- Tuyến cửa ngõ phía Nam Hà Nội ùn ứ trở lại. CSGT đã không thể tập trung hết sức xử lý "xe nhồi" vì sợ tắc đường.
Khách "giao thân" cho "xe nhồi"
Từ đầu giờ chiều 21/2, tại bến xe phía Nam (Giáp Bát) từng chuyến xe chở đầy khách nối đuôi nhau đưa khách về bến. Tình trạng xe chở quá người quy định cũng xuất hiện nhiều hơn. Do lượng hành khách tập trung đi xe quá đông trong ngày cuối tuần nên nhiều người chấp nhận đi xe nhồi hoặc bắt xe dọc đường rồi chịu giá vé cao hơn. Dù lực lượng CSGT đã chặn nhiều xe chở quá số người quy định tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội để xử lý nhưng vẫn không xuể.
Chiếc xe nhồi bị CSGT xử lý đầu đường Pháp Vân |
Khi tổ tuần tra của đội CSGT số 4 ( Phòng CSGT Hà Nội) chặn chiếc xe biển số 38N-1832 chạy tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội tại khu vực Pháp Vân, xe "nhét cứng" khách. Lối đi giữa xe chật kín khách ngồi thậm chí nhiều hành khách phải ngồi ở bậc cửa lên xuống. Tương tự, xe biển số 17K-7486 (Thái Bình) cũng chở quá 10 người so với thiết kế của xe là 30 khách.
Nhiều hành khách trên xe cho biết, họ phải đứng từ Thành phố Thái Bình, Nam Định đến Hà Nội dù đã trả giá vé cao gấp đôi ngày thường.
Thậm chí có xe như xe 18N-6038 chạy tuyến Nam Định – Hà Nội vào thời điểm kiểm tra, CSGT phát hiện xe chở 60/39 khách.
Trung tá Lê Văn Hoan, Tổ trưởng Tổ tuần tra (Đội CSGT số 4) cho biết trong dịp này hầu hết các xe đều chở quá số người. Nhưng nếu chặn tất cả để xử lý cũng không xuể và dẫn đến tắc đường.
“Sáng mùng 6 tháng Giêng, khi lực lượng cảnh sát chặn các xe đưa khách về Hà Nội chở quá số người để xử lý tại khu vực trước bến xe Giáp Bát đã xảy ra tình trạng ùn tắc do số xe bị dừng quá nhiều”- trung tá Hoan nói.
Cứ kiểm tra là có xe nhồi |
Những hành khách từ Hà Tĩnh, Nghệ An đi xe khách ra Hà Nội nói với PV VietNamNet: nhiều xe gắn mác "chất lượng cao" cũng vẫn tranh thủ bắt khách dọc đường đến khi không còn chỗ nữa mới thôi.
Đội trưởng Đội CSGT số 4 cũng cho rằng, phải san sẻ lực lượng, ưu tiên phân luồng tuyến cửa ngõ huyết mạch nên không thể tập trung hết sức xử lý "xe nhồi, xe nhét".
Giá vé tăng "chóng mặt"
Mặc dù lượng khách đổ về các bến xe tăng cao nhưng lượng khách đi vẫn không đột biến. Các quầy vé đường dài tại bến xe phía Nam vẫn còn đủ vé phục vụ khách. Cho đến ngày 20/1, ban quản lý bến xe phía Nam chỉ mới tăng cường thêm 1 xe cho tuyến Hà Nội – TP HCM.
Đường Hà Nội ùn ứ trở lại sau hơn 1 tuần nghỉ Tết |
Từ 21/1, Công ty Quản lý bến xe Hà Nội đã tăng cường 30 xe khách tuyến đường dài để phục vụ hành khách trở vào các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên. Trong đó, riêng ở bến xe phía Nam, mỗi ngày từ Hà Nội đi TP.HCM là 12 chuyến, đi Đắk Lắk là 10 chuyến và đi Gia Lai tăng thêm 4 chuyến.
