221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1283629
“Bẫy lừa” partime giăng sẵn chờ sinh viên
0
Photo
null
“Bẫy lừa” partime giăng sẵn chờ sinh viên
,

“Chỉ làm nửa tháng đã được 4,5 triệu rồi. Không đăng kí nhanh, hết hạn đừng trách chị”. Trước những lời mật ngọt ấy không ít sinh viên đã sa lưới của những cạm bẫy làm thêm mùa hè.

Bình cũ rượu mới

Chiều 21/5, tôi gặp 2 SV là Phượng và Thảo (Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà) đến khám sức khỏe tại Bệnh viện 198 để chuẩn bị đi làm thêm. Thảo và Phượng rất háo hức khoe về thông tin việc làm thêm được một bạn giới thiệu cho từ trên mạng. Đó là việc phát quà cho một hãng điện thoại di động tại các siêu thị.

Thảo hồ hởi: “Nghe họ bảo lương là 160 nghìn/ca, thêm tiền thưởng, 1 thẻ điện thoại…chỉ với việc đứng phát quà tại siêu thị. Mặc dù đang ôn thi nhưng thấy lương cao nên em cũng sắp xếp làm”. Nhưng điều đáng nói là trong hợp đồng ghi rõ phải hoàn thành hồ sơ trong ngày hôm đó gồm giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận tạm trú tạm vắng, đơn xin việc,… Nếu không hoàn thành đủ hồ sơ sẽ không giao việc.

Mô tả ảnh.
Các diễn đàn về partime được tổ chức chính thống luôn hút nhiều SV tham gia (Ảnh SVVN)

Đến gần chiều, hai bạn mới hoảng hốt vì ngỡ ra hôm đo là cuối tuần, lại trong một buổi chiều nên rất khó để hoàn thành hồ sơ. Phượng gọi điện đến số điện thoại ghi trên quảng cáo thì được một nữ nhân viên trả lời: “Chị đã dặn các em là hồ sơ phải hoàn tất ngay trong hôm nay. Nếu chưa xong thì phải đợi đợt sau có chương trình mới làm được”.

Hai cô bé lúc ấy mới thút thít: “Chúng em nộp vào đấy mỗi đứa hơn 400 ngàn rồi, gần nửa tháng tiền ăn chứ ít ỏi gì”. Một tuần sau tôi gọi điện lại thì được các em cho biết vẫn chưa có việc và đang phải chờ. Các em buồn bã bảo: “Chắc bọn em bị lừa rồi chị ạ”.

Quỳnh Nga (Khoa Báo in, HV Báo chí và Tuyên truyền) vẫn còn ấm ức mỗi lần có ai nhắc đến chuyện làm thêm với việc phát quà ở siêu thị. Nga nhận được một tờ rơi ghi rõ phát quà cho một hãng dầu gội đầu lớn tại các siêu thị với những điều khoản trong hợp đồng khiến ai cũng phải mơ ước.

Đó là một công ty không có tên tuổi cụ thể nằm trên đường Trần Khát Chân. Nhân viên cho biết chương trình khuyến mãi chỉ diễn ra 10 ngày nên cần tuyển 15 nhân viên phát quà. Việc làm theo ca với mức lương là 180 nghìn/2 giờ làm việc.

Ngay hôm đầu đến nhận việc, Nga - cô bạn tôi phải nộp một khoản tiền gần 300 nghìn. Nhân viên trung tâm môi giới này đưa Nga đến nhận việc tại một siêu thị điện máy. Sau một hồi nói chuyện, anh ta lấy cớ là chỗ này đã tuyển đủ người nên đưa Nga chuyển sang việc khác.

"Việc khác" mà anh ta nói là tại một căn nhà cấp 4 lụp xụp ở Mai Động với công việc bán vé máy bay. Sau khi dẫn các "con mồi" đến đây, anh chàng nhân viên công ty kia lẳng lặng chuồn với lí do "đã hết trách nhiệm". Tại công ty này, Nga được một người phụ nữ nữa giới thiệu về công việc bán máy bay mà ban đầu là phải đi phát tờ rơi.

Chị kia thản nhiên bảo: “Bên chị không liên quan gì với trung tâm môi giới việc làm lúc nãy, nên bọn chị không chịu trách nhiệm về các khoản em đã nộp cho bên kia. Ở đây các em chỉ cần nộp thêm 100 nghìn để làm thẻ nữa là bắt đầu đi làm”.

Ở trung tâm bán vé máy bay này, hầu hết sinh viên đều phơi mặt ra ngoài đường suốt mấy ngày trời để phát tờ rơi. Nhưng dù tốt đến mấy cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu và đuổi việc vì làm không đáp ứng được yêu cầu. Những bạn sinh viên này chỉ biết ngậm đắng nuốt cay khi số tiền qua các trung tâm môi giới đã bị mất sạch.

