221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1286702
Đau đáu tình mẫu tử của người phụ nữ từng bị bán
0
Article
null
Đau đáu tình mẫu tử của người phụ nữ từng bị bán
,

- 12 năm trở về sau khi bị bán làm vợ người ở đất lạ, chị T. như “mắc kẹt” với tương lai khi không biết phải làm gì cho chị và các con đỡ khổ.

TIN LIÊN QUAN



Ngày trở về



Cách đây 12 năm, chị Nguyễn Thị T. (ở Quốc Oai, Hà Nội) bị lừa bán sang Trung Quốc, nhiều lần tưởng chết, nhưng chị đã lần mò về được quê hương, gặp lại mẹ và những người thân trong gia đình. Sau khi vỡ òa với niềm vui sướng sau bao tủi cực nơi đất khách quê người, được trở về bên người thân, chị T. lại đau đáu nỗi nhớ hai đứa con nhỏ ở nơi xa. Chị không biết phải tính sao cho chị và các con đỡ khổ.

Vừa không muốn quay lại với cuộc sống đầy ải nơi đất khách quê người, nhưng người phụ nữ khốn khổ đó cũng không thể bỏ mặc hai đứa con nhỏ đang gửi người hàng xóm chăm sóc giúp. Rồi chị lại nghĩ, khi trở về với hai đứa con, liệu chị còn có ngày quay trở lại quê hương với người thân… Những suy nghĩ đó cứ bám lấy người phụ nữ, khiến chị như “mắc kẹt” với tương lai, không biết phải làm gì cho chị và các con đỡ khổ.

Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, lại nghèo khó, vào năm 1998, bố chị T. lâm bệnh nặng mà trong nhà không có tiền để chạy chữa. Đúng lúc đang phải chạy vạy khắp nơi lo tiền thuốc thang cho bố, chị T. gặp Nguyễn Thị Hợp (33 tuổi) và Đỗ Thị Việt (32 tuổi), là người cùng quê.

Biết chuyện T. đang gặp khó khăn, bọn chúng đã “gài bẫy” chị T. bằng những lời hứa hẹn sẽ kiếm hộ việc làm có thu nhập cao ở thành phố. Hôm đó, hẹn ở gốc gạo đầu làng, chị T. bị bọn buôn người đưa tuột sang bên kia biên giới, bán qua tay nhiều người rồi mà vẫn không hay biết gì.

Chị T. kể lại quãng đời đầy nước mắt của mình: “Hôm đó, bọn chúng lôi tôi lên gác, ép tôi phải về làm vợ của một người đàn ông Trung Quốc mà chúng đã bán tôi cho ông ta. Khi tôi không chịu thì bị bọn chúng tát một cái trời giáng. Rồi chúng chĩa dao vào mặt tôi, kèm lời hăm dọa “bọn tao đã bỏ bao tiền để mua mày, giờ mày không chịu mà được à…”.

Và rồi chị T. đành nhắm mắt bước theo người đàn ông xa lạ về căn nhà tồi tàn của anh ta ở một vùng quê nghèo khó. Sau cái lễ đơn giản, chị bắt đầu cuộc sống của một kẻ phải làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ, nhưng lại không được đối xử như một người trong gia đình.

12 năm sống với người đàn ông đó, nhưng khi chúng tôi hỏi đến tên chồng thì chị ngậm ngùi cho biết: “Chúng tôi chỉ gọi nhau là mày tao và tôi không biết tên anh ta là gì…”. 12 năm, sinh cho ông ta 3 đứa con trai, đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi, hàng ngày chị T. phải làm lụng vất vả để chăm lo cho gia đình.

Dù vậy, người chồng nát rượu chưa bao giờ coi chị như một người vợ. Trong tờ giấy khai sinh của con trai chị cũng chỉ có tên bố, chứ không hề có tên chị T. 12 năm mò cua, bắt ốc nuôi con, chăm chồng, đổi lại chị T. chỉ nhận được những trận đòn và bị chửi mắng suốt ngày.

12 năm khốn khổ đó, chị cũng chỉ học được vốn tiếng địa phương ít ỏi đủ để giao tiếp thông thường.

“Mắc kẹt” với tương lai

Sau hai năm bị bán, chị T. đã gửi thư về cho gia đình. Những lá thư chị gửi về nhà thì nhiều, nhưng do thất lạc nên chị cũng chỉ nhận được rất ít thư từ gia đình gửi sang. Sau 3 tháng nhận được tin con gái đã bị bán sang Trung Quốc làm vợ, bố T. đã mất. Chị T. năn nỉ chồng xin được về nhà thắp hương cho cha, nhưng không được.

Không tiền bỏ túi, lại vướng con nhỏ, chị T. đành gạt nước mắt sống tiếp những ngày tủi nhục, nhớ nhà. Rồi lần hồi mò cua, bắt ốc, chị tiết kiệm được ít tiền và quyết tâm trở lại quê hương sau 12 năm xa cách.
Không tin tưởng người chồng chỉ biết đến rượu, chị T. gửi hai con nhỏ cho hàng xóm rồi đưa cậu con trai lớn 10 tuổi tìm đường về Việt Nam.

Ngày trở về, chị phải nhờ anh lái xe khách gọi điện cho người nhà ra đón. Sau 12 năm, chị T. không còn nhận ra ai, chỉ có người nhà là vẫn nhận ra vóc dáng gầy gò, đen đúa vì vất vả của chị.

“T. trở về nhà không mang theo được thứ gì, đến quần áo chị cũng phải do người thân san sẻ”, mẹ chị T. cho biết. Những tưởng ngày về đã là vui, nhưng đến giờ chị lại phải khổ sở khi giấy khai sinh của con trai không có tên chị, khiến chính quyền địa phương cũng không muốn cho thằng bé ở lại Việt Nam.

Tiễn chúng tôi ra ngoài cửa, chị T. vẫn bần thần vì không biết tính đường nào cho tương lai của mấy mẹ con. Chị cũng không biết, dù có đưa được nốt 2 người con còn lại về Việt Nam, liệu các con chị có được sống cùng chị ở mảnh đất quê hương khi mà cả ba đứa đều là "người nước ngoài", mà trong giấy khai sinh lại không có tên chị.

Đứng tần ngần hồi lâu, chị T. nghẹn lời: “Chắc là tôi phải quay lại đó thôi, dù có cực khổ đến mấy, dù có bị đánh đến chết tôi cũng phải quay lại với các con tôi…”.

  • N.T
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,