- Cuộc tình của họ đã được hơn 4 năm. Họ xoắn xuýt bên nhau như đôi sam, cũng ôm ấp, vuốt ve, hôn nhau, trò chuyện, nũng nịu như những đôi tình nhân bình thường. Họ là... những người điên.
Về đời em cưới anh!
Người phụ nữ nhìn bề ngoài khoảng hơn 30 tuổi, áo quần xộc xệch vừa đi vừa cười nói lớn tiếng. Chị chạy đến bên anh - người đàn ông râu tóc lởm chởm ngồi bất động bên hành lang – rồi khoe với mọi người xung quanh: “Người yêu em đó, đẹp trai không?”.
Ở Trung tâm Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi chăm sóc hơn 300 bệnh nhân tâm thần nặng, thường truyền tai nhau về chuyện tình của “cặp đôi” Nguyễn Chí Hùng - Nguyễn Thị Thủy.
Anh (23 tuổi) được đưa vào trung tâm năm 2003. Chị (lớn hơn anh 4 tuổi) đến trung tâm sau anh một năm. Tại trung tâm, hai người ở hai khu riêng biệt. Anh ở khu nam, chị ở khu bắc.
Từ lúc trời chưa hửng sáng, chị đã có mặt ở khu nam. Chị đến sớm để gặp tình nhân cùng say trong men tình ái. Họ xoắn xuýt bên nhau cả ngày như không muốn rời xa. Họ cũng ôm ấp, vuốt ve, hôn nhau, trò chuyện, nũng nịu như những đôi tình nhân bình thường khác. Những cử chỉ ấy rất đỗi tự nhiên và mộc mạc. Không ít người bật cười khi nghe chị ngả đầu vào ngực anh nũng nịu: “Anh! Em đau răng. Anh đi xin thuốc cho em…”.
Cặp đôi nổi tiếng nhất tại Trung tâm Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Thường ngày, họ tham gia trồng trọt và chăm sóc rau xanh dưới sự hướng dẫn của cán bộ quản lý. Một chị hộ lý của trung tâm thuật lại: Ban đầu nhìn thấy cử chỉ quyến luyến nhau mọi người chỉ có ý ghép đôi, trêu chọc cho vui, không ngờ hai người càng ngày càng khăng khít.
Cuộc tình của anh chị kéo dài đã hơn 4 năm - khoảng thời gian ngay cả người bình thường cũng khó đủ kiên nhẫn để duy trì.
Những giận hờn, ghen tuông của anh chị cùng đầy cung bậc nhưng rất đỗi mộc mạc dễ thương. Mỗi lần thấy chị tỏ vẻ thân thiết với một người nào khác, anh cứ ngồi lầm lì một chỗ. Anh cáu giận, chửi bới. Chị “hờn mát” cũng chửi bới không thua kém anh. Chị không thèm chia thuốc, chia bánh cho anh mỗi khi có ý nghi ngờ anh không còn yêu mình nữa.
Ước mơ lớn nhất của cả hai là được “về đời”. Họ muốn có một cuộc sống bên nhau ngoài hàng rào, nơi không có những tiếng la hét, những khuôn mặt ngờ nghệch của hơn 300 bệnh nhân tâm thần nặng. Chị Thủy luôn miệng khoe một ngày nào đó, khi cả hai người “về đời” sẽ làm đám cưới. Chị cũng hay năn nỉ các cán bộ cho mình “về đời” để cưới anh Hùng.
Liệu pháp tình yêu
Chúng tôi tìm gặp riêng anh Hùng để tìm hiểu “nguyện vọng, tâm tư” và được anh bộc bạch: “Ra Tết “về đời” em sẽ vô thăm nuôi Thủy. Khi nào kiếm được nhiều tiền sẽ đưa Thủy về ra mắt gia đình và tổ chức tiệc cưới”.
Anh nói thế chứ suốt 6 năm ở đây chưa lần nào anh được người thân vào thăm. Trung tâm cũng không tìm được địa chỉ gia đình của anh Hùng. Ký ức duy nhất của anh chỉ còn lại hình ảnh một người mẹ. Anh vẫn thường lảm nhảm: “Mẹ thương em lắm!. Em cũng thương mẹ lắm!”. Chị Thủy may mắn hơn vẫn còn một người anh thỉnh thoảng lên thăm.
Theo bác sĩ Trần Quang Phúc, những bệnh nhân tại trung tâm đều ở giai đoạn tâm thần sa sút, không thể chữa khỏi được, vì thế, họ sẽ phải gắn bó với trung tâm trong suốt quãng đời còn lại. Cho nên ước mơ của anh Hùng, chị Thủy cũng chỉ mãi mãi là ước mơ.
BS Phúc, người trực tiếp điều trị cho anh Hùng, chị Thủy kể, thời gian đầu ở trung tâm cả anh Hùng và chị Thủy đều vô cảm, tiếp xúc kém, chỉ ngồi lầm lì. Nhưng nhờ vào “liệu pháp tình yêu”, cả hai đang rất hạnh phúc bên nhau. “Tình yêu là bản năng tự nhiên nhất của con người” - BS Phúc chia sẻ.
Đối với anh Hùng, chị Thủy, tình yêu của họ thật trong sáng, không mưu cầu, không toan tính. Ở họ, chúng tôi cảm nhận đầy đủ hương vị ngọt ngào của tình yêu. Phải chăng, đó là tình yêu của người điên?
-
Nhật Lam - Đinh Nga