Sau bài viết Dùng sữa có trẻ béo phì, trẻ suy dinh dưỡng của bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu – trưởng khoa Dinh Dưỡng – BV Nhi đồng 2 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi và thắc mắc của độc giả. Bác sĩ đã tiếp tục trả lời những thắc mắc dễ gây hiểu lầm trong cách dùng sữa và công dụng của sữa.
- Đối với trẻ bị não thủy, có khẩu phần dinh dưỡng nào khả quan cho bé hay không?
BS Nguyễn Thị Thu Hậu: Bệnh não úng thủy là một dị tật của não, trẻ có thể bị chậm phát triển nếu can thiệp muộn. Chế độ dinh dưỡng của trẻ vẫn như một bé bình thường, nghĩa là cần một chế độ dinh dưỡng cân đối, đảm bảo cho bé phát triển tốt cả về thể chất, trí tuệ và miễn dịch. Nếu bé có chậm phát triển hay một số di chứng thì cần kết hợp cả vật lý trị liệu. Tốt nhất là bé nên được khám, tham vấn một chế độ dinh dưỡng và tập luyện cũng như điều trị cụ thể tại bệnh viện.
Ảnh minh họa từ Internet |
- Tôi nghe nói trẻ em châu Âu toàn uống sữa tươi mà vẫn phát triển rất tốt; trong khi nước mình thì cứ kêu gọi trẻ uống sữa bột. Có sự khác biệt nào trong thành phần sữa giữa sữa bột và sữa tươi không ạ?
BS Nguyễn Thị Thu Hậu: Sữa công thức được chế biến dựa trên những thành phần cơ bản của sữa mẹ tùy theo tháng tuổi của trẻ. Do đó, bạn sẽ thấy các công thức khác nhau dành cho những độ tuổi khác nhau. Bắt đầu từ sữa bò tươi, người ta phải tìm cách bỏ ra một số chất quá dư thừa và thêm vào một số chất khác còn thiếu để công thức gần với sữa mẹ, giúp trẻ có thể hấp thu và phát triển tốt nếu thiếu sữa mẹ. Sữa tươi vẫn là một nguồn dinh dưỡng rất quý đối với trẻ, tuy nhiên so với sữa mẹ, thành phần của sữa tươi quá giàu đạm gây quá tải cho thận (mà 88% là đạm casein rất khó tiêu đối với trẻ nhỏ).
TIN LIÊN QUAN
Trong khi đó tổng lượng đạm trong sữa mẹ chưa tới 1/2 đạm trong sữa bò tươi, với 30-40% là casein, chủ yếu 60-70% là đạm hòa tan whey giúp dễ hấp thu và phát triển hệ thống miễn dịch), sữa mẹ giàu lactose hơn giúp phát triển não, hệ khuẩn ruột, hấp thu canxi tốt, ngay cả thành phần chất béo cũng có nhiều khác biệt. Trong sữa tươi hàm lượng sắt rất thấp và khó hấp thu, do đó Tổ chức Y tế Thế giới khuyên không nên dùng sữa tươi cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Nếu trẻ thiếu sắt trong những năm đầu đời sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ về sau, và tổn thương này có thể là vĩnh viễn không hồi phục.
Vì vậy, sữa tươi chỉ dùng được cho trẻ trên 1 tuổi, khi hệ tiêu hóa và thận của trẻ tương đối hoàn chỉnh, não đã phát triển khá, trẻ có thể nhận được nguồn sắt, kẽm, vitamin...và các chất dinh dưỡng cần thiết khác từ một chế độ ăn đa dạng. Ngay cả nước ngoài cũng vậy, với trẻ nhỏ, sử dụng sữa mẹ là tốt nhất, nếu thiếu sữa mẹ thì bổ sung bằng sữa công thức phù hợp lứa tuổi, chỉ được dùng sữa tươi nếu trẻ trên 1 tuổi. Khi trẻ lớn, các nhà dinh dưỡng luôn nhắc nhở phụ huynh cho bé một khẩu phần ăn đa dạng, đầy đủ chất, không thiếu sữa cũng như các sản phẩm từ sữa. Còn việc phối hợp và chọn những loại thức ăn như thế nào để bé ăn ngon miệng, nhận được đầy đủ dưỡng chất và phát triển tốt là nghệ thuật của cha mẹ.
- Trẻ nhỏ có có thể nhận biết được hương vị hay không? Tại sao sữa cho nhũ nhi không pha thêm hương dâu hay hương socola để kích thích sự thèm ăn của trẻ biếng ăn?
BS Nguyễn Thị Thu Hậu: Trẻ mới sinh cũng đã nhận biết được mùi vị. Tuy nhiên lúc nhỏ vị giác của trẻ phát triển chưa hoàn thiện và trẻ thích vị ngọt nhất. Vào khoảng 4-6 tháng tuổi, vị giác của trẻ phát triển đầy đủ hơn và người ta bắt đầu cho trẻ làm quen dần với thức ăn dặm. Trong sữa công thức của trẻ nhỏ dưới 12 tháng, nhất là ở trẻ dưới 6 tháng, khi sữa mẹ là thức ăn chủ yếu, sữa công thức chỉ là thức ăn bổ sung hoặc thay thế khi thiếu sữa mẹ, để trẻ không chê sữa mẹ, người ta sẽ chọn vị tự nhiên của sữa chứ ít khi thêm mùi khác.
Người ta cũng khuyên khi mới tập thức ăn dặm cho trẻ, nên cho trẻ ăn từng món và từng mùi vị riêng để trẻ học dần các mùi vị mới, phát hiện ý thích cũng như phản ứng của trẻ để có cách tập cho trẻ thói quen ăn uống tốt. Khi nào trẻ nhận biết tốt các mùi vị đặc trưng của các món mới cho trẻ làm quen với những vị hỗn hợp. Các mùi bổ sung trong sữa thường chỉ áp dụng cho trẻ lớn.
-
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu HậuTrưởng khoa Dinh Dưỡng – BV Nhi đồng 2.