221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1263022
Những ca cấp cứu không ai ngờ tới trong năm 2009
0
Article
null
Những ca cấp cứu không ai ngờ tới trong năm 2009
,

 – Cách đây gần đúng 1 năm, chiều 13/2/2009, người chồng từ quê Hải Phòng lên Hà Nội gặp vợ để hòa giải, mong nối lại mối quan hệ sau một thời gian dài ly thân. Chị vợ "lắc đầu" chưa kịp xong thì bị anh chồng rút dao đâm ngay một nhát chí mạng vào người, chỉ cách mũi ức dưới lồng ngực đúng 1cm!  

 

Chị vợ vào bệnh viện Việt Đức cấp cứu trong trạng thái máu đã mất gần như hoàn toàn. Ca cấp cứu và thoát chết hi hữu rơi vào thời điểm sát sạt ngày lễ Tình yêu 14/2/2009 đã trở thành một kỷ niệm “để đời” của bác sĩ Phạm Hải Bằng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

 

Đây cũng là một trong những trường hợp cấp cứu hy hữu, bệnh nhân “thoát chết diệu kỳ” trong năm 2009 diễn ra tại bệnh viện này.

 

“Mổ sống” vẫn không chết! 

Đến thời điểm này, khi sự việc đã trôi qua gần tròn 1 năm, bác sĩ Bằng vẫn không quên bất kỳ chi tiết nào liên quan đến ca cấp cứu "một không hai" này.

 

Sự việc xảy ra vào thời điểm hai vợ chồng chị L. (cả 2 đều khoảng 27 - 28 tuổi) ly thân được 2 năm. Chồng chị L. là cảnh sát 113 ở Hải Phòng đã ra khỏi ngành. Sau khi ly thân, anh này về quê, còn chị L. trở về nhà bố mẹ đẻ ở đường Trần Hưng Đạo.

 

Chiều tối 13/2/2009, chồng chị L. từ Hải Phòng lên Hà Nội, đến gặp vợ để hòa giải. Nhưng khi chị L. chưa kịp "lắc đầu" xong thì anh này đã rút dao đâm một nhát chí mạng vào chị.

 

Cú đâm quá bất ngờ và hiểm ác khiến chị L. ngã vật ngay xuống đất, máu chảy rất nhiều. Bố chị L. lao vào can cũng lập tức bị con rể “tặng” cho một nhát tương tự. May mắn là nhát đâm này nông, không nguy hiểm.

 

Mô tả ảnh.
Ê kíp gây mê - cấp cứu - hồi sức của bệnh viện Việt Đức đang gấp gáp xử lý những bệnh nhân nặng (Ảnh minh họa: C.Q).

 Người thân trong gia đình chị L. cuống cuồng bế chị lao ra đường và chặn ngay bất kỳ chiếc xe nào đang tới gần nhất để đưa chị đến bệnh viện Việt Đức.

 

Đừng nói là ở tỉnh xa, nếu chỉ cần đưa từ Chợ Hôm đến thôi thì bệnh nhân L. cũng khó có cơ hội sống sót. Bởi khi vào đến viện, người cô L. đã nhợt nhạt, huyết áp không đo được, da trắng bệch vì gần như mất sạch máu, tim chỉ còn rung rung rất nhẹ. Rất may mắn là nhà cô L. gần bệnh viện, từ lúc bị đâm tới lúc vào đến viện khoảng 20 phút” - bác sĩ Bằng thuật lại.

 

Bác sĩ đánh giá nhát đâm này có thể giết chết chị L. ngay trên đường đi cấp cứu nếu gia đình chậm trễ. “Nếu chậm hơn vài phút, có lẽ chúng tôi cũng phải bó tay” - bác sĩ Bằng nói.

 

Nhát đâm không làm thủng tim, sượt qua gan và xuyên thủng cơ hoành (hướng chếch lên phía tim). Sau khi cưa dọc xương ức để thâm nhập vùng thương tổn, bác sĩ Bằng nhận thấy tĩnh mạch chủ dưới (cơ quan thu nhận toàn bộ máu của phần cơ thể bên dưới về tim) bị đứt gần rời. Máu từ chỗ này chảy ra dữ dội.

 

Việc cấp bách lúc đó để cứu chị L. là phải chạy đua với thời gian. Không kịp làm bệnh án,  không làm bất kỳ một xét nghiệm nào, các bác sĩ đưa chị thẳng lên bàn mổ cấp cứu. Theo bác sĩ Bằng, mổ gì cũng vậy, đặc biệt là mổ tim - cần điều kiện vô trùng rất khắt khe. Nguy cơ nhiễm khuẩn của ca bệnh này rất lớn. Chưa kể bàn mổ của chị L. trong ngày hôm đó đã phục vụ cả chục người trước rồi.

 

Cái khó của vết thương này là chỗ đứt nằm ngay ở chỗ đổ máu vào nhĩ phải của tĩnh mạch chủ. Hơn nữa, tất cả các vết thương liên quan đến tĩnh mạch và tâm nhĩ đều không được hút hết máu ra vì sẽ bị tắc mạch phổi do hơi gây tử vong lập tức. Vì thế, ca mổ cực kỳ phức tạp” - ông Bằng kể.

 

Theo thống kê sơ bộ, các ca tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt được đưa vào viện vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, dù chưa có con số thống kê chính thức nào nhưng các ca cấp cứu do bạo hành và mâu thuẫn gia đình có xu hướng gia tăng, chưa kể đến việc có những ca vợ/chồng không dám nói nguyên nhân do đánh nhau. Mức độ nghiêm trọng của các ca này cũng tăng tỷ lệ thuận với tỷ lệ gia tăng của số lượng.

