221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1275449
"Niềm riêng Mỹ Hòa" trong ngày thông cầu Cần Thơ
1
Article
null
'Niềm riêng Mỹ Hòa' trong ngày thông cầu Cần Thơ
,

- Ngày thông xe cây cầu lớn nhất Đông Nam Á, rất đông bà con từ các nơi đến thắp hương, tưởng niệm những công nhân bị thiệt mạng trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Đau thương ở xã Mỹ Hòa - nơi có 34 người thiệt mạng cũng dần lùi lại về quá khứ, nhường chỗ cho niềm vui chung của cả vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

TIN LIÊN QUAN

Trong ngày thông cầu Cần Thơ, có lẽ không ít người sẽ ngậm ngùi khi nhớ lại vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu khủng khiếp trong 2007 đã cướp đi 55 mạng người. Riêng xã Mỹ Hòa ( huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) có đến 34 người chết, 41 người bị thương.

Thế nhưng, với người dân nơi đây, đau thương cũng đã lùi dần về quá khứ, nhường chỗ cho niềm vui chung, lớn lao của hàng triệu triệu người dân hai bên bờ sông Hậu và của cả vùng Đồng Bằng sông Cửu Long.

Người tứ phương về đây tưởng nhớ ...

Ngay dưới chân hai nhịp cầu dẫn Cần Thơ - nơi xảy ra vụ sập trước đây giờ là đường mòn người dân qua lại. Cách đó không xa, chùa Bồ Đề ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long uy nghi nằm bên cạnh. Bia tưởng niệm 55 nạn nhân bị thiệt mạng đã được dựng lên. Trong những ngày qua, Không chỉ người thân nạn nhân đến viếng mà rất nhiều bà con từ các nơi cũng về thắp hương cầu khấn cho những người đã mất…

Bà Lê Thị Dung, nhà ấp Mỹ Hưng 1 không kìm được xúc động khi kể về 2 người con trai Lưu Tuấn Mãi và Lưu Thanh Điền mất trong vụ tai nạn, khi mới 19 và 17 tuổi: “Mới sáng sớm hai đứa nó còn ăn cơm, nói chuyện rôm rả với tôi thì một tiếng đồng hồ sau đứa mất, đứa cấp cứu trong bệnh viện khiến tôi rụng rời...”. Gần 3 năm trôi qua nhưng nỗi đau mất đi cả 2 người con khiến bà nghẹn lòng khi nhắc lại chuyện cũ.

Bia tưởng niệm 55 nạn nhân chết trong vụ sập cầu Cần Thơ năm nào như một lời tri ân sâu sắc đến người đã khuất. Ảnh: Thái Phương

19.jpg

Tượng Phật Quan Âm dựng ngay dưới chân trụ tháp cầu Cần Thơ. Ảnh: Thái Phương

“Ai cũng vui mừng thấy cây cầu to đẹp được thông xe nhưng thấy người ta rủ nhau ra xem cầu Cần Thơ mà tôi lại xót lòng. Thậm chí tôi không dám bước chân ra ngoài cầu, tới gần chỗ hiện trường vụ sập…”, bà Dung nghẹn lời.

Nỗi đau lùi lại…

Anh Nguyễn Văn Nghi, người dẫn tôi đến từng nhà có người bị chết trong vụ sập nhịp dẫn cầu vẫn còn nhớ như in: “Nhà này chồng chết, nhà này cũng chồng chết, nhà này bố chết cậu con trai được ông chú ruột nuôi…”, anh Nghi nói mình cũng giật mình vì đoạn đường chỉ hơn 100m mà có tới 7 người chết.

Anh Khoa may mắn sống sót nhưng người anh trai của anh không còn. Anh bảo, thời gian sẽ làm lành vết thương... Ảnh: Thái Phương

Chúng tôi vào nhà anh Lưu Hoàng Khoa (22 tuổi) khi trời vừa ập tối. Anh ra đón khách với nụ cười hiền hậu nhưng phảng phất nét buồn. Anh đến bàn thờ người anh trai Lưu Hoàng Phúc (mất khi vừa 24 tuổi) thắp nén nhang rồi bồi hồi kể: "Lúc đó, cả nhóm vừa bắt đầu vào làm việc ca sáng thì xảy ra sự cố. Tui chỉ kịp nghe tiếng ầm lớn rồi người bị hất lên cao và bất tỉnh. Sau 16 ngày hôn mê trong bệnh viện tỉnh dậy, anh mới biết anh ruột của mình không còn… "

