; ông Nguyễn Viết Năm từ 299,6 triệu tăng lên 383,1 triệu...

 

Buộc dân đổi “đất vàng” lấy “đất thường”?

 

Thư phản ảnh của bạn đọc VietNamNet nêu: “Đổi đất “vàng” (ven biển, hạ tầng ổn định, sống lâu năm) lấy đất “thường” (trong sâu, mới san lấp, chưa có hạ tầng) nhưng diện tích đất “thường” lại nhỏ hơn. Không chỉ rõ khu đất tái định cư cụ thể là đâu, cán bộ chỉ nói tù mù. Dân chưa một lần được dẫn đi khảo sát khu đất mà mình sẽ tái định cư…”. Thực hư vấn đề này ra sao? 

 

Mô tả ảnh.

Khu tái định cư số 4 thuộc khu làng chài Cẩm An đang được hoàn thiện cơ sở hạ tầng ngay trước mặt các hộ dân sẽ giải toả để xây dựng khu du lịch Năm Sao

 

Anh Nguyễn Đức Thảo cho biết, tuy đã công bố dự án từ năm 2007 nhưng do trước đây chưa có đất tái định cư nên UBND phường Cẩm An chưa đồng ý cho di dời, giải toả dân. Đến nay, khu tái định cư cơ bản hoàn tất cơ sở hạ tầng để bố trí dân nên chính quyền địa phương mới đồng ý cho triển khai.

 

Anh đưa chúng tôi đến thực tế nơi các hộ dân sẽ giải toả. Đó là khu dân cư nằm cách khá xa trục đường chính Điện Ngọc - Hội An, về phía biển. Tiếp đó là những cồn cát, rừng phi lao… rồi mới đến biển. Cái gọi là “hạ tầng ổn định” ở đây chỉ là một con đường xâm nhập nhựa rộng 4m... Vậy mà nơi đó lại được gọi là khu “đất vàng”.

 

Còn khu “đất thường” để tái định cư các hộ dân nằm ở đâu? Nằm sát ngay cạnh khu “đất vàng”, nói khác đi là người dân được tái định cư ngay tại chỗ. Hộ di dời xa nhất chỉ cách chỗ ở cũ khoảng 150m, còn hộ đi gần nhất thì chỉ… bước qua bên kia con đường rộng 13,5m đang xây dựng. Khu “đất thường” này được xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông (các trục đường đều rộng 11,5m), điện, cấp thoát nước… theo tiêu chuẩn khu đô thị cấp 2.

 

Khoảng cách giữa đường Điện Ngọc - Hội An với khu “đất thường” này sẽ trồng toàn bộ cây xanh. Còn khoảng giữa khu “đất thường” này với biển, thay vì những đồi cát, rừng phi lao thì sẽ là công viên biển công cộng phục vụ người dân và du khách. Các hộ làm nghề biển vẫn vô tư ra biển chứ không bị chặn lại bởi bất cứ hàng rào nào. Trong khi người dân sống trên bờ lại được hưởng các khoản sinh lợi từ dự án du lịch bên cạnh.

 

“Vậy thì Hội An đang buộc dân đổi “đất vàng” lấy “đất thường”, hay là dân được đổi “đất thường” để nhận “đất vàng”? Còn về diện tích đất tái định cư nhỏ hơn diện tích đất cũ là theo quy định hạn mức đất ở do Nhà nước quy định. Đối với phường Cẩm An (khu vực 1), theo Quyết định 53/2008 của UBND tỉnh Quảng Nam thì hạn mức đất ở được quy định là 200m2. Riêng TP Hội An còn có thêm Nghị quyết 18 về đất tái định cư. Do vậy hạn mức đất ở của người dân được tính gấp đôi, thành 400m2.

 

Theo Nghị quyết này, họ còn được sử dụng tiền đền bù mua thêm đất tái định cư liền kề thành một thửa chung, chứ không tách hộ chính, hộ phụ như ở nhiều nơi khác. Do vậy, có thể có những hộ có được những lô đất lên tới 600m2 trong khu tái định cư chứ không chỉ là 200m2. Hiện đã có nhiều hộ đăng ký nhận tiền đền bù, và ngay khi nhận tiền là bốc thăm giao đất ở luôn tại khu tái định cư làng chài số 4. Trên thực tế, có những hộ mua đất ở đây chỉ 950.000 đồng/m2 và đã cắt bớt, bán trao tay ngay với giá 3,5 triệu đồng/m2!” – ông Võ Nể, Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho biết thêm.

 

  • Hải Châu
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,