- Đường số 11 (P.Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM) có chiều dài toàn tuyến đường chưa đầy 2km nhưng đã có 1,5km đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Bất trắc
Sinh hoạt của những hộ dân sống hai bên đường ngày càng khó khăn, việc đi lại mỗi lúc càng thêm nguy hiểm nhưng con đường vẫn vô tư nằm yên ắng theo tháng ngày...
Tiếp tục đi trong khi phía trước còn trùng điệp hố hầm. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa |
Sau cơn mưa, đường số 11 đọng nước và trơn trượt. Trên đường xe gắn máy, xe đạp lượn vòng theo những mép hố để tránh không đi vào những hố nước đầy hiểm nguy và bất trắc.
Gần trụ sở ban điều hành khu phố 9, một chiếc xe ba gác máy đang cố vượt qua. Hết hố này đến ao khác, chiếc xe chồm lên rồi gục xuống. Tiếng rú của động cơ kèm theo một làn khói tuôn ra, chiếc xe khựng lại rồi im bặt. Người lái xe là một phụ nữ nhảy xuống vòng ra phía trước nắm thùng xe cố kéo qua khỏi vũng lấy. Vùng vẫy mãi, chiếc xe cũng qua được nhưng phía trước còn hàng ha sa số những vũng lầy tiếp nối nhau...
Người phụ nữ điều khiển xe ba gác máy đang làm công việc thu gom rác dân lập. Chị cho biết: “Bao nhiêu năm qua lại trên con đường này, chưa lúc nào thấy khổ sở bằng lúc này. Những hố nước càng lúc càng sâu”.
Tiếp xúc với người dân hai bên đường, PV VietNamNet được biết, con đường này vốn là con đường đất chưa được sửa sang nâng cấp lần nào. Từ cầu Nhà Trà đến điểm giao với đường số 2, đường số 11 đang trong tình trạng kêu cứu. Không hệ thống thoát nước, không đèn chiếu sáng, không một biển báo an toàn, đường số 11 như một con đường làng mặc dù nằm cách chợ Thủ Đức không xa.
Gần đây, nhiều công trình trên tuyến xa lộ Hà Nội, trên cầu Bình Triệu thi công gây ra ùn tắc thì đường số 11 này được sử dụng như lối thoát cho hàng đoàn xe tải, xe khách khiến mặt đường bị băm nát, lầy lội vào mùa mưa, bụi mù trong mùa nắng.
Công dã tràng
Bà Mai Thị Thiều (83 tuổi) ngụ tại số 153A và nhiều người dân khác chỉ có một nguyện vọng: Xin được cấm các loại xe tải xe khách lưu thông trên con đường này nhằm làm chậm đi tình trạng xuống cấp của con đường.
Bà Thiều cho biết, trước mặt nhà bà có 3 – 4 hố sâu. “Đã nhiều lần tôi mua đá đổ xuống lấp nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đâu cũng vào đấy và tôi lại tiếp tục đổ”- bà Thiều bức xúc. Giải thích cho việc làm “dã tràng xe cát” này, bà Thiều nói tiền kiếm thì dễ, mạng người mới quan trọng. Tại những hố sâu này đã xảy ra hàng chục trường hợp té ngã. Nhẹ thì dơ bẩn quần áo nặng thì gãy tay, gãy chân.
Hiện trạng đường số 11. Ảnh: Trần Chánh Nghĩa |
Qua tìm hiểu của PV VietNamNet, người dân tại đây sẵn sàng hiến đất làm đường. Bà con không cần đền bù mà chỉ mong nhận được tiền hỗ trợ để tái tạo lại rào giậu hay mặt tiền nhà sau khi tháo dỡ.
Theo bà Trần Thị Kim, Phó phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức, dự án nâng cấp mở rộng đường 11 trị giá trên 10 tỉ đồng đã có từ cuối năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa khởi công được vì vướng đền bù giải toả.
Bà Kim thừa nhận tình trạng xuống cấp của con đường và cho biết thêm gần đây, UBND quận quyết tâm khôi phục lại và giao cho UBND phường Trường Thọ vận động người dân hiến đất. Bà nói sẽ có một khoản tiền lấy từ ngân sách quận hỗ trợ người dân tái thiết lại mặt bằng sau khi giao đất.
Bà Kim cho biết thêm, trong lúc chưa thi công, hàng năm ngân sách quận vẫn phải bỏ ra hơn 200 triệu đồng để làm công tác duy tu bảo dưỡng.
Duy tu, bảo dưỡng một con đường không thể duy tu được nữa thì quả thật cần xem lại tính hiệu quả.
-
Trần Chánh Nghĩa