Đến thời điểm này, giá vé xe khách các tuyến “nóng” như Giáp Bát - Đắk Lắk, Giáp Bát - TP HCM, Giáp Bát - Đà Nẵng, Giáp Bát - Gia Lai đều đã tăng từ 30 - 60%. Giá vé tuyến Giáp Bát - Kon Tum ngày thường giá 360.000 đồng/vé giờ đã tăng tới 540.000 đồng/vé. Tuyến Giáp Bát - Buôn Ma Thuột cũng đã tăng từ 240.000 đồng/vé lên 385.000 đồng/vé. Trên tuyến Giáp Bát - Đà Nẵng (xe chất lượng cao), giá vé tăng gần 100.000 đồng so với ngày thường từ 190.000 đồng đến 300.000 đồng.
Nhiều hành khách tại bến xe cho hay để có được tấm vé đi sau Tết, nhất là những tuyến xe vào Nam, họ đã phải nhờ người thân chủ động đặt vé từ trước Tết hoặc lấy số điện thoại của nhà xe để đặt chỗ trực tiếp.
Nhân viên bán vé tại bến xe phía Nam của hãng xe Tân Đạt khẳng định ngày 20/2, 21/2 (tức mùng 7,8 Tết), nhà xe chỉ còn duy nhất một vé đi Sài Gòn.
Không chỉ xe đi vào Nam mới tăng giá vì lý do phụ thu chiều rỗng mà các xe ra Bắc cũng tăng giá vé gấp đôi, nhất là xe chất lượng cao.
Anh Đức, SV ĐH Giao thông Vận tải cho biết, trước Tết anh mua 1 vé xe của hãng Hưng Thành từ Huế ra Hà Nội cho tối mùng 7 Tết, giá 300.000 đồng (cao gấp đôi bình thường) nhưng sau đó mua thêm một vé nữa thì giá đã đội lên thêm 20.000 đồng.
Tương tự, hàng loạt xe chất lượng cao như Camel, Hưng Long, Dòng Hiền, Quang Luyến, Minh Mập, Dũng Hồng chạy từ Huế, Quảng Trị, Đồng Hới ra Hà Nội đã bán hết vé ngày 8 Tết từ trước đó vài ngày với giá cao gấp đôi bình thường.
Vé tàu cũng "căng" Không riêng gì xe khách, giá vé tàu sau những ngày nghỉ Tết cũng rơi vào tình trạng “nóng”. Nhiều hành khách phải mua vé ghế phụ. Ông Vũ Đình Rậu, Trưởng ga Hà Nội cho biết, vé ghế chính và giường nằm các tuyến tàu Thống Nhất (Hà Nội- TP.HCM) đã được bán hết cho đến hết ngày 28/2(tức 15 tháng Giêng). Tuyến tàu Lào Cai cũng rơi vào tình trạng tương tự. Do người dân đi lễ nhiều vào những ngày đầu năm mới nên vé giường năm và ghế ngồi mềm cũng không còn, nhất là vào những ngày cuối tuần. Còn nếu khách đi vào ngày đầu tuần thì vẫn có thể mua vé ghế ngồi hoặc ghế phụ. Mặc dù nhà ga đã bán hết vé chính song tại khu vực ga Hà Nội, "cò vé" vẫn hoạt động bằng cách dụ khách mua vé chặng ngắn, rồi bỏ mặc khách ở các chặng tiếp theo. Ông Rậu khuyến cáo: hành khách không nên tin lời cò bởi để có thể mua vé tàu Thống Nhất bắt buộc phải có chứng minh thư và lượng vé bán ra cũng được kiểm soát gắt gao nên việc "cò" khẳng định mua được vé tàu chặng dài đi trước ngày 12 tháng Giêng (tức 25/2) là điều không thể. So với dịp Tết năm 2009, lượng khách năm nay đã tăng thêm khoảng 10%. Ga Hà Nội cũng dự báo, phải sau ngày rằm tháng Giêng (tức sau 28/2), tình hình vé tàu mới bớt căng thẳng. |
-
Chí Hiếu