221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1275749
Sống cùng... súng và nỗi ám ảnh kinh hoàng ở Tây Nguyên
0
Article
null
Sống cùng... súng và nỗi ám ảnh kinh hoàng ở Tây Nguyên
,

Không giống việc sử dụng “hàng nóng” như các băng nhóm xã hội đen ở các thành phố lớn khác. Chuyện dùng súng ống tự chế ở Tây Nguyên có những nét hết sức riêng biệt. Nhưng việc sử dụng súng ở Tây Nguyên tràn lan khiến các nhà quản lý hết sức đau đầu.

Sống cùng với súng

Cuối tháng 11/2009 vừa qua, ông Phạm Minh Thực - Bí thư chi bộ thôn 9, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã bị Công an khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tàng trữ vũ khí trái phép, tang vật bị thu giữ là 3 khẩu súng tự chế, ông Thực là người phía Bắc vào đây sinh sống, ông rất thực thà, chất phác làm ăn, có khi trong suy nghĩ của ông súng ống chẳng qua là phương tiện sinh sống, mình không biết sử dụng nên mới bị truy tố.

Qua tìm hiểu của chúng tôi là một thực tế ở huyện Đắk Glong có nhiều rừng tự nhiên; trong đó có Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Ở đây tồn tại một đội ngũ thợ săn chuyên nghiệp dùng súng truy sát thú rừng từng giờ.

Người dân từ lâu đã quen việc mua thịt rừng như mua thịt heo, gà như ở chợ; hành vi vi phạm này, người dân địa phương coi như chuyện thường ngày ở phố huyện. Mặt khác ở các phố huyện heo hút này lại cứ đòi nằng nặc được bổ sung vào Nghị quyết 30a của Chính phủ toàn là người Mông di cư tự do "nhảy dù vào đây", họ ở rải rác, rồi nhúm lại thành 17 điểm dân cư nằm ở trong rừng, mỗi điểm cách nhau cả ngày trèo đồi, lội suối.

Ông Lương Vĩnh Linh - Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) khẳng định với chúng tôi: Thợ săn các xã xung quanh vườn không bao giờ thiếu hạt nổ, thuốc súng, đầu chì cho hàng trăm khẩu súng bắn đạn trùm, tầm truy sát rất cao.

Vụ sát hạ 40 con voọc chà vá chân đen - nhóm động vật có nguy cơ tuyệt chủng vào Tết Đinh Hợi năm 2007 ở lõi vườn, cho thấy khả năng sát thương hàng loạt của loại súng bắn đạn trùm này. Thợ săn Hoàng Se Quang Seo cùng 4 đối tượng khác đi làm về khi nhìn thấy bãi phân đã xác định được đàn voọc, cả bọn ngồi phục cho đàn voọc tập trung trở về, thế là cả 5 khẩu súng đồng loạt khai hoả, không một con voọc nào thoát được vì súng bắn ra cả trùm đạn bao trùm toàn bộ mục tiêu.

Cũng theo ông Linh, việc săn bắn thú thì có từ thời tổ tiên ta, song người dân tộc bản địa như người M’nông, Ê Đê săn bắt thú bằng cung tên, khi một bộ phận người Mông di cư tới, lúc đó mới xuất hiện việc dùng súng để sát hại thú rừng, sau là loại súng sát thương kinh hoàng hơn là siêu súng bắn đạn trùm.

Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Khi ông trời chuẩn bị đi ngủ vào tháng 3/2009, Đinh Thanh Bẩy cùng với mẹ là Nguyễn Thị Lộc, chị dâu Hoàng Thị Thuỷ, ở thôn Tây Hà 3, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk ghé vào nhà ông nội Bẩy để lấy cái cuốc, khi thấy cây súng 1,2m hay hay, Bẩy đã lấy súng nhắm thẳng vào đầu chị dâu, rồi bóp cò súng, chị Thuỷ chết ngay tại chỗ.

