– “Tôi phải nói là có hàng vạn người công tác trong ngành y không nhận một cái phong bì nào nhưng vẫn làm tốt công việc. Hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh bệnh nhân chỉ xảy ra ở một số người, thậm chí rất ít người. Đó chỉ là một vài hạt sạn trong đội ngũ cán bộ y tế mà thôi”, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết khẳng định.
“Tôi không bao biện”
Ông là giám đốc một bệnh viện lớn, đã công tác trong ngành y mấy chục năm nay. Ông cũng là người dám “nói mạnh, nói thẳng” nhiều vấn đề nội bộ về ngành của mình. Vậy ông nghĩ gì về việc cán bộ y tế nhũng nhiễu, “vòi vĩnh” người bệnh?
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: Cẩm Quyên) |
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Tôi phải nói là có hàng vạn, hàng vạn người công tác trong ngành y và không nhận một cái phong bì nào nhưng vẫn làm tốt công việc. Có những thầy thuốc cả đời không nhận một đồng tiền nào của người bệnh, sống hoàn toàn bằng đồng lương trong sạch.
Hiện nay, một số hiện tượng tiêu cực vẫn xảy ra trong ngành y nhưng theo tôi là rất ít. Hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh bệnh nhân chỉ xảy ra ở một số người, thậm chí rất ít người. Đó chỉ là một vài “hạt sạn” trong đội ngũ cán bộ y tế mà thôi.
Đây là nhận định của ông đối với toàn ngành, hay chỉ là riêng ở bệnh viện Việt Đức?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Với bệnh viện của tôi (bệnh viện Việt Đức), ai nói là y tá, bác sĩ của bệnh viện này vòi vĩnh là “không xong” với tôi! Tôi đố ai tìm được cán bộ nào của bệnh viện nhận phong bì. Bệnh nhân mà đưa phong bì có khi còn bị mắng là đằng khác.
Tôi không khẳng định 100% là không bao giờ có tiêu cực nhưng chắc chắn không có chuyện cán bộ y tế của viện tôi vòi vĩnh, nhũng nhiễu theo kiểu phải có phong bì mới làm tốt, không có thì không làm tốt.
Tuy nhiên, nếu bác sĩ chăm sóc tốt cho người bệnh rồi, và chăm sóc một cách “vô tư”, khi họ ra viện, đưa phong bì có khi bác sĩ vẫn lấy. Điều này thì tôi công nhận là có. Nhưng riêng tôi, tôi chưa bao giờ cầm một phong bì của một người bệnh nào.
Ông khẳng định là có rất ít bác sĩ vòi vĩnh bệnh nhân. Nhưng ông có thể giải thích vì sao chuyện “phong bì” cho cán bộ y tế lại vẫn là nỗi bức xúc quá lớn đối với người bệnh?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Tôi không bao biện nhưng phải nói thế này: Hiện nay có một số hiện tượng tiêu cực trong ngành y tế nhưng oái oăm là những hiện tượng tiêu cực ít ỏi đó lại toàn đụng vào vấn đề “nhạy cảm”.
Có người tham nhũng hàng chục tỷ nhưng là tham nhũng của tập thể, của Nhà nước, chẳng đụng chạm trực tiếp đến ai. Nhưng nếu y tá, bác sĩ nhận 50.000 đồng của người bệnh là chết bởi đã đụng chạm trực tiếp vào túi tiền của họ.
“Tăng lương, tiêu cực chưa chắc giảm”
Ông từng nói: “Nếu lương y tá nâng lên mức 6 đến 7 triệu thì chẳng ai còn tiêu cực”. Nhưng thực tế cho thấy có những người (ở các lĩnh vực khác) lương cao gầp chục lần mức ông đề xuất mà vẫn tham nhũng. Ông nghĩ sao về điều này?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Tăng lương, tiêu cực chưa chắc đã giảm bởi nếu chỉ tăng lương thôi thì chưa đủ điều kiện để giảm tiêu cực, dù lương là một yếu tố rất quan trọng.
