- Với giấy chứng nhận bệnh tâm thần, đến đâu Hiếu "trứng" cũng gây kinh hoàng cho người dân.
TIN LIÊN QUAN:
>> Clip: Gã "bụi" ăn mặc "mốt" nhất đường phố
Rợn người chồng nổi điên giết vợ
Đến giờ, người dân ở phường 14, Q. 11, TP.HCM vẫn chưa hết rợn người và đau xót khi chứng kiến một phụ nữ ở khu vực này bị chồng dùng dao đâm chết, bỏ lại đứa con thơ bơ vơ. Hiện hung thủ vừa có kết luận trưng cầu giám định tâm thần và tiếp tục việc điều trị bệnh.
Vụ việc xảy ra vào đầu tháng 2/2010, hung thủ Huỳnh Tuấn Kiệt (SN 1969, ngụ P.14, Q.11) được giám định tâm thần sau khi ra tay sát hại chính vợ của mình là chị Trần Thị Thu Thảo (SN 1979, ngụ cùng địa chỉ) ngay tại căn nhà riêng của họ. Tại hiện trường vụ án, ngoài con dao gây án, cơ quan công an còn thu giữ 1 sổ khám bệnh mang tên Kiệt cùng nhiều thuốc tân dược để chữa bệnh tâm thần. Nhiều người dân địa phương cũng xác nhận Kiệt từng được đưa đi chữa bệnh tâm thần hoang tưởng.
Một người có biểu hiện tâm thần đi "quậy" bị công an lập biên bản xử lý trước sự giám hộ của người thân. Ảnh: Đàm Đệ |
Trước đó vài ngày (vào ngày 2/2) một vụ án mạng đau lòng khác xảy ra cũng do hung thủ là một người nghi đang bị bệnh tâm thần. Trong đêm, tại ngôi nhà số 10 Phạm Cự Lượng, P.2, Q. Tân Bình khi Vũ An Bình (sinh viên, SN 1991, ngụ tỉnh Kiên Giang, tạm trú địa chỉ trên) đã đâm hơn 10 nhát dao giết chết người giúp việc Cao Thị Phượng (SN 1986, cùng ngụ tỉnh Kiên Giang)
Người nhà của Bình cho biết, sinh viên này sống khá khép kín, thường cầu khấn, quỳ lạy… rất là thần bí. Ngoài ra cách thời điểm gây án không bao lâu, Bình đã được người nhà đưa đi chẩn khám bệnh tâm thần tại khoa tâm thần, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.
Không được yêu, tạt a xít nát mặt "nhạc mẫu"
Một vụ án do một thanh niên có biểu hiện tâm thần khác gây ra tại TP.HCM đã xảy ra hơn 3 năm, dù nạn nhân không mất mạng nhưng khuôn mặt bị phá nát khiến người thân trong gia đình vô cùng uất hận. Hành vi phạm tội người thanh niên dường như có sự tính toán càng làm cho những người thân của người bị hại không thể không ngờ vực.
Trần Anh Tuấn (SN 1985) - thủ phạm trong vụ án nói trên đã được đưa đi khám và điều trị bệnh tâm thần sau khi gây án. Tuấn được xác định là bạn học cùng lớp của chị Nguyễn Thị N.T (SN 1985, lúc đó là sinh viên Trung tâm Đào tạo cán bộ Y tế TP.HCM). Do không được T đáp ứng tình cảm nên Tuấn lên kế hoạch hủy hoại nhan sắc của người mình yêu.
Ngày 19/1/2007, Tuấn đã tạt a xít vào nhà T qua cửa sổ làm cha mẹ và T bị thương nhẹ. Gây án bất thành, Tuấn tiếp tục gọi điện cho T thông báo sẽ tiếp tục thực hiện hành vi như kế hoạch đề ra. Đến cuối tháng 10/2007, Tuấn tiếp tục hành động và lần này, mẹ của T là bà Huỳnh Thị Kiều Nga (SN 1955, là nhân viên kế toán của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) đã bị phỏng nặng, toàn bộ khuôn mặt bị biến dạng.
Ngay sau khi Tuấn bị bắt giữ, thân nhân của thanh niên này đã trình báo với cơ quan công an là Tuấn có biểu hiện của bệnh tâm thần hoang tưởng, hành động rất kỳ quặc trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Ám ảnh người tâm thần lang thang gây án
Việc người tâm thần gây án nhưng không thể xử lý đang là chuyện nhức nhối. Đặc biệt, việc người tâm thần đi lang thang, không ai kiểm soát vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ có thể tiếp tục gây ra những mối nguy hiểm khó lường.
