221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1280107
Người dân gần KCN "sống trong sợ hãi" vì nước, khí thải
1
Photo
null
Người dân gần KCN 'sống trong sợ hãi' vì nước, khí thải
,

- Gần đây, người dân ở lân cận Khu Công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM) luôn sống trong sợ hãi vì tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực này ngày càng trở nên trầm trọng. Xung quanh khu vực nhà máy, không khí nồng nặc mùi khét tỏa ra từ cơ sở nấu đồng, các con kênh thì đen ngòm nước thải...

Khí thải lên... trời!

Ống khói từ nhà máy sản xuất đồ đồng thau, nhôm, inox, nấu chảy phế liệu, kim loại Lư Cẩm xả khí thải có mùi hôi...(Ảnh: Thiên Nga)

Những ai có việc đi ngang qua Công ty TNHH TM DV Lư Cẩm, Khu Công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi, TP HCM) đều phải một tay lái xe một tay bịt mũi vì không chịu nổi mùi đồng nấu chảy pha lẫn mùi axit khét lẹt chực xông thẳng vào mũi. Ngay sau đó là cảm giác nhức đầu, đau mũi ập đến. Khách vãng lai đi qua, phải bịt mũi "bỏ của chạy lấy người" còn những người dân sống gắn bó với mảnh đất này lại không thể... bỏ nhà mà đi, mặc dù biết bản thân họ và gia đình đang "chết mòn"...từng ngày vì ô nhiễm.

Cách cơ sở sản xuất Lư Cẩm vài chục mét, gia đình ông Phát (ấp Bến Đò 1) gần như "lãnh trọn" tất cả những chất khí thải ra từ nhà máy này. Trời đứng gió, hay lúc gió mùa, trong nhà luôn nồng nặc mùi khét. "Cả xóm này gần như ăn cùng, ngủ cùng với chất khí thải vì nhà máy hoạt động hầu như suốt ngày đêm, vào tất cả các ngày trong tuần không lúc nào ngơi nghỉ", ông Phát cho biết.

Cứ tầm 18-19h tối không khí ở đây trở nên đặc quánh lại bởi những luồng khói thải liên tục tỏa ra từ 5-6 ống khói lớn nhỏ từ phía cơ sở nấu đồng Lư Cẩm, đó là mùi hỗn hợp gas, axit trộn lẫn với nhau" - ông Vũ, một người dân sống ở ấp Tiền (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) cho hay.

Chính vì vậy mà giờ cơm chiều hầu như nhà nào trong xóm cũng đóng kín tất cả các cửa lại mặc dù thời tiết nắng nóng oi bức. "Nhà có trẻ con, chiều muốn cho con ăn cơm ngoài sân cho mát nhưng vừa đẩy xe nôi ra, bất ngờ "hứng" mùi khói nồng nặc là hết hồn đẩy lại vô trong nhà, đóng kín các cửa ngay lập tức", một người dân ấp Tiền trên địa bàn xã cho hay.

"Vì có ai chịu đứng ra giải quyết đâu? Bà con trong xóm đã nhiều lần gửi đơn thư nhờ chính quyền giải quyết nhưng cán bộ xã, ấp cho người đến... xem cho có. Còn tình hình chẳng hề suy suyễn!" - một người dân ấp Bến Đò 1 cho biết.

Không chỉ những gia đình ở khu vực lân cận Công ty Lư Cẩm mà cả những người dân sống cách đó 1- 2 km, nguồn ô nhiễm vẫn không... buông tha.

Nước thải xuống... sông!

Không chỉ ô nhiễm không khí, nguồn nước nơi này cũng trong tình trạng...báo động. Dọc các con kênh, từ kênh 1 đến đến kênh 5, nước nhuốm màu xanh đen đặc trưng bởi phải gánh chịu những dòng nước thải không biết từ đâu cứ tuôn ra xối xả...

Dân đi câu trên kênh Thầy Cai cho biết: đang câu cá bỗng thấy dòng nước thải đen ngòm xả ra ào ạt, mùi hôi thối theo đó cũng bốc lên. Buông cần câu, những người này phải vội vã cuốn gói thu dẹp đồ nghề ra về ngay vì không chịu nổi mùi hôi từ dòng nước bị ô nhiễm nặng.

Cống xả nước thải ra kênh lớn. (Ảnh: Q.K)

Những người kiếm sống bằng nghề chích cá điện trên kênh, cũng tỏ ra "ớn lạnh" mỗi khi câu được cá. "Những con cá da bị lở loét từng mảng, thịt có mùi rất tanh. Chính vì thế cá có nặng vài kí lô nhưng bán không ai mua..." - ông Năm, một người sống bằng nghề chích cá điện xã Tân Phú Trung kể lại.

Người dân sống quanh Khu Công nghiệp Tân Phú Trung chủ yếu sử dụng nguồn nước bơm từ các giếng khoan. Ăn uống, tắm giặt, tưới tiêu chủ yếu từ nguồn nước này. Tuy nhiên, trước tình trạng nguồn nước ngày càng ô nhiễm, ảnh hưởng mạch nước ngầm, nhiều người không dám đun nước để uống mà phải mua nước bình, dù biết là khá tốn kém.

Đến nay, vẫn chưa xác định được nguồn "nước bẩn" xuất phát từ công ty nào, vì ống dẫn nước thường được chôn ngầm dưới đất. Do đó việc xử lý lại càng rơi vào... bế tắc!

Một cán bộ phòng quán lý môi trường thuộc Ban quản lý các Khu chế xuất khu công nghiệp TPHCM (HEPZA) cho biết: Trong thời gian qua, phòng cũng đã phối hợp với một số cơ quan chức năng đi kiểm tra và đã tiến hành xử phạt một số đơn vị vi phạm về xử lý chất thải, khí thải gây ô nhiễm môi trường.

"Các cơ quan chức năng khi kiểm tra cần "điểm mặt" đích danh công ty nào vi phạm và doanh nghiệp đó phải thuộc phạm vi quản lý của Khu công nghiệp thì mới tiến hành xử lý được" - ông này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, những "đòi hỏi" này là quá khó đối với những người dân... "người trần mắt thịt". Họ là những người bất đắc dĩ phải sống gần các Khu Công nghiệp, ngày ngày hít khí thải độc hại, sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Không có lấy một nghiệp vụ phân tích, điều tra nên không thể làm gì hơn ngoài việc phản ánh những điều "mắt thấy tai nghe".

Thật khó trả lời làm sao họ có được những "thông tin chi tiết" hay bằng chứng cụ thể để cung cấp cho cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý nhằm bảo vệ sức khỏe người dân và bảo vệ môi trường sống chung (?).

  • Thiên Nga
,
Ý kiến của bạn
,
,
,
,