Cho đến bây giờ, bà Lộc vẫn còn nghẹn ngào cho biết, thà chết vì bệnh tật, hay tai nạn, đằng này lại chết vì trò nghịch tai hại của thằng em. Chuyện gia đình bà Lộc chỉ là một trong 34 vụ tai nạn vì súng tự chế khiến cho 35 người chết, 30 người bị thương ở tỉnh Đắk Lắk trong vòng 10 năm qua, đó là các trường hợp bắn nhầm bạn săn, cưa đầu nổ, nổ mìn đào giếng…

Không chỉ vô ý làm chết người, súng tự chế còn là nỗi ám ảnh cho các lực lượng thi hành công vụ ở Tây Nguyên. Ngày 6/7/2009, Công an xã Ea Tân (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) vây bắt Nông Văn Đức là đối tượng cầu đầu một vụ trả thù tập thể; trong khi Công an đang lấy lời khai tên Đức tại nhà ông Ngô Văn Hoà ở Buôn Đét, xã Ea Tân thì 15 đối tượng kéo đến đòi thả Đức, yêu cầu không đáp ứng, cả bọn liền ném liên tiếp 5 quả mìn vào nhà ông Hoà khiến 4 người bị thương tích nặng, căn nhà ông Hoà tan nát. Tuy nhiên, nạn nhân chủ yếu là lực lượng bảo vệ rừng.

Như ở Đắk Lắk năm 2009 có 10 vụ, nhiều nhất là ở Lâm trường Buôn Ja Vầm (xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk). Cán bộ lâm trường Nguyễn Kim Mưu cho biết: "Đêm ngày 27/5/2009, chúng tôi phát hiện 8 lâm tặc mang theo 3 khẩu súng đang vận chuyển gỗ, Lê Văn Thuật đã chĩa súng vào từng người trong đoàn chúng tôi và đe dọa: Xe tao đi chở gỗ là phải về tới nhà tao, thằng nào cản đường là ăn đạn. Tưởng Thuật chỉ đe dọa. Không ngờ khi tên Thuật chĩa súng vào tôi thì nó bắn luôn, tôi bị tràn dịch ổ bụng, thủng gan vì 3 viên đạn ghém".

Cán bộ bảo vệ rừng Lâm trường Buôn Ja Vầm bị lâm tặc tấn công trọng thương đang nằm cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk.

Mới đây kiểm lâm vườn Quốc gia Chư Yang Sin đã bắt được cả súng ống, chó săn và 2 con voọc bị giết hạ. Lúc đầu, bọn chúng thấy lực lượng Kiểm Lâm lực lượng mỏng, trong khi trang bị chỉ có roi điện, bình xịt hơi cay, nên 2 tên đã vác súng gí kiểm lâm kèm ra tận cửa rừng. Ông Linh cho biết, trong trường hợp này, không có lực lượng hỗ trợ thì thượng sách nhất là rút lui. Hàng năm số lượng súng mới được bổ sung trong cộng đồng cư dân ngày một gia tăng.

Trong khi cơ quan Công an thời gian qua mới chỉ phát hiện một số vụ tàng trữ, sử dụng súng, vật liệu nổ; đó chỉ là tảng băng chìm mà thôi. Điều quan trọng nhất là việc chế tạo súng và sử dụng của đồng bào Mông là tập quán đáng lo ngại. Chừng nào họ còn sống ở trong rừng, xa chính quyền thì còn việc chế tạo và sử dụng súng, vật liệu nổ…

Chính vì thế, ông Đàm Quang Trung vừa nhậm chức Chủ tịch huyện Đắk Glong (Đắk Nông) đã khăn gói ra Trung ương xin 20 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng cho 17 điểm cư dân ở trong rừng, giúp đỡ người dân trong sinh hoạt và sản xuất, kéo người dân gần chính quyền, xa rừng, có như thế mới hạn chế tình trạng tàng trữ, sử dụng súng và vật liệu nổ.

Ở Đắk Lắk, trong 10 năm qua, có 81 vụ dùng vũ khí và vật liệu nổ gây án làm chết 15 người, bị thương 70 người, cơ quan Công an đã khởi tố 36 vụ, 56 đối tượng có liên quan về tàng trữ vũ khí trái phép. Các cấp chính quyền đã vận động người dân tự nguyện giao nộp 2.092 khẩu súng săn, 669 khẩu súng quân dụng, 79 khẩu súng thể thao, cùng hàng nghìn viên đạn, hàng trăm quả lựu đạn, gần 1 tấn thuốc nổ.


(Theo CAND)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,