"Dê xồm" trên xe buýt
Em Nguyễn Hoài M., sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Nông Lâm kể chuyện trong nỗi bàng hoàng: "Sáng 14/3, khi xe dừng tại Trạm Suối Tiên để trả và đón khách thì một người đàn ông khoảng 40 tuổi người gầy đét lên xe, đứng cạnh em. Xe chạy được vài trăm mét thì nhỏ bạn ngồi ở ghế sau nhắn tin cho em, bảo: "Người đàn ông đứng phía sau mày có hành động kỳ lắm, coi chừng".
Em còn chưa kịp phản ứng thì xe dừng lại. Tuy không thắng gấp nhưng người đàn ông giả vờ té nhào và dùng tay chụp vào người em. Khi ấy ông ta chủ động nói lời xin lỗi nên em không phản ứng được gì.
Nhiều nữ sinh viên phản ánh ngay cả lúc đợi xe họ cũng bị những kẻ xấu quấy rối.
Xe tiếp tục lăn bánh, tự dưng em có cảm giác nhồn nhột phía sau nên quay đầu ra sau và thấy ông ta đứng ở tư thế chồm sát. Sợ quá, em phản ứng hỏi: "Chú làm gì kỳ vậy?", thì ông ta trơ trẽn nói: "Tóc em thơm quá".
Tại trạm dừng ở phía đối diện, nhiều nữ sinh cũng kêu trời vì bị quấy rối. Sau một hồi nhìn chúng tôi với vẻ nghi ngại, Bích H., sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Bách Khoa cho biết, không chỉ em mà các bạn cùng phòng ở Khu A KTX Đại học Quốc gia cũng bị những kẻ bệnh hoạn quấy rối.
H. nói những tên bệnh hoạn thường hoạt động vào giờ cao điểm sáng và chiều. Khi ấy khách đông, mọi người phải đứng chen chúc nhau nên chúng trà trộn, cố tình ép sát người vào các bạn nữ, hoặc dùng tay hành động.
Hít thở thật sâu để lấn qua sự ngại ngùng, cô nữ sinh chuyển giọng rắn rỏi: "Mấy hôm trước em đón chiếc xe buýt mang BKS 53S-0066 tại ngã tư Hàng Xanh đi Hố Nai. Khi xe chạy tới ngã 3 Tân Vạn, em thấy nhồn nhột từ phía sau rất khó chịu. Theo phản xạ, em bất ngờ quay ra thì thấy một chú khoảng 30 tuổi, mặc quần Jean, áo thun đứng áp sát vào người em dù phía sau vẫn còn khoảng trống. Biết gặp phải "dê xồm", em tiến về phía trước để tách xa gã. Xe chạy một đoạn thấy mình với gã còn giữ khoảng cách nên em yên tâm. Ai ngờ sau vài bận khách lên xuống, em quay ra lại thấy gã cà sát vào người. Sợ quá nên đến trạm dừng phía trước em xuống lẹ".
Tại dãy ghế cuối cùng của chiếc xe buýt BKS 53N-4520 tuyến Bến xe Chợ Lớn-Suối Tiên-Tân Vạn, do bạn gái ngại nên anh Nguyễn Thanh Tùng, công nhân Khu công nghiệp Amada (Đồng Nai) trả lời thay. Anh Tùng cho biết, người bạn gái đi cùng anh tên M. Cách đây 2 ngày, M. bị một kẻ xấu quấy rối bằng cách lợi dụng xe thắng gấp, nhào tới dùng tay siết chặt eo cô. "Khi nó thả tay ra, M. hết hồn. Sợ quá nên mấy hổm rày M. nhờ anh em ở cùng khu nhà trọ tháp tùng đấy".
Chỉ biết câm nín và tự bảo vệ
Tại Bến xe buýt Đại học Quốc gia Thủ Đức, nhân viên điều hành là ông Nguyễn Trọng Hà cho biết, từng có chuyện lái xe nói lời sàm sỡ với hành khách nhưng sự cố ấy xảy ra hơi lâu và người vi phạm đã bị cho nghỉ việc.
"Chúng tôi không nhận được bất kỳ thông tin bị quấy rối nào của hành khách nữ. Các tài xế cũng không phản ánh hiện tượng này. Họ chỉ phản ánh tình trạng móc túi, giựt dọc mà thôi".
Anh Khang, tài xế tuyến xe buýt Bến Thành-Suối Tiên sau đề nghị đừng ghi số xe vì lý do tế nhị, tâm sự: "Không như nạn móc túi, giựt dọc khi phát hiện là nhà xe cùng hành khách phối hợp trấn áp, với nạn "dê xồm", quấy rối rất khó xử lý bởi lúc cao điểm lượng người lên xuống xe chật cứng, người này đứng sát người kia nên nhiều khi nạn nhân không biết mình bị "quậy".
Vả lại khi phát hiện bị "dê xồm", phần lớn hành khách nữ chỉ phản ứng bằng cách "né", ai bản lĩnh lắm cũng chỉ thốt lên câu hỏi "làm gì kỳ vậy?" rồi thôi". Anh Khang trăn trở: "Thi thoảng lái xe tôi có nghe hành khách nữ bực mình nói câu "đồ bệnh hoạn" nhưng do họ không phản kháng mạnh, do không có bằng chứng cụ thể nên đâu thể làm gì các tay biến thái ấy được".
Do rất khó bắt quả tang và xử lý nạn "dê xồm" trên xe buýt nên các nạn nhân nói riêng, hành khách nữ nói chung đành phải tự bảo vệ mình. Nhóm nữ sinh trước cổng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật chia sẻ kinh nghiệm: "Sau vài vụ đau thương, tụi em đi về đều kéo bầy. Lúc bước lên xe mấy đứa quây quần, đứa này bọc lót đứa kia để đụng chuyện là hô toáng lên cho mấy tên biến thái nó ê mặt".
Một nữ sinh nửa đùa nửa thật: "Có đứa sau vụ bị quấy rối đã nghĩ đến chuyện cặp bồ đặng đi đâu cũng có bạn trai hộ tống, bảo vệ".
Thanh Mai, sinh viên năm 3, khoa Luật Kinh tế (Đại học Luật), tiết lộ bí quyết: "Để chắc ăn, em chọn giải pháp đi sớm về trễ. Chuyến xe đầu tiên bao giờ cũng vắng người. Khi tan học, nếu xe quá đông thì em đợi chuyến sau, chờ khi có ghế leo lên ngồi. Kinh nghiệm cho thấy ngồi ở sát cửa sổ và ở dãy sau cùng thì an toàn nhất".
Cách đây không lâu dư luận từng rộ lên nạn các đối tượng "dê xồm" ở rạp hát, siêu thị, tại các điểm chùa chiền vào mùa lễ hội… Chừng như sợ bị vạch mặt nên đám người bệnh hoạn co cụm hành vi. Nay trò chơi bệnh hoạn ấy lại tái diễn gây hoang mang, hoảng sợ cho các hành khách nữ.
(Theo CAND)