- Cùng với chỉ đạo phải vá ngay các vết nứt cầu Thăng Long trong tháng 3, Bộ GTVT cũng rất chú ý tới hồ sơ thiết kế và hồ sơ, công nghệ thi công khi chỉ đạo rà soát toàn bộ hồ sơ các công đoạn này.
TIN LIÊN QUAN:
>> Xuất hiện nhiều vết nứt trên mặt cầu Thăng Long
>> Cầu Thăng Long nứt do chạy tiến độ
>> Cận cảnh các vết nứt, long lổ trên cầu Thăng Long
>> Nứt mặt cầu Thăng Long do lỗi hệ thống
Phải vá xong trong tháng 3
Ngày 21/3, Bộ GTVT vừa chỉ đạo Cục Đường bộ, Ban Quản lý dự án 2 chỉ đạo nhà thầu tập trung khẩn trương sửa chữa các vị trí bị hư hỏng, xẻ rãnh thoát nước triệt để từ mặt bê tông nhựa ra máng thu nước. Các công việc này phải gấp rút hoàn thành trước 31/3.
Ông Bùi Xuân Trung, Tổng GĐ Công ty Bảo Quân (nhà thầu) cho biết, tại các vết nứt, đơn vị đã đục và dùng chính vật liệu SMA để vá lại. Các vết này sẽ được hoàn tất vá trong tuần này. Cùng với đó, công ty này đã mời chuyên gia từ Anh, Mỹ, Trung Quốc để đánh giá thêm sự cố nói trên.
Dù không tiết lộ chi phí cho các công việc này, song nhà thầu cho hay đều do họ bỏ ra vì vẫn trong thời gian bảo hành.
Bộ GTVT cũng chỉ đạo Vụ Khoa học Công nghệ chủ trì, phối hợp với Cục Đường bộ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Ban Quản lý dự án 2, Viện Khoa học công nghệ GTVT, nhà thầu rà soát lại toàn bộ hồ sơ thiết kế, hồ sơ thi công, công nghệ thi công, đánh giá chất lượng thi công lớp bê tông nhựa để tìm nguyên nhân và đề xuất phương án triệt để, đảm bảo tính bền vững của công trình trong quá trình khai thác.
Các vết nứt trên mặt cầu đã được vá Ảnh:Chí Hiếu |
Báo cáo của Cục Đường bộ và Ban Quản lý dự án 2 cho thấy, thời gian gần đây có hiện tượng động nước và xuất hiện một số vết nứt trên thảm bê tông nhựa, tập trung chủ yếu ở ½ liên 5 (Nhịp thứ nhất bên trái chiều Hà Nội – Nội Bài) như VietNamNet đã phản ánh trong bài trước.
“Nứt liên tục thế là có vấn đề”
Liên quan tới sự cố này, trao đổi với VietNamNet, PGS, TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: sau một thời gian ngắn vậy mà có nứt, vết nứt với mật độ như vậy là “có vấn đề”, cần tổ chức đánh giá, tìm nguyên nhân nhanh chóng để đề phòng vết nứt lan rộng, càng sớm càng tốt.
- Thưa ông, cầu Thăng Long, cây cầu huyết mạch cửa ngõ Thủ đô vừa thi công xong đã nứt, điều này có làm ông chú ý?
Vết nứt xuất hiện ở lớp phủ bề mặt cầu, lớp có chức năng cho xe đi lại êm thuận, còn phần kết cấu chính là phần thép chịu lực ở bên dưới.
Theo tôi được biết, dự án chỉ thay lớp bê tông bên trên. Nhưng cũng phải có đánh giá kết cấu này kỹ lưỡng, bởi như ta thay ngói nhà, dù chỉ thay lớp “áo” đó nhưng ta cũng soi xem cầu phong, kèo cột, biết cái nào hỏng để mà thay.
Với lớp bê tông trên này, vật liệu là loại khá đặc biệt, được thử nghiệm chu đáo ở các nước phát triển.
Song cũng cần lưu ý, vật liệu là một chuyện nhưng làm sao cho nó liên kết với lớp dưới nó, cũng như thay ngói nhà thì phải xem nó gắn trụ nào, cột kèo nào.
Nhiều vết nứt xuất hiện gần nhau Ảnh:Chí Hiếu |
- Với kinh nghiệm của một chuyên gia trong lĩnh vực này, ông nghĩ sự cố nứt lớp bề mặt cầu do do những nguyên nhân nào?
Kết cấu này chịu 2 tác động: Một là lưu lượng tải trọng xe đi qua và hai là chịu tác động nhiệt độ do phơi giữa trời, khi đó vật liệu bê tông và thép chịu biến động nhiệt khác nhau.
Nếu là do yếu tố nhiệt thì rõ là sự chênh lệch tĩnh về nhiệt độ của ta khác với những nơi mà vật liệu này đã được thử nghiệm, nhất là sự biến động đột ngột từ lạnh sang nóng rất nhanh ở nước ta. Tất nhiên bài toán này đã được tính toán, song cũng phải xem xét nghiêm túc, để đúng là yếu tố nhiệt thì phải có sự đánh giá lại vật liệu.
Còn nếu nứt do tải trọng xe thì để có sự đánh giá lại kết cấu ở dưới xem liệu còn an toàn không, ảnh hưởng mức nào.
- Ông có nói tới xem xét yếu tố tải trọng. Khi thi công, cầu vẫn để xe qua lại. Vậy một làn làm, một làn xe vẫn chạy, có ảnh hưởng, có thể dẫn đến việc nứt sớm thế?
Nguyên tắc thi công cầu thì vẫn cho phép 1 làn làm 1 làn chạy như thế.
- Thưa ông, chủ đầu tư và đơn vị thi công khi trao đổi với chúng tôi cũng phỏng đoán về nguyên nhân có thể do một mẻ trộn bê tông nào đó, như có gặp nước chẳng hạn, ông nghĩ sao?
Thông thường, với bê tông nhựa, nếu có vấn đề gì thì khi lăn, lu nó sẽ biểu hiện ra ngay. Ví dụ như lỗi trong cấp phối bê tông không hợp lý, hay do lỗi nhiệt độ bê tông thì khi đó (khi thi công) nó thể hiện vấn đề luôn, chứ không phải đến tận bây giờ.
Tất nhiên không nên phỏng đoán chủ quan mà cần phân tích nguyên nhân trên nguyên lý: chiều hướng vết nứt, khoảng cách nứt, vết nứt có phát triển theo thời gian không…
Xin cám ơn ông!
-
Chí Hiếu