- Chị hẹn tôi trước cửa phòng khám nơi chị châm cứu để tiện đường cho tôi khỏi đi lòng vòng tìm đến nhà chị. Người phụ nữ đã ngoại ngũ tuần bắt đầu thời gian nghỉ ngơi của mình bằng cách châm cứu cho qua những cơn đau lưng, căng thẳng đầu óc sau 30 năm cống hiến cho nghề thẩm phán...
TIN LIÊN QUAN
Những câu chuyện của thẩm phán Ngô Thị Yến cứ dồn dập đến, mỗi câu chuyện là một cung bậc tình cảm khác nhau, nhắc mãi những từ “day dứt”, “thương quá”... Chị ước nhiều rằng: “Giá như có thể xét xử cho người phạm tội một mức án nhẹ hơn”!?
Hàng ngàn cái ước mơ giá như suốt một đời cầm cân nảy mực của người thẩm phán đã vô tình chạm vào những ngõ thẳm cuộc đời và số phận con người đứng trước vành móng ngựa hẹp hòi song gỗ thưa.
Vụ ly hôn ấn tượng
Đó là quãng thời gian chị Yến công tác tại Tòa án Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), trên cương vị thẩm phán xét xử dân sự. Hầu hết chị đảm nhiệm các vụ án ly hôn, chia tài sản, tranh chấp đất đai... tất tần tật những gì liên quan đến quyền lợi người dân.
Chị còn nhớ như in vụ ly hôn để lại dấu ấn nhất cho chị - vụ án mà lần đầu tiên trong đời thẩm phán, chị phải đối mặt với những lời đe dọa, chặn đường của một bên đương sự. Sau này chính nhờ kinh nghiệm đối phó vụ án này, chị nói đã không còn sợ ai dọa nữa!
Cuộc sống vợ chồng nhiều khúc mắc sau đó dẫn đến một ngày, nhà chồng đuổi chị Loan ra khỏi nhà, không cho ở trong căn nhà mà chị từng góp công gây dựng nữa. Chị cứ về đến nhà là bị đánh, bị gia đình nhà chồng hành hạ rất kinh khủng.
Khi ly hôn căn nhà đó được xác định là tài sản chung của vợ chồng nên Tòa vẫn xử cho chị Loan được sở hữu một phần nhà. Ngày xử án, gia đình nhà chồng kéo đến rất đông, theo dõi. Theo bản án đã tuyên thì căn nhà của vợ chồng chị Loan anh Thuận được chia làm 3 phần, mẹ chồng một phần, người chồng một phần và chị Loan một phần.
Thẩm phán bị đe dọa
Sau khi Tòa đã xử xong, như thường lệ thẩm phán Yến rời cơ quan đi về nhà. Đang trên đường đi, hai đôi đèo nhau, một nam một nữ và một xe khác gồm hai nam giới vượt lên chặn trước xe chị, giở giọng hách dịch và đáng sợ: “Mày nhận của con Loan bao nhiêu tiền mà mày xử cho nó được một phần ba nhà?”...
Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến xe máy của chị Yến đổ sang bên đường. Chị đứng dậy, lấy lại bình tĩnh, chẳng nói chẳng rằng phi thẳng vào công an phường ngay trước mặt. Chị đưa thẻ thẩm phán ra và trình báo về vụ án ly hôn vừa xử, cùng việc lúc này đang bị người nhà đương sự đe dọa ngay ngoài trụ sở công an.
Ngay lúc đó, anh công an tức tốc chạy ra dò xét hai xe máy đỗ ngoài trụ sở. Đám người đi trên hai chiếc xe máy dọa nạt chị Yến thấy thế liền bỏ chạy, không dám quay đầu lại. Hôm đó, chị viết tường trình theo hướng dẫn của Công an phường. Ngay tối cùng ngày, công an phường đưa những kẻ dọa dẫm kia đến tận nhà chị xin lỗi.
Đây là lần đầu tiên khi làm thẩm phán, chị Yến bị người nhà đương sự đe dọa - chị bảo thế. Giờ ngồi nghĩ lại thấy sợ, nhưng chị vẫn không hiểu sao lúc đó lại bình tĩnh vậy. "May lúc đó không bị đau người ê ẩm như giờ. Không thì nếu gặp phải người nhà giờ thói côn đồ lưu manh thì chị đã bị họ đánh đòn rồi" - chị cười xòa.
Thẩm phán Yến bảo, những chuyện dọa nạt này cũng phải để ý để xử lí cho đúng. Chị kể nhiều trường hợp cũng khá lâu rồi, các thẩm phán khác còn bị người ta hành hạ tệ hại hơn, như chuyện của một chị ở Tòa án Quận Đống Đa bị người nhà đương sự tạt axit. Lần đó chị cũng đã ủng hộ tiền và tinh thần hưởng ứng theo kêu gọi của cơ quan, giúp đỡ đồng nghiệp. Lần đầu tiên bị đe dọa bao giờ cũng rất sợ hãi, kí ức về nỗi sợ cứ đi mãi theo mình...
Mong có sự đồng cảm
Ít người có thể hiểu được công việc thẩm phán khó nhọc của chị, ít thôi nhưng không có nghĩa là không có. Có một người bác sĩ từng làm cho chị hết sức cảm động vì một câu nói nhỏ bé thôi trong lần chị đi khám bệnh. Khi biết chị làm nghề thẩm phán, ông nói: “Tôi phải khám cho chị thật chu đáo, cẩn thận vì chị là người bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho người dân nhưng không ai bảo vệ cho chị cả. Tôi sẽ là người bảo vệ sức khỏe cho chị”...
Lần ấy, chị cảm động đến rơi cả nước mắt vì có người đồng cảm, chia sẻ với nghề nghiệp của mình. Bình thường, mọi người nghĩ rằng với cương vị thẩm phán "ngồi trên cao" của Tòa muốn xử thế nào thì xử, muốn kết án bao nhiêu năm thì kết mà không hiểu rằng để có một quyết định chính xác, để tước quyền của một con người cần suy xét hết sức cẩn thận, đúng người đúng tội, nếu không chính bản thân mình sẽ cắn rứt lương tâm vì hại dân, hại người.
Chị cho rằng việc ngồi tù là việc liên quan đến nhiều người, không riêng gì người có tội mới liên quan.
- Cẩm Huyền