- Trở lại TP.HCM sau ngày tết, hành khách phải ngồi chen chúc vạ vật trên các chuyến xe, bị sang xe khi tài xế “né” công an rồi bị bỏ lại dọc đường... Thậm chí để chạy cho nhanh, kịp quay vòng tài xế còn bắt hành khách “nín” đi vệ sinh, nhịn ăn uống suốt hành trình xe chạy.
Trái ngược không khí vắng vẻ những ngày Tết Nguyên Đán, từ chiều mùng 6 Tết, các bến xe bắt đầu nhộn nhịp trở lại với hàng ngàn lượt khách từ các nơi đổ về TP.HCM.
Ép khách nín... đi vệ sinh để chạy nhanh
Vẻ mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt nhiều người hành khách sau chuyến xe bị nhồi nhét, chặt chém thậm chí bị bỏ lại dọc đường, ép sang xe để trốn công an…
Chị T.Trúc đi từ Đắc Lắk về Sài Gòn tối mùng 7 Tết (20/2) vẫn còn ám ảnh khi kể lại chuyến xe mình đi. Ngay khi vừa xuống tới Đắc Nông, chị bị sang từ xe 40 chỗ qua xe chỉ 16 chỗ dù xe gắn mác “chất lượng cao”.
“Giá vé ngày thường chỉ khoảng 145.000 đồng nhưng tôi phải mua tới 220.000 đồng không có nước uống, khăn lạnh mà ngồi ở lối đi trên xe. Suốt 8 tiếng đồng hồ, toàn bộ hành khách không được uống nước, ăn cơm thậm chí cả… nín đi vệ sinh vì nhà xe không dừng dọc đường” - chị Trúc kể.
Người dân tấp nập xuống bến xe miền Tây, về lại thành phố sau thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán. Ảnh: Thái Phương |
Ám ảnh hơn, nhiều hành khách trên các chuyến xe khác còn bị bỏ lại dọc đường vì lý do lãng xẹt “xe hư”. Chị Loan đi từ Đà Lạt vào Sài Gòn, đang ngồi chờ người nhà ở bến xe Miền Đông vẫn chưa hết bức xúc vì bị bỏ rơi giữa đường. Chị kể, khi xe tới gần Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố (quận 9) tài xế đột ngột trả khách với thông báo “xe hư”! “Xe đang chạy mà bảo hư để đuổi khách!” - chị Loan bức xúc. Nhiều khách phản ứng nhưng nhà xe nhất định không chạy về bến xe miền Đông theo quy định. Rốt cuộc, người bắt xe buýt, người đi taxi, xe ôm về bến lấy xe máy gởi trước Tết…
“Nhưng vẫn còn đỡ hơn những người đón xe dọc đường vừa bị chặt chém, trả tiền gấp đôi nhưng lại bị sang xe bất cứ lúc nào khi nhà xe trốn công an” - chị nói thêm.
Hết bị nhồi lại gặp xe ôm “chặt chém”
Nhiều hành khách khi được hỏi đều cho biết họ bị sang xe, bỏ đói trong lúc xe chạy lòng vòng bắt khách, “né” cảnh sát. Chị Lê Kim Tuyến, nhà ở quận 10 than người vẫn còn ê ẩm sau chuyến xe từ Bình Phước về Sài Gòn. Xe đông, chị phải ngồi chen chúc dọc lối đi dù trả tiền như khách ngồi ghế (giá vé gấp đôi ngày thường). Suốt hành trình, chị ngồi duy nhất… một tư thế vì quay trước quay sau đều đụng người. “Không thể ngủ, không thể dựa lưng vào đâu... Nghĩ đến mà thấy ám ảnh” - chị Tuyến ngao ngán.
Ùn ứ cục bộ trước bến xe miền Đông do xe ra vào thường xuyên. Ảnh: Thái Phương |
Mặt bơ phờ, tái xanh sau khi đi bộ gần 1km từ cầu Bình Triệu về bến xe, Thanh Thuý, sinh viên trường Cao đẳng Du lịch TP.HCM vừa lau mồ hồi vừa kể: “Đi chưa tới ngã tư Bình Triệu thì bác tài nói trả khách vì phía trước kẹt xe! Khách phản ứng, bác tài giải thích đơn giản “không xuống kẹt xe cả tiếng đồng hồ cũng vậy à!”. Thế là khách phải lục tục ôm hành lý xuống xe rồi “làm mồi” cho cánh xe ôm chặt chém.
“Chưa đầy 1km về bến xe mà bác xe ôm “hét” 40.000 đồng. Em hỏi người khác thì bảo 30.000 đồng nên em đành đi bộ cho chắc” - Thuý nhăn mặt kể.
Quan sát một vòng quanh bến xe, nhiều vị khách cho biết họ thở phào nhẹ nhõm khi thấy mình về bến an toàn sau chuyến hành trình kinh hoàng trên những chiếc xe nhồi, xe “chém”..
Với những hành khách đón dọc đường, nhà xe sẵn sàng sang xe, bỏ lại giữa đường dù lấy giá vé "cắt cổ" (trong ảnh: Khách ngồi chờ xe đò trên tuyến quốc lộ 51). Ảnh: Thái Phương |
Theo ghi nhận của PV VietNamNet đến chiều 21/2 (mùng 8 Tết) tại bến xe miền Tây, đoàn xe chở khách từ các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Đồng Tháp… liên tục cập bến. Xe về bến quá đông buộc bến xe phải huy động nhân viên cầm loa điều hành, hướng dẫn xe dừng đậu trả khách tránh ùn ứ. Theo nhân viên điều hành, ngay từ sáng nay hàng ngàn lượt khách từ các tỉnh miền Tây đã trở lại thành phố sau hơn 1 tuần nghỉ Tết.
Tương tự, tại bến xe miền Đông khách từ các tỉnh miền Bắc, Trung và Tây Nguyên cũng ùn ùn đổ về thành phố. Trong ngày 21/2, bến xe có khoảng 1.800 lượt xe từ các tỉnh về bến, vận chuyển khoảng 40.000 - 50.000 lượt khách về lại Sài Gòn.
Do lượng người đổ về Sài Gòn quá đông, tình trạng kẹt xe, ùn ứ kéo dài đã xảy ra ở một số cửa ngõ thành phố. Khu vực ngã tư Bình Phước, cầu Bình Triệu, ngã tư An Sương, ngã ba Vũng Tàu, Suối Tiên… hàng dài xe khách, xe con nối đuôi nhau. Tại khu vực ngã ba Vũng Tàu, lượng xe ô tô từ Vũng Tàu, Long Hải… trở về thành phố sau Tết tăng cao khiến lượng xe ùn ứ tại nhiều ngã tư, ngã ba trên tuyến quốc lộ 51, Xa lộ Hà Nội.
-
Thái Phương