- Sà lan lại vướng cầu Bình Lợi làm tàu đi qua cây cầu đường sắt này bị phong tỏa trong 6 giờ liền.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giải cứu sà lan
Lúc 6h sáng ngày 15/4, đoàn tàu SE 1 Hà Nội – Sài Gòn từ từ tiến vào cầu Bình Lợi (nằm ở vị trí giáp ranh giữa quận Bình Thạnh và quận Thủ Đức, TP.HCM) với tốc độ rất chậm. Đây là đoàn tàu đầu tiên qua cầu sau 6 giờ cầu bị phong tỏa.
Trước đó, lúc 0h30 cùng ngày, sà lan rỗng có trọng tải 990 tấn mang số hiệu SG 4991 được lai dắt bởi tàu kéo LA 03797 do tài công Nguyễn Văn Hùng (1972 ngụ Long An) điều khiển lưu thông trên sông Sài Gòn hướng về hạ lưu. Sau khi hơn 2/3 sà lan qua được khỏi cầu Bình Lợi, bất ngờ phần còn lại vướng chặt vào dầm cầu đường sắt (phía trên mặt cầu).
Đường sắt bị gián đoạn trong 6 giờ liền. |
Sự cố được các đơn vị có liên quan phát hiện và lập tức lệnh phong tỏa cầu được ban ra. Tất cả các loại phương tiện qua lại cầu đều bị ngăn chặn. Dưới sông, phòng CSGT Đường thủy cũng đã có mặt điều tiết các phương tiện thủy đi vào luồng lạch khác tránh xa hiện trường nơi có sà lan bị nạn.
Quan sát tại chỗ, chúng tôi ghi nhận 4 4 ống trụ sắt trên sa lan đã vướng và đội cầu. Trong khi đó, con nước lớn về sáng đã bắt đầu dâng cao đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của cầu Bình Lợi, cây cầu đường sắt trên trục đường sắt Bắc- Nam. Toàn bộ thủy thủ trên sà lan và nhiều đon vị liên quan có mặt đã hợp lực dùng máy bơm bơm nước vào nhằm hạ thấp sà lan nhưng đều vô hiệu.
Sở Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn đã huy động một lực lượng cứu nạn hùng hậu gồm 82 cán bộ chiến sĩ thuộc các phòng Cảnh sát PCCC Bình Thạnh, Q.9, Q.1, phòng CSPCCC trên sông, lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp với 6 xe chữa cháy, 1 xe trạm bơn , 3 ca nô và 7 máy bơm đã dùng nhiều biện pháp nhằm hạ độ cao đưa sà lan ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Phó Giám độc Sở Cảnh sát PCCC, người trực tiếp chỉ huy cho biết, dính vào với dầm cầu đường sắt là 4 trụ ống trên sà lan. Để hạ độ cao của 4 trụ này, lực lượng cứu nạn đã phải khoét hai bên mạn sà lan nơi tiếp giap với mép nước để tháo nước vào trong. Song song với biện pháp này nhiều máy cắt sắt, máy hàn được đưa đến hiện trường và sau 3 giờ phố hợp với các lực lương ban ngành, trụ sắt đã được cắt rời và tàu kéo đã kéo được sà lan ra khỏi cầu vào lúc 5h30 sáng.
Nhiều chuyến tàu sắt bị hủy
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, sau khi hạ được 3 trụ, một trụ còn lại hết sức gay go. Thợ hàn đã cắt giáp vòng ống sắt nhưng do nước triều càng lúc càng cao ép chặt ông sắt vào dầm cầu bên trên khiến không thể nào rút đoạn ống vừa cắt xong. Phương pháp dùng gió đá chẻ nhỏ ống sắt được dùng đến nhưng cũng không kết quả. Búa tạ, kềm máy đều không phát huy được tác dụng. Tuy nhiên sau hơn một giờ vật lộn, đoạn ống sắt được lấy ra tạo khoảng cách giữa sà lan vào cầu. Tàu kéo từ từ lai dắt chiếc sà lan ra khỏi cầu trước sự vui mừng tột độ của lực lượng cứu hộ.
Trên mặt sà lan, lực lượng cứu hộ tiếp tục đưa nước vào khoang nhằm hạ độ cao sà lan. |
Theo đánh giá ban đầu của Công ty Quản lý đường sắt Sài Gòn, mức độ hư hỏng cầu là nhẹ không ảnh hưởng đến việc chạy tàu. Công ty sẽ tiếp tục theo dõi, giám định và có đánh giá chính xác về thiệt hại của cầu sau sự cố này.
Tai nạn xảy ra đã làm 3 chuyến tàu từ Hà Nội vào TP.HCM phải tạm dừng tại ga Bình Triệu và ga Sóng Thần trong nhiều giờ. Đồng thời 2 chuyến tàu khác khởi hành tại ga Sài Gòn đi Hà Nội cũng bị chậm hơn dự kiến khá nhiều.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố vướng cầu tại cầu Bình Lợi. Nguyên nhân ban đầu được xác định do tài công, thuyền trưởng không tuân thủ mực nước, cố tình đi qua cầu khi nước dâng cao đã gây nên sự cố trên.
Chùm ảnh giải cứu sà lan
Đoàn tàu SE 1, đoàn tàu đầu tiên qua cầu sau sự cố. |
Lực lượng cứu hộ khẩn trương cứu nạn.
Vận chuyển gió đá đến hiện trường.
Cắt ống sắt.
Bơm nước vào sà lan.
Đại tá Lê Tần Bửu hội ý cùng lái tàu và ngành đường sắt tìm biện pháp cứu cầu.
Tàu kéo sẵn sàng lai dắt .
Nước vẫn tiếp tục đưa vào các khoang.
Công tác cứu hộ không ít lần gặp khó do thủy triều dâng cao.
Sau 3 giờ vật lộn, chiếc sà lan được đưa ra khỏi cầu.