Cũng có các hình thức lừa đảo khác như đi phát tờ rơi, gấp phong bì… nhưng thủ đoạn cũng không khác gì các vụ ở trên. Sau khi sinh viên đã mất một khoản tiền không nhỏ, các trung tâm này tìm mọi cách không giao việc hoặc đuổi việc người làm nhanh chóng.

Đi gia sư liệu cũng có an toàn?

Không ít sinh viên kêu trời vì gặp phải các trung tâm gia sư “lừa”. Ban đầu, các trung tâm kí hợp đồng và yêu cầu SV phải nộp cho họ một nửa tháng lương đầu.

Mô tả ảnh.

Những trung tâm gia sư kém chất lượng mọc lên nhan nhản (Ảnh chỉ có tính chất minh họa )

Ngọc Huy (Cơ khí K50, ĐH Bách khoa) ấm ức: “Chủ trung tâm gia sư lấy lí do là dạy cho lớp 1 nên nâng buổi dạy lên 6 buổi/tuần. Tổng cộng tớ đã phải nộp gần một triệu tiền nửa tháng lương đầu cho trung tâm, nhưng đến nơi gia đình học sinh bảo chỉ học 3 buổi/tuần. Tớ quay lại trung tâm đòi tiền thì họ hẹn lên hẹn xuống. Đành ngậm bồ hòn làm ngọt vậy”.

Với Ngọc Huy, dù sao cũng được có lớp dạy, nhưng với nhiều sinh viên khác đã nộp tiền nhưng không được dạy. Điệp khúc chờ, chờ và… chờ luôn được các chủ trung tâm nhắc đi nhắc lại.

N.N.H (Khoa Văn, ĐH Vinh, TP Vinh) vẫn còn hoảng hồn khi nhớ lại câu chuyện đi gia sư năm thứ nhất của cô. Qua trung tâm gia sư, H. nhận dạy ngữ văn cho một cậu học sinh lớp bảy. H. đến dạy, thỉnh thoảng mới thấy bố của học sinh ở nhà, còn người mẹ nghe nói đi ra nước ngoài làm ăn nhiều năm nay không về.

Một chiều H. đến dạy thì mới biết học sinh đã đi học thêm. H. rất ngạc nhiên vì phụ huynh không báo cho mình, đang định ra về thì nghe ông bố gọi bảo vào nhà uống nước. Trò chuyện một lát, ông ta nhờ H. vào phòng để dịch giúp tài liệu nên H. thật thà theo vào.

Nhìn thấy mặt ông ta có vẻ thay đổi, mắt cứ hấp ha hấp háy H. bắt đầu thấy run run. Và trong khi H. đang dịch tài liệu thì thấy ông ta áp sát vào người và vòng tay qua người cô. Ông ta thì thào: “Vợ anh bỏ đi làm ăn xa bao nhiêu ngày không thèm về, anh cô đơn lắm. Em chiều anh tí, rồi không phải đi gia sư làm gì nữa cho vất vả”.

Hoảng hồn, H. lật đật xô ngã ông ta rồi vụt chạy ra khỏi phòng. Và may lúc đó có chuông cửa của khách đến nhà, H. mới nhân cơ hội, chạy thoát được về nhà. Sau lần nhớ đời ấy, cô mới hiểu tại sao nhiều sinh viên nữ đã không trụ được quá một tuần ở nhà này.

Chỉ lừa được sinh viên!

Nắm được tâm lí nhiều sinh viên ở lại hè, nhiều trung tâm lừa đảo núp dưới danh nghĩa môi giới việc làm đã mọc lên như nấm.

Oanh (Khoa Tâm lí học, ĐH KHXH & NV) chia sẻ: “Mình đi làm thêm bị lừa một lần. Bây giờ tâm lý “con chim sợ cành cong” nên ai rủ làm thêm gì cũng cảm thấy sờ sợ…”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những chiêu lừa đảo này đã có từ lâu nhưng tồn tại đến tận giờ là vì những “nạn nhân” đều là sinh viên tỉnh lẻ chân ướt chân ráo vào trường. Các thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, chúng không bắt “con mồi” đóng tiền một lần mà chia thành nhiều lần với nhiều lần hẹn và nhiều địa điểm. Nhiều sinh viên không cảnh giác sẽ bị lừa dần tiền với mỗi lần là một thủ tục khác nhau.

Hình thức lừa đảo này luôn trọt lọt, bởi khi biết mình bị lừa thì sinh viên không thể kiện cáo hay có bằng chứng gì. Bởi khi đi làm, các bạn không hề có một giấy tờ gì chứng minh, không một bản cam kết hay hợp đồng gì với các trung tâm.

Thủ đoạn lừa đảo cũng rất tinh vi khiến nhiều bạn làm đến cuối cùng rồi mà vẫn không thể biết là mình bị lừa. Partime là một hoạt động hết sức bổ ích, nhưng cẩn thận để không rơi vào các bẫy lừa là điều mà sinh viên nào cũng nên tự nhắc nhở mình.

  • Tú Mai
,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,