- Những ngày này đến thôn Phú Hải (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) từ đầu thôn cuối xóm như nhộn nhịp hẳn. Bà con nông dân Phú Hải đang vào “mùa” làm hàng mã, từ khắp nơi trong ngoài tỉnh các tiểu thương cũng đổ về đây “ăn” hàng bán dịp Tết. Nghề làm hàng mã đã nuôi sống bao thế hệ cư dân của làng.
Cả làng sống nhờ vào đồ giả
Theo những người cao tuổi trong làng, nghề làm hàng mã của dân Phú Hải có khoảng 300 năm nay. Làng không có mấy ruộng vườn, cả làng chừng 60 hộ dân thì tất thảy đều sống nhờ vào nghề làm hàng mã.
Cụ Mai Thị Lan (90 tuổi) người dân của làng cho biết, “ông tổ” nghề làm hàng mã của làng vốn là thầy cúng, nay đây mai đó hành nghề nên ông đã học được cách làm các loại hàng mã với mẫu mã đẹp dùng cúng cho người chết về truyền lại cho dân làng.
Ban đầu, chỉ một đến hai hộ dân làm nghề này, chủ yếu phục vụ cúng quẩy, ma chay, về sau thấy ăn nên làm ra nên có những cơ sở làm khá quy mô mọc lên trong làng, cung cấp hàng mã cho các chợ trong và ngoại tỉnh.
Gia đình chị Võ Thị Thuý, có 5 đời làm hàng mã ở Phú Hải, hơn một tháng nay những thành viên trong nhà đang tất bật chuẩn bị hết các công đoạn làm hàng mã từ: vót tre, ráp thành khung, chế biến hồ, cắt giấy, gián giấy…Đang ngồi dùng đồ chạm (dụng cụ cắt giấy theo hình mẫu) các mẫu giấy, chị Thuý cho biết: Từ khi lớn lên tuổi con gái là chị đã biết đến các công đoạn để làm hàng mã. Nhưng muốn có sản phẩm đẹp thì phải bỏ công học 2 đến 3 năm.
Cơ sở hàng mã của gia đình chị Thuý. (Ảnh: Tá Linh)
Mỗi năm dân làng Phú Hải đón khá nhiều “học trò” về đây tìm thầy học nghề. Cứ bình quân mỗi thành viên trong gia đình chị làm được 5 bộ trạng (gồm: quạt, đôi hia, 1 cung tên, 1 cái áo, con ngựa, cái mũ)/ngày, bán được với giá 25.000 nghìn đồng. Trừ chi phí tiền giấy, tiền hồ, tiền mua tre cũng lãi từ 12-15 nghìn đồng/bộ. Riêng làm bộ đồ cúng ông mệ (ông bà) thì nhanh hơn, từ 7-8 bộ/người/ngày.
Chị Thuý cho biết thêm, cứ mỗi dịp tháng 7-8 Âm lịch hoặc dịp rằm tháng giêng như thời điểm hiện nay thì cả làng mới bắt đầu “vào nghề”. Mỗi thành viên trong gia đình đều được phân mỗi công đoạn riêng, sau khi hoàn thành đem ráp lại là được một bộ hàng mã bán cho các tiểu thương trong vùng.
Làng Phú Hải đã mấy đời nay xem nghề làm hàng mã như một thứ nghề truyền thống hái ra tiền. Dù là những đứa trẻ mới lớn lên, con gái khi về nhà chồng đều phải học cách làm hàng mã. Nói như ông Hồ Duy Khả, Trưởng thôn Phú Hải thì do đặc thù của làng không có mấy ruộng vườn để sản xuất nên dân làng không biết làm gì ngoài việc theo nghề truyền thống của gia đình. Đây là công việc khá nhẹ nhàng mà có thu nhập ổn định quanh năm, nhất là vào dịp Tết, dân làng “phất” lên trông thấy!
“Bóp bụng” người sống lo người chết
Và 12 bộ đồ áo mũ tạ mộ cũng ngốn hết mấy trăm nghìn đồng, cộng tiền xăng xe xem như anh "đứt" mấy tạ lúa. Anh Tân tâm sự: “Dù cả năm làm ăn có được mùa hay thất bát thì đến dịp cúng quẩy cũng phải gắng sắm cho được mấy bộ đồ trạng về mà đốt cho phải đạo lý. Mình sống có lay lắt cơm cháo qua ngày cũng được chứ đến dịp Tết, ngày giỗ mà không có mấy bộ hàng mã đốt thì tội lắm!”.
Cứ dịp rằm tháng 7, Tết đến dù khó khăn chật vật, người dân vẫn “tậu” cho mình vài bộ hàng mã để đốt cúng cho người âm. (Ảnh: Tá Linh)
Cứ mỗi độ đến rằm tháng 7, Tết Nguyên Đán người dân miền Trung lại tất tả đi đặt hàng mã cho kịp lễ cúng. Có lẽ cái quan niệm như anh Tân đã ăn sâu trong nhận thức của người dân ở dải đất miền Trung này.
Theo nhiều người dân ở đây, hàng mã bây giờ đa dạng hơn nhiều. Hồi xưa chỉ có áo đại triều, áo tràng, phẩm phiêu, bao tử, mũ xung thiên, nay càng “mốt” hơn, có cả áo vest, quần tây, quần jeans…Đặc biệt, để có hàng đẹp nhiều người trên thành phố, ngoài tỉnh còn mang cả mẫu điện thoại di động, xe ô tô, xe mô tô đã phô-tô trên giấy về đặt hàng cho các “nghệ nhân” hàng mã. Thường những mặt hàng này khách phải trả tiền gấp đôi.
Anh Nguyễn Trạm, một thợ làm hàng mã ở Phú Hải cho hay: “Hồi tháng trước ở Khe Sanh có ông Sáu đi xem bói về bảo phải “đóng” một chiếc xe máy về cúng mới làm ăn phát đạt. Ông đặt tui với 2 triệu đồng, trả trước 1 triệu, làm xong trong một tuần. Khi làm xong để chở lên tận Khe Sanh ông phải thuê xe, mất thêm mấy trăm nghìn thế là “trọn gói”!”.
Ai cũng biết, việc cúng quẩy, ma chay, đốt vàng mã cũng là một truyền thống đẹp của người Việt chúng ta, nhưng quá lạm dụng nên sinh ra lãng phí và đôi lúc lại mê tín dị đoan! Nhiều người dân dù đói đứt bữa, bán ít của nả trong nhà cũng gắng “tậu” được vài bộ trạng hoành tráng để đốt cúng trong dịp tạ mộ, rằm, Tết.
-
Tá Linh