Trở lại câu chuyện “gã bụi đời ăn mặc mốt nhất đường phố” mà VietNamNet đã thông tin. Hình ảnh “đại ca” có biểu hiện tâm thần này cầm kéo “múa” rất dễ dàng gây nguy hại cho người đi đường.
Gã "bụi đời" múa kéo giữa phố, cũng có thể gây nguy hiểm cho người đi đường, nhưng công an và dân phòng P.2, Q.10 chỉ có động thái "xua đuổi". Ảnh: H.M.A |
Nhưng điều đáng nói là công an khu vực và dân phòng của P.2, Q.10 đã không chú trọng đến việc khống chế, tước đoạt chiếc kéo có thể là hung khí đó, mà lại xua đuổi “đại ca” sang địa bàn phường khác, tức P. 9, Q.10. Như vậy vô tình những người làm nhiệm vụ đã “đẩy” mối nguy hiểm sang địa bàn khác – một địa bàn không thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
Hay như vụ việc hiện đang xảy ra tại khu vực cảng cá La Gi thuộc thị trấn La Gi, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, một thanh niên luôn mang theo “bảo bối” là 2 giấy chứng nhận bệnh nhân tâm thần, để ngang ngược gây kinh hoàng cho người dân địa phương.
Theo nhiều người dân, người thanh niên tên Hiếu, khoảng 25 tuổi, hành nghề buôn bán trứng vịt, trứng gà… nên thường được gọi là Hiếu “trứng”. Người thanh niên này hễ không thích việc gì là dọa đâm, dọa chém.
Thậm chí, Hiếu “trứng” trở thành hung thần của nhiều quán cà phê gần khu vực cảng cá, với thành tích uống cà phê xong không hề biết trả tiền là gì. Khi nhân viên hoặc chủ quán lên tiếng ngay lập tức Hiếu “trứng” quay lại đập phá tanh bành quán. Nhiều người dân trở nên “ngại” đụng chạm.
Riêng tại TP.HCM, tình trạng người tâm thần lang thang trên đường phố vẫn còn nhiều và tiềm ẩn mối hoạ cho người dân. Nhiều vụ việc xảy ra làm cho lực lượng công an phải vất vả, gian nan khi tham gia khống chế, tước đoạt hung khí, như: chuyện 1 thanh niên tên Tuấn hoang tưởng khống chế 2 cô gái, trong đó có người yêu của mình, suốt 14 giờ đồng hồ trong một phòng trọ lao động nằm cuối hẻm 196 Vườn Lài, P. Tân Thành, Q. Tân Phú vào ngày 17/3.
Vụ người bị bệnh hoang tưởng, tên Lý Hoàng Long vì sợ người khác “ám sát” nên bỗng dưng xông vào một ngôi nhà trên đường Hồ Bá Kiện, P.15, Q.10 dùng dao hăm dọa 2 người phụ nữ và cố thủ suốt 2 giờ liền đến giờ vẫn còn làm nhiều người kinh hãi.
Luật sư Trần Công Ly Tao – Trưởng văn phòng luật sư Trần Công Ly Tao, nhận định, đối với các vụ án do người tâm thần hoặc có biểu hiện tâm thần gây ra, cần phải chia thành hai trường hợp cụ thể.
Thứ nhất là trường hợp bị bệnh tâm thần trước khi gây án, thì người bệnh không phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Nhưng khi người tâm thần gây ra thiệt hại về mặt dân sự cho người khác, người giám hộ hoặc gia đình phải có nghĩa vụ bồi thường.
Thứ hai là trường hợp gây án xong thì mới bị tâm thần, theo quy định chung phải bắt buộc chữa bệnh, giám sát. Sau khi điều trị hết bệnh thì người đó có thể bị xử lý hình sự theo các quy định chung của pháp luật.
Luật sư Tao cho rằng, thực tế có những trường hợp phức tạp khác gây khó khăn cho công tác xử lý, đó là thực trạng người gây án có một số biểu hiện tâm thần, hoang tưởng hoặc người thân của họ cho biết, người đó có biểu hiện tâm thần".
"Việc có xử lý hình sự người này hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả giám định tâm thần. Nhưng với điều kiện hiện nay ở nước ta, kết quả giám định tâm thần cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: trình độ giám định viên, máy móc thiết bị dùng trong việc giám định, đạo đức của giám định viên…" Luật sư Tao nói.
- Đàm Đệ