Anh Khoa bị thương ở đầu, tay gãy 3 chỗ giờ vẫn chưa lành hẳn. “Chính xác thì hai anh em làm được 2 tháng 26 ngày, lãnh công được 2 lần. Lúc đó anh Phúc chưa kịp lấy vợ, chỉ vừa có người gật đầu đồng ý mấy hôm trước…” - anh Khoa kể tiếp: “Cha mẹ tôi bị sốc nặng khi vừa phải chăm con trên bệnh viện, vừa lo mai táng đứa khác mất… Ruộng vườn sau đó cũng bỏ hoang không ai làm vì suy sụp tinh thần”.

Buồn là vậy nhưng nghĩ đến cây cầu Cần Thơ hoàn thành có xương máu của anh mình, của mình đổ xuống, niềm vui cũng ánh lên trong đôi mắt người cựu công nhân này. Anh bảo: " Tháng 4 này tui sẽ cưới vợi. Thời gian sẽ làm lành mọi vết đau. Vườn bưởi của ba mẹ đã được chăm sóc nên giờ cũng bắt đầu ra trái trở lại ..."

Niềm tự hào cầu Cần Thơ

Ngôi nhà lá ọp ẹp của hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Chí (người bị nạn trong vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ) ngày xưa giờ đã được thay thế bằng ngôi nhà gạch mái tôn khang trang. Đứa con sinh thiếu tháng của hai vợ chồng anh chị sau tai nạn kinh hoàng năm đó giờ đã 3 tuổi, gọi ba mẹ í ới suốt ngày.

Nhắc lại chuyện cũ, anh Chí đùa: “Ai sợ ra cầu chứ tui không sợ. Vì lúc đó đang làm thì bị nạn rồi bất tỉnh luôn nên chẳng nhớ gì”. Trong lúc đó, vợ anh ở nhà mang thai 8 tháng khóc hết nước mắt vì chồng, Thấy chị bụng bầu mà ngày nào cũng lội sình tới đầu gối, đi lại thăm anh Chí các bác sỹ khuyên nên xin con sớm cho đỡ nguy hiểm. Và chị sinh đã non đứa con đầu lòng trong lúc chồng đang hôn mê chưa biết ngày tỉnh….

Với anh Chí, giờ chỉ mong có công việc ổn định sau chấn thương nặng trong vụ sập cầu khiến anh hôn mê bất tỉnh... Những ngày này, nỗi đau năm nào cũng đang nhường chỗ cho niềm vui chung của bà con quanh vùng khi thấy cây cầu Cần Thơ hoàn thành. Ảnh: Thái Phương

Chùa Bồ Đề được xây dựng chỉ cách vài trăm mét nơi xảy ra vụ sập nhịp dẫn cầu năm nào. Mỗi ngày không chỉ người thân, người dân quanh vùng mà ở khắp nơi mọi người cũng về đây cầu siêu cho những nạn nhân xấu số. Ảnh: Thái Phương

Chuyện sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm nào đã lùi lại quá khứ, người thân của các nạn nhân cũng trở về với nhịp sống hàng ngày dù vẫn khoắc khoải mỗi lần nghĩ đến người chết… Còn với người bị thương, mong mỏi của họ là được hỗ trợ tạo việc làm để có thể tự kiếm tiền phụ giúp gia đình.

“Giờ chỉ mong có công việc gì nhẹ nhàng, lương thấp nhưng ổn định để anh làm kiếm tiền nuôi con. Chứ giờ anh vẫn còn biến chứng của vụ sập, lâu lâu hay quên và thường bị nhức đầu khi ra nắng” - chị Trần Thị Phượng Phượng, vợ anh Chí bộc bạch. Hiện hai vợ chồng giờ sống chủ yếu bằng tiền sổ gởi tiết kiệm hàng tháng của nhà hảo tâm giúp đỡ từ lần gặp tai nạn.

Rời Mỹ Hòa bằng con đường bê tông sạch đẹp, phía xa, cầu Cần Thơ lung linh, rực rỡ trong đêm. Thời gian đang làm nguôi ngoai nỗi mất mát của người dân Mỹ Hòa. Và giờ đây, cầu Cần Thơ trở thành niềm tự hào của họ vì có nước mắt và máu xương của người dân nơi này.

  • Thái Phương

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,