Mất khoảng 3 phút, kíp phẫu thuật đã khâu xong vết đứt phức tạp trên. Bác sĩ Bằng cho biết: Trong năm 2008, những ca mổ với thương tổn tương tự vết thương của chị L. đều không thoát chết!

 

Bởi vậy, làm chuyên môn xong rồi nhưng chúng tôi vẫn cầu Trời khấn Phật bởi chưa chắc người bệnh đã sống nổi. Để cứu sống cô L. chúng tôi đã phải truyền tới 18 đơn vị máu (khoảng 4,5 lít)” - ông Bằng cho biết.

 

Chị L. xuất viện sau hơn 3 tuần cấp cứu và điều trị. Ca cấp cứu này là một kỷ niệm “nhớ đời” của người bác sĩ trong 16 năm làm nghề phẫu thuật. “Tôi cho rằng đây là ca thoát chết cực kỳ hi hữu trong cấp cứu ngoại khoa tại Việt Nam. Các bác sĩ đã làm hết sức, nhưng điều đó đôi khi không đủ để cứu một mạng người. Phải nói là bệnh nhân này có một số phận cực kỳ may mắn (nhà gần viện, êkip bác sĩ cấp cứu cũng như hồi sức có nhiều người hiểu biết về phẫu thuật tim mạch) và thể lực tuyệt vời của bệnh nhân đã vượt qua các nguy cơ như nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu…”.

 

Hiện nay, chị L. hồi phục sức khoẻ rất tốt. Chồng chị L. vẫn đang bị tạm giam do sự việc chưa được giải quyết xong xuôi..

 

Cứu cuộc đời của người nhịn nói suốt 28 năm 

Câu chuyện thứ 2 bác sĩ Bằng chia sẻ không liên quan đến việc cứu sống một mạng người khỏi lưỡi hái của tử thần do tai nạn hay đâm chém... nhưng đã khiến cuộc đời, số phận một con người rẽ sang hướng hoàn toàn khác.

 

Bệnh nhân của bác sĩ Bằng là một thanh niên 28 tuổi, không nói, không thở được bằng mũi, miệng. Khi mới 6 tháng tuổi, do bị suy hô hấp cấp và sau thời gian thở máy dài ngày, anh này đã không thể tự thở một cách tự nhiên được. Các bác sĩ phải đặt ống thở trong khí quản ở cổ.

 

Bệnh nhân này vẫn sống, phát triển và học tập bình thường, vẫn thi đỗ đại học và trở thành kỹ sư Tin học. Tuy nhiên, đến tận năm 28 tuổi anh vẫn hoàn toàn không tự thở và nói được một cách bình thường.

 

Sau khi những lần mổ không thành công ở một bệnh viện khác, anh được gia đình chuyển sang bệnh viện Việt Đức. Tại đây, bác sĩ Bằng và bác sĩ Hùng (khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực) đã bổ dọc và cắt bỏ tổ chức sẹo xơ hẹp trong khí quản một đoạn dài trên 5cm. Sau đó, một ống nhân tạo (Hanarostent) được đặt vào bên trong lòng khí quản đoạn bị hẹp để nong dần khí quản và tạo hình lại bộ phận này.

 

Sau 3 ngày, bệnh nhân này nói được những tiếng đầu tiên. Dù chỉ thào thào không rõ nhưng mọi người xung quanh nghe vẫn hiểu được.

 

Đây cũng là một trong nhiều trường hợp hẹp khí quản không thể giải quyết được bằng những phương pháp cũ tại Việt nam. Sự can thiệp thành công của y học bằng kỹ thuật mới thực sự rất có ý nghĩa đối với sức khỏe của người bệnh cũng như giúp cho cuộc đời và tương lai của họ rẽ sang một hướng khác hẳn” - bác sĩ Bằng tâm sự.

 

Không ai ngờ tới

 

Năm 2009, bệnh viện Việt Đức đã cấp cứu cho rất nhiều trường hợp rơi vào hoàn cảnh bi đát, trớ trêu. Các ca hài hước cũng không hiếm.

 

Có thể kể ví dụ về trường hợp một cặp vợ chồng ở Thái Bình, vì tức nhau nên ông chồng trong một phút lơ là đã bị vợ “cắt phăng” của quý!

 

Sau khi được chuyển đến bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ ở đây đã phẫu thuật ca “siêu khó” này và nối thành công dương vật cho người đàn ông “kém may mắn” trên.

 

Ngoài những trường hợp nổi bật như vậy, trong sổ giao ban khám chữa bệnh của bệnh viện còn lưu lại những ca vào viện vì nhiều lý do không ai tưởng tượng ra được, như tự rút dao đâm vào ổ bụng mình! Bệnh nhân này mới 29 tuổi, trú tại Tam Điệp (Ninh Bình), không hề bị tâm thần.

 

Vào những ngày cuối năm 2009, bệnh viện Việt - Đức cũng từng "đón" một nam thanh niên 22 tuổi bị thanh sắt phi 8 đâm xuyên não 15 phân. Đường đi của thanh sắt xuyên từ ổ mắt trái qua thái dương phải và khiến các bác sĩ không thể chụp phim.

 

Tính côn đồ, hung hãn của lớp thanh niên mới lớn cũng thể hiện rõ nét qua các ca cấp cứu. Cách đây 2 ngày, cũng có trường hợp vì đánh nhau nên bị vỡ lá lách, đứt rời cuống thận. Trước đó, đã có những người bị chặt đứt cánh tay, bàn tay…

 

  • Cẩm Quyên
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,