- Khác với nỗi ám ảnh như những đợt lễ trước, tất cả các tuyến đường cửa ngõ về Hà Nội chiều 3/5 không có ùn tắc nghiêm trọng, khiến ngày trở về của những ai có chuyến nghỉ lễ xa Hà Nội trong 4 ngày nghỉ bớt đi chút ít mệt mỏi.
Nhưng vất vả nhất là những sinh viên trở lại Hà Nội sau 4 ngày về quê.
Tại bến xe Giáp Bát, khu vực đỗ xe buýt, cảnh chen lấn, chờ đợi tới giờ xe mở cửa của hàng trăm sinh viên cứ nối tiếp nhau hết “ca” này tới “ca” khác.
Cảnh chen lấn lên xe buýt ở bến xe Giáp Bát chiều 3/5 Ảnh:H.Lê |
Các tuyến 32 Giáp Bát – Nhổn, hay 16 Giáp Bát – Mỹ Đình đều được tăng cường nhưng luôn chật như nêm, chen chúc ngay từ khi xe chưa xuất bến.
Theo ghi nhận của PV, các lái xe về bến Nước Ngầm, Giáp Bát đều cho biết các tuyến cửa ngõ về Thủ đô không căng thẳng như lo sợ của họ và không ám ảnh như các dịp lễ trước, như Tết dương lịch cách này 4 tháng.
Gần đó, cửa ngõ phía Nam từ bến xe Nước Ngầm - Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ, các phương tiện nối đuôi nhau đông nhưng vẫn chạy từ từ được.
Đến 18h, ngã 3 Ngọc Hồi - Ngũ Hiệp mới vãn xe và các phương tiện bắt đầu di chuyển nhanh hơn.
Chiều và chiều tối 3/5, các lái xe cho hay xe về bến dễ dàng, không như các dịp lễ khác, thường ùn tắc kinh hoàng ở cửa ngõ Thủ đô Ảnh:H.Lê
Lúc 17h, xe khách từ phía Tây ùn ùn kéo về khiến tuyến đường Phạm Văn Đồng, từ cầu Thăng Long về Hoàng Quốc Việt trở nên vô cùng chật hẹp, song các phương tiện vẫn có thể di chuyển chậm.
Ùn ứ chút ít là từ chân cầu Nam Thăng Long tới ngã tư Cổ Nhuế. Dù vậy, chiều ngược lại, từ Metro đi cầu Thăng Long hoàn toàn thông thoáng.
Trước bến xe Mỹ Đình, cảnh ùn ứ kéo dài qua cả cổng bến xe diễn ra chút ít do xe khách nối đuôi nhau vào bến trả khách. Vì thế, xe buýt thì gần như không thể vào bến và buộc phải trả khách cách trạm cả chục mét. Tương tự, sân trước của bến chủ tập trung kín xe buýt và taxi, xe máy đón người nhà với lỉnh kỉnh túi xách, ba lô.
Các tuyến buýt từ bến xe vào trung tâm thành phố là "căng" nhất Ảnh:H.Lê |
Điều đáng chú ý, theo ghi nhận từ kênh VOV Giao thông, những tính hiệu về giao thông đều khả quan khi các PV, CTV của kênh này liên tục truyền về những thông tin "không tắc đường" từ hầu hết các tuyến phố.
Từ 18-19h, chúng tôi cũng không nghe một thông tin ùn tắc nào từ kênh giao thông này.
Bất ngờ với giao thông tại TP.HCM sau lễ
Chiều 3/5, các cửa ngõ của TP.HCM đón nhận dòng người từ các nơi đổ về sau lễ 30/4 và 1/5. Đại diện bến xe miền Đông cho biết, lượng khách đi lại dịp lễ năm nay tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, chiều 3/5, ở cửa ngõ phía Đông, dòng người đổ về trên quốc lộ 13 tăng dần khiến tình trạng ùn ứ cục bộ xảy ra ở khu vực bến xe miền Đông.
Đại diện bến xe miền Đông cho biết, lượng khách đi lại dịp lễ năm nay tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi ngày bến xe huy động gần 1.800 xe ô tô và 75 xe buýt đưa rước khách. Ngày cao điểm bến xe vận chuyển khoảng 50.000 lượt hành khách ra vào bến.
Ùn ứ cục bộ do người dân các tỉnh đổ về thành phố chiều 3/5 ở khu vực bến xe miền Đông. Ảnh: Thái Phương |
Tương tự ở cửa ngõ miền Tây, người dân các tỉnh ĐBSCL cũng bắt đầu ồ ạt đổ về thành phố.
Thông thường, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ hàng năm, các tuyến đường cửa ngõ phía Tây và phía Đông TP.HCM đều kẹt cứng phương tiện giao thông do dòng người nghỉ lễ đổ dồn về. Tuy nhiên, đợt nghỉ lễ năm nay, các cửa ngõ của TP.HCM đã không xảy ra kẹt xe nghiêm trọng.
Tuy nhiên, một số tuyến quốc lộ như quốc lộ 51 từ Vũng Tàu về TP.HCM, quốc lộ 1A từ miền Tây về thành phố nhiều đoạn lại bị ùn ứ kéo dài. Một số khu vực khác như trước Khu du lịch Suối Tiên (Q,9, TP.HCM) ngã ba Vũng Tàu (Biên Hòa, Đồng Nai)… có xảy ra ùn ứ cục bộ.
Từ chiều 2/5, dòng người từ Vũng Tàu, Long Hải đổ về TP.HCM trên tuyến quốc lộ 51. Ảnh: Thái Phương |
“Rút kinh nghiệm các dịp lễ trước về sát ngày thường bị kẹt xe, lễ năm nay cả nhà tôi về sớm một ngày. Vừa thong thả lại không chịu cảnh khổ sở khi phải chen chúc vì kẹt xe trên đường”, anh Nam, nhà ở quận 3 cho biết.
- Hà Lê - Thái Phương