- Chủ tịch Hội Nhà báo, ca sĩ Thanh Lam và nhiều người khác đã mất tiền để mua... mệt mỏi, bực bội, đói khát, lạnh lẽo.
Tin liên quan:
Phản ảnh của ông Chủ tịch Hội Nhà báo
Kết thúc cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2010 (DIFC 2010), những than vãn của du khách về tình trạng tuỳ tiện nâng giá, “chặt chém”, kinh doanh theo kiểu “nói một đằng, làm một nẻo”… đã giảm thiểu rất nhiều.
Tuy nhiên, vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh tốt đẹp của DIFC. Một trong những trường hợp nổi cộm nhất là Công ty TNHH Sandy (trụ sở chính ở 79 Thạch Lam, quận Sơn Trà; Văn phòng giao dịch ở 352 Hoàng Diệu, quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã có kiểu lừa đảo bị ông Võ Xuân Phụng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Định, có thư phản ảnh là... lừa đảo!
Công ty TNHH Sandy (Đà Nẵng) bị tố giác lừa đảo khách xem pháo hoa.Ảnh: HC |
Ông Phụng cho hay, theo lời quảng cáo trên tờ rơi, ông cùng nhiều người khác đã mua vé xem pháo hoa trên du thuyền của Sandy. Đoàn của ông gồm 7 người, ngoài ra, trong số hàng trăm du khách mua vé của Sandy còn có cả… ca sĩ Thanh Lam, người con nổi tiếng của xứ Quảng về thăm quê hương nhân dịp diễn ra DIFC 2010!
Tờ rơi quảng cáo của Sandy có nội dung hết sức hấp dẫn khách xem pháo hoa, nhất là những người ở xa đến Đà Nẵng: “Xem pháo hoa tại vị trí có tầm quan sát tốt nhất. Không phải chen lấn giữa biển người ngột ngạt và nóng bức. Không phải đi thật sớm để giành chỗ. Không phải chịu đựng mùi mồ hôi của cả đám đông. Ăn tối và giải khát trên thuyền. Thuyền du lịch sang trọng, ở giữa sông thật mát. Bến tàu gần trung tâm TP. Điều kiện vệ sinh tốt (có toilet trên thuyền)…”.
Ông Phụng thuật lại:
“Giá mỗi vé 500.000 đồng, bao gồm ăn tối, giải khát. Đúng 17g30, chúng tôi có mặt tại bến tàu Thuận Phước theo hướng dẫn ghi trên vé, nhưng đến gần 19g vẫn chưa xuống thuyền được. Nhiều vị khách nhốn nháo tìm người của Sandy để hỏi vẫn không có một lời giải thích. Gọi đến số điện thoại ghi trên vé không có người trả lời. Sau đó, chúng tôi được 2 xe buýt chở đến một bến khác cách đó trên 5km. Đây là bến nhỏ, không có cầu dẫn lên tàu, khách phải nhờ các anh Bội đội Biên phòng (BĐBP) nắm tay kéo lên thuyền.
Không có du thuyền sang trọng nào như quảng cáo mà chỉ là những chiếc thuyền bẩn thỉu, không bàn ghế, không đèn chiếu sáng. Trên thuyền số 3 chúng tôi ngồi không có người nào của Công ty Sandy, mạnh ai nấy tìm chỗ, người tìm được ghế thì ngồi ghế (chỉ có khoảng 20 chiếc ghé ọp ẹp trong khi có đến 100 khách). Đoàn chúng tôi phải chạy tìm trên thuyền một manh chiếu rách để ngồi.
Chương trình bắn pháo hoa bắt đầu lúc 20g35 phút, nhưng đến 20g30 phút thuyền mới rục rịch rời khỏi bến. Khi pháo hoa bừng sáng trên bầu trời sông Hàn thì những chiếc thuyền của Sandy phục vụ khách xem pháo hoa vẫn còn loay hoay ở chân cầu Thuận Phước. Nhiều người mang theo máy ảnh, máy quay phim không thể ghi lại hình ảnh pháo hoa. Khi thuyền đến vị trí có thể ngắm pháo hoa thì đã kết thúc màn trình diễn đầu tiên của đội Bồ Đào Nha.
