221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1276512
“Hút máu” của người bán máu
0
Article
null
“Hút máu” của người bán máu
,

- Hiện nay tình trạng cho vay lãi diễn ra ở rất nhiều nơi, nhiều hình thức và nhiều đối tượng vay cũng như cho vay. Tuy nhiên, việc cho vay nặng lãi diễn ra ngay trong bệnh viện là điều hiếm thấy ở Việt Nam. Tại Bệnh viện nhi TW, hiện tượng cho vay lãi diễn ra khá công khai và tự do… Do nắm bắt được hoàn cảnh của những người đi bán máu, một số đối tượng cho vay ngay tại cửa phòng bán máu.

“Đã vào đây ai chẳng cần tiền, chẳng thiếu thốn”

Vào sáng thứ 2, 4,6 hàng tuần, Bệnh viện Nhi TW tổ chức mua máu phục cho việc cứu chữa bệnh. Cứ vào khoảng 8h sáng các ngày trên, phòng lấy máu có khoảng trên dưới 20 người và đủ thành phần đến bán máu.

Và với nhu cầu máu của bệnh viện, có những người bán máu trở thành “nghề”. Chị M. (quê Đông Anh, Hà Nội) vui vẻ nói: “Chị đi bán thế này ngót ngét cũng được gần 20 năm rồi, bán rồi nó cũng quen đi, lắm lúc như nghiện”.

d
Những giây phút hiếm hoi chờ các con nợ vào bán máu

Có cả những khuôn mặt non bấng, tay cầm cuốn truyện tranh, đến ngồi đọc chờ bán máu. Em Minh là một học sinh đang ôn thi đại học, nói: "Em cũng bán được 4 lần rồi, vì muốn có chút phụ giúp bố mẹ thôi, bố mẹ em không ai biết đâu…”.

Theo như chị M. tâm sự thì những người đi bán máu đa phần là những người lao động có thu nhập thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi bán máu những mong kiếm thêm chút ít.


Thấy chúng tôi nói chuyện bán máu rôm rả, chị Hà (nhà ở Định Công, quận Hoàng Mai) cũng hăng hái tiếp chuyện: “Có lần, chị thiếu tiền đóng học cho thằng lớn, chị liều đi bán máu lấy tiền cho đủ. Từ đó quen quen, chị thường xuyên bán máu. Quy định ở bệnh viện là một tháng mới được bán một lần, nhưng có tháng chị bán 4 lần ở những nơi khác nhau".

Những câu chuyện của các chị, các cô đi bán máu khiến ai nghe cũng phải xót xa. Một chị cũng đi bán máu, tên T. bức xúc kể lại: “Đứa nhỏ nhà chị đi học, cô giáo biết mẹ nó đi bán máu nên đã có những lời nói khinh miệt, khiến cháu nó rất buồn…”.

Cả phòng chờ bán máu duờng như có quá nhiều tâm trạng. Những câu chuyện đời, chuyện gia đình, chuyện hoàn cảnh được họ chia sẻ với nhau như những người cùng "chiến tuyến". Tựu chung lại, họ là những người cần tiền, có hoàn cảnh khó khăn.

“Hút máu” kép

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại nơi bán máu xuất hiện ít nhất hai nhân vật khiến cho những người lần đầu tiên đến đây thấy bất ngờ và bức xúc. Đó là những người lợi dụng không gian bệnh viện, hoàn cảnh cũng như tâm lý của người bán máu để thực hiện hành vi cho vay nặng lãi.

“Đồ nghề” của họ là vài cuốn sổ, chiếc bút bi và một ví tiền. Những người này xuất hiện khá sớm tại phòng chờ bán máu tại Bệnh viện Nhi TW. Những động tác của họ như thể khá thân quen ở đây, họ đi lại tự nhiên và thông thạo.

d
Cuốn sổ dày đặc những tên của những con nợ.
Một thanh niên mặt bơ phờ tái nhợt (dáng vẻ như một tay cờ bạc thức đêm) có lời qua tiếng lại với chủ nợ: ”Để lần sau em trả, có gì mà phải ầm lên…”. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra thì chị bên cạnh có vẻ bức xúc nói một cách đầy đề phòng: “Việc gì phải trả, ăn gì ăn lắm thế, mỗi lần đi bán 250ml được có 150 nghìn chứ có nhiều nhặn gì đâu…”.

Sau một hồi ngập ngừng, tôi hỏi chị T. ngồi ghế bên cạnh: “Những người đó làm gì vậy chị?”. Chị T. tỏ vẻ ngạc nhiên: “Thế lần đầu đi bán hả em? Đó là mấy mụ cho vay lãi đấy…”.

