- Sở hữu một khuôn mặt phúc hậu, ưa nhìn, ít ai ngờ rằng Huỳnh Tiểu Hương, Giám đốc Trung tâm nhân đạo Quê Hương từng có cuộc đời bất hạnh, ê chề đến vậy. Tiểu Hương từng bị đánh đập, người thân bỏ rơi, thậm chí sống một thời gian dài ngoài bến tàu, bến xe…
TIN LIÊN QUAN
Đã 40 tuổi, tưởng như chai sạn với sương gió cuộc đời, nhưng khi hỏi về quá khứ, Tiểu Hương vẫn khóc, giọt nước mắt nối nhau chảy dài trên má, minh chứng cho vết thương lòng không bao giờ lành được dù có bị bụi thời gian phủ mờ.
Từ khi lọt lòng tại miền quê Quảng Trị, Tiểu Hương đã bị cha mẹ bỏ rơi. Bà nội đem cô về nuôi được vài năm thì không kham nổi, bèn đem đứa cháu cho cặp vợ chồng giáo viên hiếm muộn.
Tiểu Hương vẫn nhớ như in chuyện xảy ra vào năm 1979: “Khi đó tôi chưa được 10 tuổi. Mẹ nuôi là cô giáo nhưng tôi không được đi học. Hằng ngày, mẹ bắt tôi đi lượm phân trong trường học để tưới bắp cải…Tôi cứ ngỡ đã tìm được một mái ấm nương thân, nào ngờ đâu một đêm, bị bố nuôi cưỡng hiếp. Hồi đó, tôi rất ngờ nghệch, không ai dạy cho tôi biết đã là bố thì không được làm chuyện ấy với con. Thế rồi tôi cảm thấy dường như bố nuôi sợ mẹ biết chuyện nên đánh đập, dặn tôi không được nói chuyện đó với ai”.
Trẻ con thì đâu biết nói dối, một lần tưới rau trong trường, vài giáo viên thấy cô bé Tiểu Hương hay bị đánh bèn thương cảm, gọi về nhà, cho ăn cơm rồi hỏi chuyện. Được ăn no, Tiểu Hương không giấu điều gì, kể hết bị bố mẹ, đánh ra sao, bố làm việc…ấy thế nào.
Họ là những người xa lạ, đồng cảnh ngộ mà còn khăng khít hơn ruột thịt. Ảnh: Thanh Huyền. |
Nghe Tiểu Hương nói mà các cô giáo rụng rời tay chân, kinh hoàng vì trên đời lại có ông bố nuôi bệnh hoạn, quái ác đến thế. Các cô đã gom tiền mua vé đò cho Tiểu Hương trốn đi.
Trớ trêu thay, chuyến đò hôm đó đón khách trễ, ông bố nuôi đạp xe ngang qua, phát hiện ra cô bé. Ông đã dùng dây buộc đồ sau yên xe, trói tay cô bé lại, cột vào yên rồi đạp cho xe chạy, mặc Tiểu Hương đau đớn, kêu khóc.
Thương cho số phận của đứa bé, các đồng nghiệp của mẹ nuôi Tiểu Hương lại lập kế giúp cô trốn thoát. Ở bến tàu, Tiểu Hương đã theo một chú bộ đội tốt bụng về nhà.
Số phận nghiệt ngã nào chịu buông tha, vợ chú bộ đội tưởng Tiểu Hương là con riêng của chồng nên nổi máu ghen tuông, hắt hủi.
“Chú phải đem tôi ra giấu ở hố rơm gần chuồng lợn. Sợ tôi đói, chú giả bộ mang cơm cho chó ăn, hất xuống cạnh đống rơm để tôi lấy ăn. Sau này, vợ chú phát hiện ra, dùng gậy đập vào đống rơm làm tôi đau đớn, chịu không nổi đành phải bỏ đi”, nhớ lại phút giây tủi cực đó, Tiểu Hương khóc nức nở.
Sau khi bị hắt hủi, cô bé Tiểu Hương không biết đi đâu, lại quay trở lại bến tàu hôm nọ. Tại đây, cô gặp một nữ quân nhân khác. Trước mặt bảo vệ bến tàu, cô đã nhận Tiểu Hương là người thân để em khỏi bị đánh đuổi.
Không thể để đứa trẻ sống trong đơn vị, cô bộ đội dẫn Tiểu Hương về nhà, nhờ cha nuôi giúp. Khi nhìn thấy bố ruột của ân nhân, Tiểu Hương đã bị kích động, kịch liệt phản đối. “Tôi sợ ông ta cũng giống bố nuôi, lại hành hạ, cưỡng bức”.