Ông Quyết cho biết tăng lương cho bác sĩ cao hơn mức hiện nay cũng không thể giải quyết nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh (Ảnh: C.Q) |
Muốn giảm tiêu cực, tôi nghĩ phải làm đồng thời mấy việc như thế này:
Phải có cơ chế, chính sách cởi mở. Hiện nay, chúng ta có quy định khống chế bao nhiêu giường bệnh thì bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu kỹ thuật viên/bác sĩ, vv … Từ đây đẻ ra tình trạng thủ tục rất rườm rà, không đi vào thực chất. Ngành y tế theo cơ chế bao cấp nhưng thu nhập của ngành quá thấp nên không đủ trả lương cho nhân viên nên phải khống chế như thế.
Thứ hai là tạo môi trường trong sáng để cán bộ y tế yên tâm làm việc. Tức là từ giám đốc đến các phó giám đốc, công đoàn, Đảng ủy đều phải tôn trọng, quan tâm đến đời sống và không “ăn hơn” các cán bộ y tế của viện cái gì cả. Tất cả cùng hết lòng vì tập thể, hết lòng vì bệnh nhân.
Thứ 3 là tăng lương. Tôi không dám nói trước vì có người có cả chục tỷ vẫn tham ô nhưng nếu lương cán bộ y tế tương đương mặt bằng chung của xã hội thì tiêu cực sẽ giảm tối đa. Còn nhu cầu của con người thì vô cùng lắm, mình nên hài lòng với những gì mình đạt được bằng sức lao động chính đáng. Đừng thấy người khác có xe đẹp, nhà sang mà cố bằng mọi cách để có được như thế.
Thứ 4 là phải có cơ chế giám sát, kỷ luật. Nếu 3 điều kiện kia đảm bảo rồi thì phải có giám sát chặt, hiện tượng đó sẽ được đẩy lùi.
Vậy theo ông, sự tự giác của cán bộ y tế nằm ở đâu?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Y đức là y thuật và đạo đức. Anh có giỏi đến mấy mà anh không có đạo đức thì cũng bỏ đi, và ngược lại, anh tốt đấy nhưng không cứu được người bệnh thì cũng không thể giải quyết được điều gì.
Người thầy thuốc lấy đạo đức làm người thông thường làm nền tảng. Nền tảng này do gia đình, nhà trường, xã hội xây dựng, rèn giũa từ tấm bé. Sau khi vào trường Y, sinh viên mới được giáo dục tiếp về đạo đức của người thầy thuốc. Như vậy có thể thấy sự “tự giác” này, ngoài ý thức đạo đức nghề nghiệp thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố cá nhân (như hoàn cảnh gia đình, điều kiện học tập) và bối cảnh chung của cả xã hội. Và vấn đề y đức luôn là sự trau dồi thường xuyên, mãi mãi.
Ông không nhận phong bì của bệnh nhân, nhưng ông nghĩ gì nếu ông vẫn bị “vơ đũa cả nắm”?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Những thầy thuốc làm nghề đúng mực nghe những việc này thì họ tức lắm. Có người còn nói tôi làm Giám đốc bệnh viện Việt Đức, đi mổ xẻ liên miên, thu nhập một tháng chắc phải đến cả trăm triệu. Nghe vậy là tôi bức xúc lắm. Tôi làm nghề vì cái tâm của tôi. Đối với tôi, thu nhập 10 triệu/tháng đã là quá to rồi.
Ông có gặp khó khăn gì không khi từ chối phong bì của người bệnh?
- PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Có trường hợp từ chối rất dễ dàng, có trường hợp rất khó khăn. Có người đưa mình không lấy thì thôi, nhưng có người lại không như thế, cứ khăng khăng phải đưa cho bằng được.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Người bệnh đừng “làm khó” cán bộ y tế
"Vì ít y tá nên có những người bệnh vì chưa đến lượt nên phải chờ đợi đã nghĩ rằng: “À, thế là đòi phong bì đấy”. Người bệnh không nên nghĩ vậy.
Người bệnh và người nhà đừng nghĩ rằng cứ vào viện là phải có tiền. Họat động bệnh viện phải tuân thủ quy định: Nặng khám trước, nhẹ khám sau. Người thầy thuốc nào cũng phải có lương tâm và trách nhiệm, đừng gây khó dễ cho người ta". |
- Cẩm Quyên