- Hàng trăm hộ dân ở 3 xóm xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang lâm vào cảnh “sống dở chết dở” khi Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (CTCPSTK) tiến hành bóc tầng đất phủ mỏ sắt lớn nhất Việt Nam.
Tin liên quan:
>> Bức xúc ô nhiễm, dân vây trước cửa nhà máy thép
>> Bài 5: “Khóc ròng” với ô nhiễm từ nhà máy quặng
Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, chiếm hơn một phần hai trữ lượng quặng sắt toàn quốc, được quy hoạch trên diện tích 3.877 ha, diện tích moong khai thác 527 ha thuộc 6 xã là Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Bàn, Thạch Đỉnh, Thạch Trị và Thạch Lạc.
Để bàn giao mặt bằng cho dự án lớn này nhiều hộ dân ở 6 xã nằm trong vùng dự án đã phải nhường lại đất nông nghiệp hoặc di chuyển chỗ ở đến vùng tái định cư, trong đó chịu ảnh hưởng nhất là xã Thạch Hải. Tuy nhiên, người dân nơi đây đang "sống dở chết dở" vì ô nhiễm...
Dân khốn đốn vì nước không qua xử lí !
Ngày 8/9/2009, Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê đã tiến hành bóc tầng phủ mỏ sắt này để tiếp xúc với thân quặng, thời gian thi công hạng mục này diễn ra trong vòng 17 tháng.
Trong quá trình thi công, CTCPSTK cam kết sẽ thực hiện đúng các quy định về môi trường ở các khu vực ảnh hưởng. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn thi công, người dân và chính quyền xã Thạch Hải đã phải kêu trời vì những hậu quả nặng nề mà công ty này đã gây ra.
Theo chân anh Nguyễn Văn Thoại, cán bộ địa chính xã chúng tôi đã đến 3 xóm của xã Thạch Hải là Thượng Hải, Đại Hải và Nam Hải để tận mắt chứng kiến nỗi khổ của người dân nơi đây.
Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cảnh hút và xả nước “chẳng giống ai” của CTPCST nằm sắt ngay vùng dân cư. Toàn bộ nước ngầm được máy hút lên có màu đục ngầu không qua bất kỳ một hệ thống xử lí nào mà chảy thẳng ra cánh đồng mà người dân đang canh tác rồi len lỏi đến khu dân cư và cuối cùng là chảy ra bãi tắm Thạch Hải.
Hàng loạt rừng tràm nằm gần khu vực khai thác đều bị chết đứng do thiếu nước. Ảnh: Xuân Hoàng |
Chỉ tay vào một rừng keo rộng lớn đã chết cứng anh Thoại cho biết: “Từ khi công ty cho máy đến đào đất, hút và xả nước thì ngành nông nghiệp của cả xã hầu như bị tê liệt. Do nguồn nước ngầm bị hút cạn nên hàng loạt rừng trồng và cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu.. nằm gần khu vực khai thác đều chết đứng do thiếu nước. Còn những khu vực ở xa nơi khai thác thì lại bị ngập chìm trong nước bẩn nên cây cối cũng không thể nào sống nổi.
Theo anh Thoại, nguyên nhân mà phía công ty này đưa ra để giải thích cho việc này là do đến thời điểm này họ chưa có mặt bằng để xây dựng hệ thống xử lí nước bẩn(!?)”. Còn anh Nguyễn Văn Hùng (xóm Đại Hải) thì lắc đầu ngao ngán: “Do nước không qua xử lí chảy qua vùng sản xuất và đổ thẳng ra biển nên đã có nhiều trâu bò chết do uống phải nước nhiễm độc và đặc biệt đã có hiện tượng cá ở biển chết dạt vào bờ”.
“Đã kiến nghị nhưng chưa thấy giải quyết”
Trao đổi với chúng tôi về việc người dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề do nguồn nước không qua xử lí gây ra, ông Nguyễn Anh Tùng - Phó Ban GPMB và TĐC Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê cho biết:: “Tôi thừa nhận việc này là có thật nên nhiều lần đã kiến nghị với CTCPSTK nhưng đến nay họ vẫn chưa có biện pháp gì để khắc phục cả”.
Nước từ 3 ống xả của CTCPSTK này không hề qua bất cứ một khâu xử lí nào trước khi chảy ra môi trường. Ảnh: Xuân Hoàng. |
Do có một số thay đổi trong việc áp giá đền bù khác với trước đây nên việc này phải tạm hoãn tại. Tuy nhiên, theo ông Tùng, khi đến ngày nghị định này có hiệu lực (1/10/2009) Ban vẫn không thể tiến hành đền bù cho người dân được, vì đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa thể đưa ra được quy định cụ thể để thực hiện Nghị định 69.
-
Hà Vy