Không còn cách nào khác, Tiểu Hương bị đem trả trở lại bến tàu và sinh sống ở đó. Có lúc, Hương bị ép đến đường cùng, thậm chí đã phải làm gái đứng đường. Không chịu nổi sự chà đạp và bệnh tật, cô trốn vào Huế, đi theo những kẻ đi đãi vàng và bị chúng… hãm hiếp tập thể.
Trốn từ nơi đãi vàng ra đường, cô bị vài người dân túm lại, lột sạch quần áo để tìm vàng. Trùn gối, mỏi chân, cô bé trót ngồi nghỉ trên một nấm mộ, bị dân địa phương bắt quả tang, trói vào cây đu đủ.
Cô bé đã chết vì khát và mệt nếu không được những người đi bẻ măng phát hiện, cứu thoát. “Thấy trên người tôi không mảnh vải che thân, họ tưởng tôi điên, đi chọc phá bà con nên bị bắt trói”, Tiểu Hương cười chua xót.
Cứ thế, Hương đi bộ ven sông ra đến tận Đông Hà, Quảng Trị. Dọc đường, Hương sống nhờ vào lá cây rừng. Khi nào thấy tiếng người là cô bé lại núp sau bụi cây hoặc trầm mình xuống sông trốn tránh.
Có lẽ ông trời rồi cũng phải cảm động trước hoàn cảnh của Tiểu Hương. Trong quãng thời gian lang thang bán nước và thuốc lá dạo tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM, cô đã gặp được quý nhân. Cuộc đời Hương rẽ sang một trang mới từ lúc ấy.
Ban đầu chỉ là thương cảm sau mỗi lần uống nước, người đàn ông Đài Loan hay cho Tiểu Hương dăm, ba ngàn. Thế rồi ông ta đã thuê cho Tiểu Hương gian phòng rộng 22 mét vuông nằm trên đường Đặng Thùy Nhu.
Mẹ của hàng trăm con
Thương những bạn bè bụi đời, cơ nhỡ, Tiểu Hương rủ họ về ở chung. Chính điều này làm chủ nhà khó chịu nên đã đuổi đi, không cho thuê nhà nữa.
Sau này, do thấu hiểu hoàn cảnh, ngưỡng mộ sự tương thân tương ái mà Tiểu Hương giành cho các cảnh đời lang thang, vị Mạnh Thường Quân ấy đã trao tặng cô 22 cây vàng để làm vốn sinh nhai.
Bằng số tiền đó, Tiểu Hương mua một căn nhà rồi bán lại với giá cao hơn. Cứ thế số tiền ngày một nhân lên.
Những đứa bé bị ruồng bỏ nay tràn trề hạnh phúc trong vòng tay mẹ Tiểu Hương. Ảnh: Thanh Huyền. |
Trong một lần bị hãm hiếp, Tiểu Hương đã mang bầu, sanh ra một em bé. Chẳng may mẹ con thất lạc nên cô có tâm nguyện cưu mang những đứa trẻ bị bỏ rơi, coi chúng như con mình, âu cũng là tự bù đắp một phần máu mủ bị cắt rời.
Huỳnh Tiểu Hương liên tục tham gia công tác xã hội, được tín nhiệm mời vào Ban dự án của Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.
Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng các cô bảo mẫu tại Trung tâm Quê Hương vẫn tận tình chăm sóc trẻ tật nguyền. Ảnh: Thanh Huyền. |
Cho đến năm 2001, cô đã thành lập Trung tâm Nhân đạo Quê Hương vì muốn tận tay chăm sóc, chứng kiến giây phút khôn lớn của những trẻ em tật nguyền, cơ nhỡ. 320 đứa trẻ, 38 bảo mẫu của Trung tâm trông cậy cả vào khả năng kinh doanh bất động sản, quán cà phê của mẹ Tiểu Hương. Lâu lâu, cũng có những nhà hảo tâm ghé thăm, giúp đỡ, nhưng đến nay Trung tâm nhân đạo Quê Hương chưa có được nguồn tài trợ ổn định lâu dài.
Ôm đứa bé tật nguyền trong tay, Huỳnh Tiểu Hương chất chứa nhiều tâm tư: “Giờ đây không phải nơm nớp lo sợ bị hãm hại, chà đạp nhưng tôi lại có một nỗi lo lớn hơn. Tôi lo sao cho 320 đứa con không bị đói, được đủ ăn, đủ mặc, học nghề. Có vất vả đến đâu tôi cũng cam lòng, miễn là các cháu được đùm bọc, yêu thương, không bị ngược đãi như tôi hồi trước”.
-
Thanh Huyền