Từ đó đến khi kết thúc chương trình đêm 27/3, khách trên thuyền hoàn toàn không được ăn uống, không một lời giải thích, xin lỗi nào của Sandy. Gần 23g đêm thì vài chục hộp thức ăn nguội được mang lên trong khi trên thuyền gần 100 khách. Trên vé quy định không được mang thức ăn xuống thuyền nên không ai đem đồ ăn theo. Nhiều người, đặc biệt là trẻ em, vừa đói vừa run lập cập. Ca sĩ Thanh Lam và hầu hết khách ngồi cùng thuyền với chúng tôi luôn phải bực bội kêu lên: “Công ty Sandy là đồ lừa đảo trắng trợn!”.
Kết thúc đêm bắn pháo hoa, khách phải thêm một trận khổ sở mới lên được bến. Thuyền không cập sát vào cầu cảng được nên khách phải leo qua các thuyền khác để lên bến, có người suýt rơi xuống nước. Phải mất hơn 60 phút chúng tôi mới lên được bờ. Những người khách tin theo lời quảng cáo của Sandy, nhiều người ở xa hàng trăm cây số, phải mất 500.000 đồng để nhận lại sự bực bội, mệt mỏi và chịu đựng một đêm đói khát, lạnh lẽo trên sông Hàn…”.
Thư phản ảnh đầy bức xúc của ông Võ Xuân Phụng, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Định Ảnh: HC |
Trao đổi với PV, Giám đốc Công ty TNHH Sandy Huỳnh Phan Anh Sa cho hay: “Chúng tôi đã xin giấy phép của BĐBP và làm việc với Công an phường Thuận Phước. Không ngờ Công an phường lại chưa làm việc với Chủ tịch phường, nên khi chúng tôi đưa khách xuống thuyền ở bến Thuận Phước thì bị chặn lại, không cho xuống. Chúng tôi phải tác động nhiều mối quan hệ để họ cho dỡ đồ xuống thuyền ở bến Thuận Phước, còn khách thì cho xe chở qua âu thuyền Thọ Quang nhưng bị kẹt đường!”.
Tuy nhiên, theo Chánh Thanh tra Sở Văn hoá - Thể thao – Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Phước Nhàn, thì vấn đề không chỉ là một “sự cố” như biện bạch của ông Huỳnh Phan Anh Sa.
Sau khi phát hiện Sandy có dấu hiệu quảng cáo không đúng sự thật, Thanh tra Sở đã phối hợp với Đội QLTT số 1 (Chi cục QLTT Đà Nẵng) tiến hành kiểm tra tại công ty này vào ngày 24/3.
“Ngoại trừ bắt quả tang, để vào kiểm tra phát hiện vi phạm phải có quyết định của cấp thẩm quyền. Nếu không, người ta lại vu mình gây khó dễ, vòi vĩnh. Khi chúng tôi đến, Công ty Sandy có thái độ bất hợp tác, lúc bảo giám đốc mới đi ra ngoài, khi lại nói đi Hà Nội. Người trực tiếp làm việc với đoàn tên là Phương tỏ ra rất thiếu tôn trọng. Lúc kiểm tra, họ không trình được giấy phép, nhưng khi chuẩn bị ký biên bản thì họ đưa ra giấy phép do BĐBP Đà Nẵng cấp, cũng được ký đúng vào ngày 24/3!” – ông Nhàn cho hay.
Theo đó, Bộ chỉ huy BĐBP Đà Nẵng đã có văn bản 151/BHCBP-TM đồng ý cho Công ty Sandy sử dụng 4 tàu Faifoo, Hoài Giang, Hội nghị và QNa 0559 chở khách nội địa (người VN) đến khu vực giới hạn theo quy định trên sông Hàn (dưới chân cầu Thuận Phước, cách phía sau ranh giới bảo vệ của các tàu biên phòng tối thiểu 100m) để xem thi bắn pháo hoa trong hai đêm 27 – 28/3.