Những chủ nợ vẫn ngồi bình thản, tay cầm cuốn sổ và ví tiền. Thỉnh thoảng lại có người tay kẹp miếng bông cồn qua lấy tiền. Số tiền mà mỗi lần lấy không khi nào lên đến tiền triệu, mà chỉ khoảng 1 đến 2 trăm nghìn.

Theo những người ở đây kể lại, đó là những người đã quá quen với việc vay tiền và có “thâm tình” với các chủ nợ. Những người vay chủ yếu là những người cần tiền gấp, thường là những công nhân, xe ôm, lô đề…

Trong vai một cậu sinh viên cần tiền về quê đến bán máu lấy tiền, chỉ trong giây lát ngơ ngác, tôi đã được bà chủ nợ “chăm sóc” tận tình: “Cần tiền à cháu? Có mang chứng minh thư không? Không có cũng được, cô lo cho nhanh chóng mà lấy tiền về quê không có muộn”.

Sau một hồi đon đả đưa đi làm thủ tục, bà "chủ nợ" gợi ý ngay: “Ở đây không lấy được tiền ngay đâu, phải xét nghiệm xong mới được, còn nếu muốn lấy ngay cô đưa tiền cho, rồi bồi dưỡng cho cô chút ít. Nếu cháu lấy 250ml được 150 nghìn thì cô đưa cho cháu 140 nghìn, còn bồi dưỡng cô 10 nghìn…”. Đây là những "chiêu bài" của "chủ nợ" đối với những người bán máu lần đầu tiên khi không có thẻ hiến máu cũng như "quan hệ".

d
Khung cảnh trước phòng bán máu
Thấy thế, chị M. nói: "Ở đây cho vay lãi rất nặng, có lần thiếu tiền đóng học cho con chị vay có 1 trăm nghìn đồng, sang tháng sau chị phải trả tới 130 nghìn đồng". Chị vừa kể vừa tỏ ra rất bức xúc: “Mấy mụ này trước đây toàn những người đã từng đi bán máu chuyên nghiệp, bây giờ già nên không bán mà làm cái trò này”.

Phòng chờ bán máu ngày một vắng tiếng người, những câu chuyên dần nhạt nhẽo. Để lại trơ trọi 2 nhân vật cho vay lãi lúi húi kiểm tra sổ sách, tiền bạc rồi cũng từ từ ra về. Họ đã hoàn thành công việc “hút máu” của người bán máu.

Bệnh viện thờ ơ hay bất lực?

Trao đổi với VietNamNet, TS Đỗ Thị Minh Cầm - Trưởng khoa Truyền máu (Bệnh viện Nhi TW) cho biết: “Vài năm gần đây cũng có xuất hiện những người như thế này, đã nhiều lần bệnh viện trực tiếp gặp nhưng họ trà trộn vào những người bán máu nên rất khó…”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, các chủ nợ cho vay lãi có những hành vi khá công khai, tự do và hơn nữa là ngày nào cũng xuất hiện tại đây. Việc giao tiếp, đi lại với các y tá là rất thân quen và gần gũi. Điều này có thể thấy không thể có chuyện "trà trộn" của các chủ nợ, việc các chủ nợ thực hiện hành vi cho vay là rõ như ban ngày mà ai cũng biết.

d
Chủ nợ tính toán lời lãi sau một ngày "làm việc"
Và sau đó, chính TS Đỗ Thị Minh Cầm cũng thừa nhận: “Đây là chuyện họ vay mượn với nhau, thỉnh thoảng họ có to tiếng nhưng chưa đến mức độ xảy ra xô xát. Chưa đến mức độ
phải động đến chính quyền hay an ninh trật tự. Bệnh viện chỉ nhắc nhở…”.

Việc xuất hiện những chủ nợ tại bệnh viện đã khiến không ít người cảm thấy bức xúc và phản cảm. Nhưng theo lãnh đạo của khoa truyền máu, thì việc cho vay lãi tại đây là "đời sống riêng tư của những người bán máu", nếu không vay mượn được thì họ sẽ rất khó khăn, họ không vay chỗ này thì vay chỗ khác…

TS Cầm cho biết, những người bán máu thuộc nhiều thành phần xã hội, họ có những cách “ứng xử” riêng của mình. Trước đây, có một bác sĩ (nay đã về hưu) làm việc khá nghiêm túc và không được lòng những người bán máu nên đã bị đánh, ném. Chính vì vậy mà không ai muốn "động chạm" vào.

Bất luận thế nào, bệnh viện cũng như khoa truyền máu phải có những biện pháp xử lý hành vi cho vay nặng lãi tại đây. Để môi trường bệnh viện luôn sạch và quan trong hơn là những người bán máu không bị “rút máu” sau khi đã bán máu.

  • Quang Anh




,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,