- Xem bóng đá, đặc biệt là World Cup, là niềm đam mê của hàng triệu người. Thế nhưng, với những nhân viên trực trong nhà xác bệnh viện, việc xem bóng đá của họ là cả một câu chuyện ly kỳ đến khó tin. Đôi khi, vừa xem bóng đá, họ vẫn phải giật mình thon thót nghĩ đến những tử thi đang nằm ở ngay bên cạnh.
Đam mê trong phòng xác
6 giờ tối, khu nhà của Khoa Giải phẫu - Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã vắng ngắt, chỉ còn mấy nhân viên trực ở nhà xác và những tử thi câm lặng.
Đang giờ bóng đá nhưng nhân viên nhà xác có khi phải bỏ cả xem để đi kiểm tra tử thi trong ngăn lạnh. (Ảnh Nguyên Minh). |
Ở trong phòng trực, mấy nhân viên trực đang nhấp nhổm xem bóng đá đầy hào hứng. Nhưng mỗi khi một bàn thắng được ghi, dù rất vui mừng, nhưng họ chỉ dám hô rất nhỏ, dường như chỉ đủ họ nghe thấy, vì ai cũng sợ "làm kinh động đến những người đã chết".
Anh Ngô Việt Hồ, 24 tuổi, đã làm việc ở nhà xác Bệnh viện Việt Đức được 3 năm cho biết: Công việc trực nhà xác vất vả, nhưng làm lâu lại thấy rất đỗi bình thường.
Chỉ có điều, mùa World Cup đang diễn ra, dù rất hâm mộ bóng đá, nhưng chưa trận bóng nào anh Hồ được xem hoàn chỉnh từ đầu đến cuối. Bởi bệnh nhân thì chết bất kỳ lúc nào. Mà có người chết là phải phục vụ chu đáo, chứ không thể chối từ làm theo những gì mình thích được. Ngay cả khi không có tử thi mới thì công việc của nhân viên trực nhà xác cũng không thể lơ là.
Vừa nói, anh Hồ vừa đi vào gian nhà niệm đảo qua một vòng xem nến và hương người nhà người quá cố vừa thắp có bị đổ hay có thể gây ra cháy hay không, rồi lại vào phòng lạnh quản xác kiểm tra nhiệt độ máy lạnh, dù diễn biến của trận bóng đá đang phát trên ti vi vô cùng sôi động.
.... Và kiểm tra nơi bảo quản thi hài ở ngay sát vách phòng trực! (Ảnh Nguyên Minh). |
Thoải mái nhất khi ở trong… nhà xác
Gian phòng lạnh bảo quản thi hài người chết của Khoa Giải phẫu, Bệnh viện Việt Đức nằm kề ngay phòng trực của nhân viên dường như lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.
Nhiều tử thi bị tai nạn giao thông nên trước khi được đem quản tại phòng lạnh, họ đã được các nhân viên của nhà xác tiến hành những công đoạn “giải phẫu thẩm mỹ” khá phức tạp để có được một nhân dạng đầy đặn, giống như khi họ còn sống nhất.
Anh Nguyễn Văn Dũng, người đã làm việc tại nhà xác Bệnh viện Việt Đức từ năm 1995 cho biết: 15 năm làm việc ở khoa Giải phẫu, anh đã tiếp xúc với người chết đủ kiểu: từ chết tai nạn, chết trôi, chết bệnh. Ban đầu còn sợ, nhưng làm nhiều rồi thấy quen, cũng thấy nó giống như bao nghề khác.
Đối lập với những hỉ, nộ, ái, ố ở những nơi xem bóng đá bên ngoài, các nhân viên xem bóng đá trong nhà xác thậm chí còn không dám kêu to! (Ảnh imegine.Google). |
Thế nhưng cái mặc cảm nghề nghiệp khiến anh và các nhân viên nhà xác khác lúc nào cũng phải giấu nghề, hiếm khi nào được sống thoải mái. Họ chỉ được sống với chính họ, rất thoải mái ở ngay chính môi trường làm việc là trong nhà xác, với xác chết.
Sống và làm việc lâu trong nhà xác, cái tín ngưỡng duy tâm dường như cũng hằn sâu vào suy nghĩ của mỗi người.
Anh Dũng kể: Phục vụ cho người đã chết và người thân của họ thì phải toàn tâm, toàn ý chứ không thể qua loa, giả dối được, bởi người đã chết, nhưng linh hồn của họ thì vẫn còn nên họ biết hết. Vì vậy, với mỗi người chết, những nhân viên như anh vẫn phải phục vụ hết mình để không thấy day dứt lương tâm.
Những ngày nắng nóng vừa rồi, dường như càng có nhiều người chết hơn. Vì vậy, công việc của những người như anh càng trở nên vất vả. Nhiều hôm đang ăn cơm hay nghỉ trưa, thậm chí đang xem bóng đá ngoài giờ hành chính, nhưng hễ báo tin có người chết cần chuyển đến là anh em trực phải bỏ hết để đi làm.
Có ca, người chết được chuyển đến nhà xác muộn, anh em cũng vẫn phải nán lại phục vụ theo các yêu cầu của gia chủ.
Lại có không ít trường hợp người chết là người ngoại tỉnh, người thân của họ không có nơi ăn chốn nghỉ, vì vậy, cả đêm họ cứ khóc lóc xì xụp bên ngoài. Chốc chốc, họ lại yêu cầu được vào thắp hương, thắp nến cho người chết thì anh em cũng không thể chối từ. Những hôm ca trực gặp phải một, hai trường hợp như thế thì coi như cả đêm không ngủ, anh em lại được một đêm thức trắng để xem World Cup cùng… người chết.
Và, việc xem bóng đá của những nhân viên nhà xác Bệnh viện Việt Đức dường như là cách xem bóng đá đặc biệt nhất thế gian. Nó không hề có tiếng reo hò, cổ vũ và những hỉ, nộ, ái, ố, ngoài lời “độc thoại” của các bình luận viên bóng đá. Bởi xem bóng đá nhưng ở đây, ai cũng muốn giữ một không gian bình yên nhất có thể cho những người xấu số vừa khuất núi.
-
Nguyễn Tuyến