Ông Nguyễn Phước Nhàn cho hay, với vị trí mà các thuyền của Sandy được phép đậu thì công ty này đã quảng cáo không đúng sự thật: “Cách sau ranh giới bảo vệ của tàu BP tối thiếu 100m thì không thể nói là “xem pháo hoa tại vị trí có tầm quan sát tốt nhất”. Quảng cáo như vậy vô hình chung có thể khiến khách nhầm tưởng là thuyền của Sandy có thể di chuyển hoặc đậu lại trong khoảng sông từ cầu Thuận Phước đến cầu Sông Hàn để xem pháo hoa, trong khi đây là khu vực cấm để bảo đảm an toàn!” – ông nói.
Chưa kể, theo giấy phép của BĐBP Đà Nẵng, Công ty Sandy và các thuyền trưởng phải đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho du khách theo quy định, không được phép chở quá số lượng khách ghi trong giấy phép… Nhưng trên thực tế, theo phản ảnh của ông Võ Xuân Phụng, áo phao thì người có người không và chỉ có nửa số khách trên thuyền của ông được trang bị áo phao.
Mặt khác, theo ông Nhàn, tuy Sandy đưa ra giấy phép của BĐBP nhưng rõ ràng họ “cầm đèn chạy trước ô tô”, bởi đến ngày 24/3 mới được cấp phép nhưng trước đó nhiều ngày đã quảng cáo và bán vé. Nhân viên Công ty Sandy nói là chưa bán vé nhưng đoàn kiểm tra phát hiện trên bàn làm việc của họ có cùi vé của số vé đã bán xong.
Ông Quý, Đội phó Đội QLTT số 1 cho biết thêm, Công ty Sandy đã bán tổng cộng 216 vé (thành tiền 108 triệu đồng), đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ một chiếc vé để làm chứng. Tại sao đã lập biên bản mà không đình chỉ ngay hoạt động bán vé, đưa khách lên thuyền xem pháo hoa, để dẫn tới những lời tố giác đầy bức xúc của du khách? Ông Quý trả lời: “Chúng tôi đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến của Văn phòng UBND TP Đà Nẵng về việc này nhưng không thấy có hồi âm gì, nên không thể đình chỉ được!”.
Ông cũng cho biết đã yêu cầu Giám đốc Sandy lên làm việc để làm rõ và kết luận về các sai phạm, song công ty này có văn bản xin hẹn tới ngày 2/4 với lý do giám đốc công ty bận đi công tác. Trên thực tế, khi thấy PV VietNamNet đến chụp ảnh Văn phòng Sandy ở 352 Hoàng Diệu sáng 30/3, trực tiếp giám đốc Huỳnh Phan Anh Sa đã ra cổng muốn gặp; sau đó gọi điện, rồi nhờ thêm nhiều người khác gọi cho PV, chứ không hề đi vắng!
Ông Huỳnh Phan Anh Sa thừa nhận, trong những ngày qua đã có rất nhiều khách hàng đến khiếu nại và Công ty Sandy đã phải hoàn trả lại tiền vé cho khách. “Nếu khách nào vẫn còn thắc mắc thì mới đến Văn phòng công ty để chúng tôi giải thích trực tiếp chứ không thể đến từng người được!” – ông Sa nói.
Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL Đà Nẵng nhấn mạnh: “Công ty Sandy đã lợi dụng giấy phép do BĐBP cấp để quảng cáo không đúng sự thật, trong quá trình phục vụ cũng không nghiêm túc, khiến nhiều du khách cảm thấy mình bị lừa đảo. Chắc chắn chúng tôi sẽ xem xét, xử lý nghiêm, không để “con sâu làm rầu nồi canh”.
-
Hải Châu