- Một bé trai chừng vài ngày tuổi được phát hiện trong thùng rác trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, TP.HCM. Đứa bé thoi thóp, đỏ hỏn, run rẩy, bị kiến bu kín mặt mũi, tay chân...Dường như nó không thể qua khỏi, chỉ còn chút hơi thở yếu ớt. Những người lao công tình cờ phát hiện đã chung tiền mua một chiếc hòm, định bụng khi em trút hơi thở cuối cùng sẽ khâm liệm rồi mang đi thiêu coi như làm phúc...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những đứa trẻ bị bỏ rơi...
Câu chuyện đó xảy ra cách đây 8 năm. Khi ấy cô Huỳnh Tiểu Hương (hiện là giám đốc Trung tâm nhân đạo Quê Hương) đang đi công tác tại Đồng Nai. Nhận được điện thoại báo, cô vội vàng ngồi xe ôm trở lại TP.HCM.
Bất chấp đứa bé đó có sống được hay không, rất quyết đoán, Huỳnh Tiểu Hương đưa cho người lao công phát hiện ra em bé 10 triệu đồng để trả ơn rồi tức tốc đưa em đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu.
Đứa trẻ bị viêm phổi nặng phải nằm viện rất lâu, ít ai nghĩ rằng sinh mạng của em được cứu từ buổi gặp gỡ định mệnh đó.
Còn giờ đây, bé trai đó đã lên 7 tuổi, được mẹ Hương đặt cho cái tên rất đỗi thân thương: Huỳnh Tiểu Cơ.
Cũng trong năm 2002, Huỳnh Tiểu Hương nhận thêm một bé gái sinh non bị vứt bên đường. Cân nặng của đứa trẻ khi ấy chỉ vỏn vẹn có 7,5 lạng. Em bé sống sót, khỏe mạnh, được đặt tên là Huỳnh Tiểu Như.
Theo cô Hương, 70% - 80% trẻ ở Trung tâm nhân đạo Quê Hương được tìm thấy trong tình trạng bị bỏ rơi; lúc ấy kiến, muỗi, côn trùng cắn. Nhiều em tìm thấy trên vỉa hè, trước cửa nhà...bệnh nặng đã chết trên đường đi cấp cứu..Có bé từ khi chỉ là bào thai trong bụng, đã bị mẹ rắp tâm giết hại bằng cách bó bụng, khi sinh ra có thể trạng không bình thường..
Những đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi lọt lòng được đón về nuôi dưỡng, đùm bọc tại Trung tâm nhân đạo Quê Hương. Ảnh: Thanh Huyền. |
Trung tâm nhân đạo Quê Hương nằm tại xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tại đây, ngoài giám đốc là cô Huỳnh Tiểu Hương, 320 thành viên còn lại đều là người khuyết tật, cơ nhỡ.
Những đứa trẻ tại trung tâm được nhận về từ mọi miền đất nước, không cần biết quá khứ trước kia ra sao, gốc gác thế nào...chúng chỉ biết mình có chung một người mẹ và tự coi mình mang họ Huỳnh. Tình yêu dành cho mẹ Hương còn lớn hơn cả ruột thịt bởi cô như người tái sinh, cưu mang các em trước sóng gió cuộc đời..
Bà mẹ của 320 trẻ mồ côi, tật nguyền.
Hiện, Trung tâm Quê Hương đang nuôi dưỡng 320 trẻ em tật nguyền, chậm phát triển. Giám đốc Huỳnh Tiểu Hương đưa chúng tôi đi thăm các bé trong Trung tâm. Khi đi qua một lớp học, bất chợt thấy bóng me Hương, những đứa trẻ đổ dồn ra cửa lớp gọi: “Mẹ, mẹ ơi!”. Một bé gái chừng 2 tuổi, chập chững đi, không chen nổi các bạn đồng lứa, chỉ biết đứng vịn tay vào song cửa, nhìn theo mẹ, khóc nức lên...
Cô Huỳnh Tiểu Hương chạy lại, dang tay ôm trọn các bé vào lòng, cô bế em bé đang khóc lên nựng: “Sao vậy con, mẹ yêu con, mẹ thương…tất cả các con!”. Em bé nước mắt ngắn dài, bi bô, hai tay ôm chặt cổ mẹ Hương không muốn xa rời, những đứa khác bấu vào gấu áo, ôm chân, tay…sợ mẹ đi mất.
“Khi xuống với các con, tôi phải mặc chiếc áo bà ba xẻ tà để tụi trẻ có chỗ níu kéo. Tôi có 10 ngón tay, mỗi ngón để 2 đứa con nắm chặt. Những lần vội đi công tác, tôi phải len lén trốn, sợ bọn trẻ biết, khóc lóc, đòi theo rồi lại không nỡ xa rời” - người đàn bà có 320 đứa con tâm sự.
Trung tâm nhân đạo Quê Hương chính thức được thành lập tại Bình Dương từ năm 2001. Từ đó đến nay, rất nhiều đứa trẻ lang thang đã được nuôi dưỡng, dạy nghề. Trong số đó, nhiều bé đã trưởng thành, lập gia đình và có công việc ổn định.
Cô Hương chậm rãi kể, giọng tự hào: “Tôi được làm bà nội, bà ngoại rồi đấy. Cháu ngoại của tôi có đứa đã 6 tuổi. Chỉ trong năm 2010, Trung tâm đã tổ chức đám cưới cho 3 đứa con. Suốt ngày, tôi phải làm quan tòa xử kiện. Đứa bé thì tranh giành nhau để được gần mẹ, mấy đứa lớn lập gia đình, ra ở riêng, vậy mà khi xích mích, cũng chạy về mách "tội" với mẹ Hương”
Từ giờ, em bé này sẽ không còn bị người đời hắt hủi, chà đạp nữa. Ảnh: Thanh Huyền. |
Cô Huỳnh Tiểu Hương tự hào về những đứa con: “Tôi rất vui vì những đứa con khi rời mái ấm, trưởng thành trong cuộc sống. Cụ thể là con trai tôi, cháu đang làm quản lý tại một công ty phụ tùng xe ở Đồng Nai. Nó rất giỏi nghề, mỗi tháng gửi về cho mẹ 10 triệu đồng để hỗ trợ nuôi các em. Hoặc đứa con gái tên Nhân, thấy con bé có khiếu học, tôi đã ráng nuôi cháu tốt nghiệp đại học Kinh tế. Giờ nó đang làm kế toán cho một công ty tại Đồng Nai...”
Nói đến đây, giọng Tiểu Hương trầm lại: “Tôi mừng vì các con thoát khỏi cảnh bụi đời, được mọi người tôn trọng, có nghề nghiệp ổn định. Nhiều người tìm đến Trung tâm xin các con tôi về nuôi nhưng tôi dứt khoát không cho. Mẹ con tôi rau cháo nuôi nhau cũng đành chứ tôi không để bọn trẻ rơi vào hoàn cảnh bị ngược đãi, hắt hủi giống như đời mình. Cuộc đời tôi đã quá chua xót, phũ phàng, nên tôi không tin tưởng giao lũ trẻ cho bất kỳ ai, tôi muốn trực tiếp chăm sóc chúng, nhìn chúng khôn lớn từng ngày…”
Là những người đồng cảnh ngộ nên cô Huỳnh Tiểu Hương và lũ trẻ cơ nhỡ xích lại gần, che chở, yêu thương...Đối với lũ trẻ, cô Tiểu Hương là một người mẹ, một thiên thần cứu cánh, còn đối với Tiểu Hương, bọn trẻ là máu thịt, gia đình.
-
Thanh Huyền